5 năm sau, Van Houston Academy, ngôi trường do thầy giáo gốc Việt Văn Tấn Hoàng Vỹ làm hiệu trưởng, đã có hơn 200 học sinh. Nhiều em trong số đó đỗ vào các trường đại học hàng đầu thế giới.

Văn Tấn Hoàng Vỹ nhận ra điều này kể từ khi là giáo viên Toán tại trường trung học Sam Houston ở ngoại ô bang Texas, Mỹ. Năm ấy, thầy giáo 23 tuổi người Việt vừa tốt nghiệp trường Imperial College London (Anh) danh tiếng, lần đầu được giao phụ trách môn Toán tại ngôi trường “từng có 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức không thể chấp nhận”. Anh cùng một số giáo viên trẻ khác được tuyển về với hy vọng giúp nhà trường “thay máu”.

Mang tâm thế hừng hực nhiệt huyết, nhưng ngày đầu bước chân vào lớp, thầy giáo 23 tuổi bất ngờ vì không học sinh nào chịu làm bài. Chúng ngồi uể oải trên ghế, không bày trò quậy phá, nhưng cũng không hưởng ứng với bài giảng. Thầy giáo trẻ thử giao một bài đồ thị đơn giản, gần 30 học trò vẫn ngồi yên. Thầy tiếp tục cho học sinh một vài phép tính, nhiều em xoè tay ra đếm. Có những em thậm chí không biết tam giác có mấy cạnh.

“Khi tìm hiểu, tôi mới biết không phải do các em lì không chịu làm mà vì cả lớp không ai biết giải. Là học sinh lớp 11 nhưng hầu hết kiến thức của các em vẫn chỉ dừng ở mức lớp 6, lớp 7”, thầy Vỹ nhớ lại.

Trong tuần đầu tiên, toàn bộ giáo trình do thầy Vỹ biên soạn suốt 3 tháng hè phải bỏ hết. Quyết định không chạy theo giáo án từ bên trên áp xuống, anh tự biên soạn lại dựa trên năng lực của học sinh và cố gắng lấp đầy khoảng trống kiến thức các em còn thiếu hụt.

Nhưng anh Vỹ thừa nhận, khó khăn lớn nhất thời điểm đó không phải nằm ở kiến thức mà ở ý chí của các em.

Gần 200 học sinh trong 7 lớp thầy Vỹ tiếp quản, đa số không muốn đi học đại học. Ngay chính cha mẹ các em cũng không quan tâm mấy tới việc học. Hơn 70% học sinh nữ tại đây đang có bầu hoặc đã sinh, thậm chí có em học sinh lớp 11 đã có tới 3 con.

“Đó là điều rất bình thường ở nơi này”, thầy Vỹ nói.

Bị hổng kiến thức từ những lớp dưới nhưng vẫn được lên lớp đều khiến càng lên cao, học sinh của thầy Vỹ càng cảm thấy kiến thức Toán thật xa lạ và khó nhằn. Chán nản vì trượt quá nhiều khiến chúng hình thành tâm lý bỏ cuộc, muốn buông xuôi vì nghĩ mình không thể làm được và sẽ không bao giờ vượt qua được môn này.

“Nhưng tôi tin không học sinh nào thức dậy muốn mình là người thất bại cả. Chỉ là, chúng không có cơ hội thể hiện hoặc không biết cách nào để có thể thành công”, anh Vỹ nói.

Vì thế, việc đầu tiên anh làm tại lớp học của mình là giúp học trò được “nếm vị ngọt của thành công”. Thay vì đưa cho các em những bài Toán khó nhằn, anh chẻ nhỏ từng bước thành các bài Toán đơn giản để học sinh thấy “hóa ra, mình cũng làm được”. Trong quá trình ấy, anh cũng từng bước “vá” lại những lỗ hổng, xây lại nền kiến thức vững chắc trước khi đưa học trò bước vào những bài toán phức tạp hơn. Nhờ vậy, các em dần dần lấy lại được sự tự tin.

Trong suốt năm đầu tiên tại Sam Houston, thầy Vỹ luôn có mặt ở trường từ 6 giờ sáng và ra về muộn nhất lúc 6-7 giờ tối để soạn giáo án hoặc phụ đạo cho những học sinh chưa hiểu bài giảng hôm đó. “Tôi mong các em sẽ tiến lên từng bậc, luôn muốn cố gắng và thấy mình có thể thành công”, anh nói.

Thay vì sử dụng bài kiểm tra của toàn bang, thầy Vỹ cũng tự thiết kế bài kiểm tra để đánh giá học sinh theo từng giai đoạn. Không bao giờ nổi giận với học trò, nhớ tên và sở thích của từng em mình dạy cũng là điều thầy Vỹ nỗ lực làm trong suốt 4 năm giảng dạy tại Sam Houston. Ngoài ra, đều đặn mỗi năm học, thầy Vỹ cũng yêu cầu học trò dán ước mơ của mình lên một tấm bảng. Những ước mơ được treo ở đó suốt cả một năm, là kim chỉ nam để các em nhìn vào cố gắng mỗi khi cảm thấy chán nản hay mất động lực.

Sự tận tâm đồng hành của thầy giáo trẻ trong suốt quãng thời gian ấy cũng đã đem lại kết quả. Kết thúc năm học trước, chỉ 33% học sinh vượt qua được bài kiểm tra Toán chuẩn hóa của bang Texas, sau một năm, con số này đã tăng lên 98%. Có những em ngỡ mình sẽ không thể tốt nghiệp được cấp ba, cuối cùng lại có thể đỗ vào các trường đại học của Mỹ. Nhiều học trò cũ của thầy Vỹ thậm chí đã tốt nghiệp và quay trở lại làm giáo viên.

“Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp chúng tôi thay đổi thái độ sống, có ý thức học hành và tìm được đam mê của bản thân”, Brittany Cantu, một nữ sinh từng được xem là “cá biệt” tại Sam Houston, nói. Trước đó, Cantu cũng từng chán ghét việc học, muốn buông xuôi nghỉ học vì liên tiếp trượt môn. “Nhưng thầy Vỹ không đánh giá, phán xét mà giúp tôi học cách vươn lên”, nữ sinh nhớ lại và cảm thấy biết ơn thầy đã cho mình động lực bước tiếp.

Cho đến tận bây giờ, khi nhìn lại, anh Vỹ vẫn thấy con đường đến với nghề giáo của mình như một cơ duyên. Từng là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang, Khánh Hòa), Vỹ nhận học bổng chương trình A-level để du học ở Anh, sau đó trúng tuyển ngành Toán tại Imperial College London.

Hầu hết các bạn cùng lớp Vỹ và nhiều cựu du học sinh đi trước đều lựa chọn theo hướng làm trong ngân hàng hoặc y dược. Bản thân anh khi ấy cũng chưa từng nghĩ sau này mình sẽ đứng trên bục giảng.

“Thú thực trước đây khi đi học, tôi sợ nhất là chán. Tôi từng nghĩ nếu đi dạy nhiều năm, năm nào cũng giảng lại một bài thì sẽ rất tẻ nhạt và uổng phí. Cho đến khi thực sự đứng trên bục giảng, tôi thấy suy nghĩ trước đây của mình là sai lầm”.

Lần đầu tiên đứng lớp của Vỹ là mùa hè năm thứ nhất, khi theo học tại Imperial College London. Anh theo giáo sư tới làm trợ giảng, dạy cho những học sinh ở Hackney, khu vực nghèo nhất của London. Nhưng khi ấy, vì thiếu người, anh được đề xuất giảng dạy chính.

“Khi đứng lớp, tôi thấy vui và rất thích công việc này. Trước đây, tôi cũng đi làm thêm nhiều công việc khác nhưng chưa việc nào khiến tôi có được cảm giác ấy. Sau 3 tuần dạy, tôi quyết định nói với gia đình về ước mơ muốn trở thành giáo viên của mình”.

Mang theo giấc mơ ấy cho đến khi ra trường, anh có cơ hội công tác tại Sam Houston. Từng gặp nhiều học sinh yếu kém, cá biệt, anh Vỹ chưa bao giờ thấy nản. “Tôi nghĩ đơn giản rằng với những học sinh giỏi, thầy cô chỉ đóng vai trò dẫn dắt, bởi các em này sẽ có khả năng tự tìm tòi và tự học được. Chính những học sinh yếu kém mới cần đến giáo viên xuất sắc”.

Và hơn hết với anh, dạy những học sinh yếu, giúp các em thích học và tiến bộ từng ngày là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề giáo.

“Có những đồng nghiệp của tôi từng mừng phát khóc khi thấy học sinh cải thiện điểm cuối năm. Tôi nghĩ rằng, khi có lửa nghề, mình sẽ không bao giờ thấy nản mà chỉ nghĩ làm thế nào để học sinh từng bước, từng bước thành công trong việc học”, anh nói.

Sau 4 năm công tác ở trường Sam Houston, trong đó có 3 năm giữ chức trưởng bộ môn Toán, anh Văn Tấn Hoàng Vỹ quyết định tạm dừng việc dạy học để chuyên tâm nghiên cứu bài bản về sư phạm và cách xây dựng giáo trình. Mong muốn của anh khi ấy là lan toả và hỗ trợ được nhiều học sinh hơn ngoài quy mô ngôi trường của mình. Năm 2012, anh tiếp tục nộp đơn vào Đại học Stanford, theo học bậc thạc sĩ ngành Giáo dục. 

“Trước khi bước vào nghề giáo, tôi chưa từng học qua trường lớp sư phạm nào. Mọi thứ tôi làm đều theo bản năng”, anh nói. Nhưng sau 2 năm theo học và tốt nghiệp xuất sắc tại Stanford, anh Vỹ bắt đầu tự tin hơn về kiến thức và kỹ năng của mình. Đó cũng là thời điểm anh muốn quay trở lại cống hiến cho cộng đồng người Việt Nam. 

Ý tưởng về một trường học Việt Nam ở Houston bắt đầu được nhen nhóm từ lúc ấy. Năm 2016, Van Houston Academy ra đời, ban đầu hoạt động với mô hình “After school” - phụ đạo sau giờ học. Tuy nhiên theo anh Vỹ, mô hình này dù có lợi về tài chính nhưng không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục.

“Với 2 tiếng/ngày, tôi không giữ được giáo viên giỏi do thu nhập không đủ nuôi sống bản thân họ. Chừng ấy thời gian cũng không đủ để bồi dưỡng học sinh có sự tiến bộ thực sự”. 

Vì thế sau hai năm, anh Vỹ quyết định mở rộng mô hình thành trường tư dạy cả ngày. Giai đoạn năm 2019, dịch Covid-19 ập tới, học sinh phải ở nhà, các trường học chuyển sang dạy online. Ngôi trường mới thành lập của anh Vỹ cũng điêu đứng vì cơ sở vật chất thô sơ, không thể duy trì hoạt động giảng dạy. Năm ấy, trường phải đóng cửa, toàn bộ học sinh bị trả về trường công.

“Tôi từng nghĩ rằng mình phá sản rồi”, anh Vỹ nhớ lại thời điểm đó.

Nhưng may mắn, tới năm 2021, Chính phủ Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại, anh quyết định “cứu” trường bằng cách tập trung 6 giáo viên cũ của trường, xây dựng lại từ nền móng. Các giáo viên thời điểm ấy cũng sẵn sàng bỏ hết công việc đang làm, quay trở về đồng lòng cùng anh Vỹ “cứu” trường.

Chật vật làm lại từ việc tuyển sinh, cơ sở vật chất cũng không mấy khang trang, nhưng vì “tiếng” của thầy từ thời điểm làm mô hình “After school”, nhiều phụ huynh sẵn sàng đưa con quay trở lại học.

Dẫu vậy, cũng có không ít nghi hoặc về một ngôi trường do người Việt lập ra. “Nhiều người nói rằng bảng điểm của trường không được công nhận, do đó sẽ rất khó vào các trường đại học của Mỹ. Nhưng tôi vẫn giữ vững lập trường, rằng mình cứ làm những điều tốt nhất cho học sinh thì sẽ được phụ huynh tin tưởng”.

Theo quy định của Mỹ, các trường tư phải hoạt động ít nhất hai năm mới được xem xét cấp chứng nhận Cognia - một trong những tổ chức kiểm định giáo dục lớn nhất thế giới. Năm 2022, năm chuyên gia giáo dục được cử tới trường kiểm tra giáo án, chương trình học và phỏng vấn giáo viên, học sinh, phụ huynh để chấm điểm. Trường của anh Vỹ vượt qua các vòng thẩm định với điểm số rất cao. Cũng nhờ vậy, từ một ngôi trường chỉ có 8 học sinh, sau 5 năm hoạt động, trường có 200 học sinh với 20 giáo viên. 

Hiện tại, hầu hết học sinh của trường đều là người gốc Việt đang sinh sống ở Houston. Theo anh Vỹ, tư tưởng của phụ huynh dù sống ở Mỹ hay Việt Nam, vẫn còn rất coi trong thành tích và đặt áp lực lên con cái. Điều này vô tình khiến các em đánh mất đam mê học hành.

“Việc thay đổi tư tưởng của phụ huynh, giúp họ hiểu được triết lý giáo dục hướng tới sự phát triển lâu dài của trẻ là điều rất khó khăn”, anh Vỹ nói. Mặt khác, đôi khi chính áp lực từ cha mẹ lên con cái vô tình tạo ra khoảng cách ngày càng xa. “Lúc này, thầy cô lại là những người ở giữa giải tỏa khúc mắc”.

Từng đi du học ở bậc phổ thông, anh Vỹ cũng nhận thấy rào cản của du học sinh là việc hiểu chương trình học phức tạp của Mỹ và khó khăn trong quá trình chuyển tiếp sang môi trường mới. Do đó, mong muốn của anh là hỗ trợ, đồng hành để các em dễ dàng hòa nhập và thích nghi.

“Điều tôi tâm đắc trong các ngôi trường ở Việt Nam chính là văn hóa cộng đồng. Trước đây, khi dạy ở Huston, tôi nhận thấy học sinh sau khi ra khỏi trường sẽ không còn kết nối với nhau nữa vì các em không có nhiều sự liên kết. Vì thế, tôi mong muốn có một ngôi trường, học sinh sẽ cảm thấy đó là nơi mình thuộc về”.

Đều đặn thứ 6 hàng tuần, tại Van Houston Academy, các học sinh sẽ được cùng nhau sinh hoạt, có thời gian kết nối, trao đổi, chơi thể thao, tập yoga... Các học sinh trong trường cũng được học theo lộ trình riêng, phù hợp với khả năng từng người. Các em luôn có giáo viên đồng hành, hỗ trợ trong việc học để không cảm thấy bơ vơ mỗi khi không hiểu bài.

“Những gì tôi làm đều mong muốn đặt học sinh lên hàng đầu. Khi làm vì học sinh, tôi tin các giáo viên cũng sẽ muốn ở lại và gắn bó với mình. Và, chính những kết quả học sinh đạt được sẽ là điều khiến phụ huynh tin tưởng về chất lượng đào tạo của nhà trường”, anh Vỹ nói.

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Hồng Anh