CUỘC VẬT LỘN TRONG BÙN LẦY CỦA CÁC TAY ĐUA XE ĐỊA HÌNH
Sáng 4/11, các tay đua bước vào cuộc tranh tài tại Giải đua ôtô địa hình Việt Nam 2022 (VOC) ở Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây. Trong ngày đầu thi đấu, hai hạng đua Nâng cao và Mở rộng được tiến hành với các bài tại đường đua số 8, 11, 12 và 13.
Đường 12 là một bài thi mới dành cho hạng Mở rộng. Ngay từ điểm xuất phát, các tay đua đã phải tời xe lên một vách đất cao chừng 10m, với độ dốc khoảng 70 độ.
Để vượt qua bài này, chã (lái phụ) phải đu dây lên vách để tìm điểm neo tời. Xe thi đấu vượt dốc bằng tời, sau đó di chuyển xuyên một cánh rừng và vượt qua một số địa hình hiểm trở trước khi quay trở lại đỉnh đồi. Từ vị trí này, một trong số hai tay đua sẽ phải tụt thật nhanh xuống dốc để bấm giờ. Đội đua không cần phải đưa xe về vị trí xuất phát.
Anh Vũ Ngọc Cường (Leo Vũ) và anh Nguyễn Văn Luật trao đổi trước khi vào bài thi mới. Cặp tay đua này được đánh giá là ứng viên vô địch tại giải đấu lần này.
Chã Nguyễn Đức Duy Sang (đội Ngọc Trai) là người trẻ nhất giải. Chàng trai 21 tuổi cho biết trước khi vào cuộc đã đi xem các đội thi đấu và thấy rất run, lo lắng. "Tuy mới tham dự lần đầu nhưng mục tiêu của tôi là đi được hết bài thi", anh nói.
Giới hạn cho bài thi này là 20 phút, đội thi 413 do xe gặp sự cố, chết máy trong rừng và không thể hoàn thành bài thi.
Sau khi kết thúc bài thi tại đường số 12, các đội tiếp tục di chuyển ra đường 8 để thi đấu (còn gọi là đua bò).
Đường Đua bò là bài thi quen thuộc nhất trong suốt 15 năm VOC tổ chức, nhưng năm nay, đường này được di chuyển sang vị trí hoàn toàn mới, được tạo thành từ hai hình Elip tạo ra hình dạng như số 8.
Bề mặt đường được hạ thấp xuống khoảng 50cm và đổ nước để tạo ra bề mặt lầy lội. Tuy không phải là thử thách bất khả thi nhưng sự chênh lệch thành tích ở đường này đã khiến nhiều đội ứng cử viên tạm xếp ở thứ hạng không cao.
Tại Đường đua số 13, hơn một nửa số xe tham gia hạng Nâng cao k thể vượt qua, còn ở hạng Mở rộng thì ngược lại. Ở bài thi này các tay đua phải di chuyển từ trên đồi xuống một bãi đất bùn. Hai bên đường đua không căng dây mà chỉ hạn chế những khu vực không được đi. Vì vậy các tay đua thoả sức sáng tạo tìm ra đường riêng cho đội của mình.
Chiếc xe này lao xuống rất nhanh, khi quay về đã bị vỡ két nước phải nhờ đến cứu hộ.
Các xe sau khi xuất phát, vượt qua đầm lầy đến cuối bài và vòng ngược trở lại. Thoạt nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng đây là sự thách đố đối với tất cả đội đua.
Ở bài này, những bãi sình lầy tạo ra quá nhiều thử thách cho các tay đua, những màn "thủy chiến" diễn ra liên tục.
Vất vả, khó khăn nhưng các đội đua vẫn đón nhận hào hứng, nhất là mỗi khi thành công ở một pha giải cứu.
Khán giả đứng đón xem hai bên đường đua được đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Họ hồi hộp hơn cả những cao thủ đang ngồi bên trong bẻ vô lăng.
Hầu hết xe tham gia hạng Nâng cao đều phải dùng tời.
Khi gặp sự cố, các chã phải nhảy xuống buộc tời vào gốc cây để kéo xe lên.
Trong buổi đầu giải đấu diễn ra, khá nhiều đội ở hạng Nâng cao không thể hoàn thành bài thi và chấp nhận bị quá thời gian (DNF). Thử thách này khiến những đội không có chuẩn bị kỹ lưỡng về xe cũng như thiếu sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hai ngày thi đấu kế tiếp.
Giải đua ôtô địa hình Việt Nam lần này cũng kỷ niệm 15 năm tổ chức, mở rộng quy mô thi đấu lên 3 ngày (4,5,6/11). Tham dự có 100 đội đua, 200 vận động viên của 4 phân hạng, thi đấu khoảng 700 lượt trên 13 đường thi. Năm nay VOC có một nét mới là tăng thêm 3 đường đua.