ĐẠI LỘ THĂNG LONG ĐÃ THÀNH 'CÁNH RỪNG DÀI' LẠ MẮT

Đại lộ Thăng Long đang sở hữu cảnh quan khác các tuyến đường còn lại trên cả nước nhờ những hàng cây xanh chạy dài từ cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến nút giao Hòa Lạc (Hà Nội).

Đại lộ Thăng Long dài 29,264km là một trong những tuyến huyết mạch nối trung tâm Thủ đô với các huyện ngoại thành. Điểm đầu của đường nối với nút giao hầm chui Trung Hòa, quận Cầu Giấy được coi là vị trí đẹp nhất tuyến.

Thời gian gần đây, khi toàn tuyến đã phủ rợp bóng cây xanh, nhiều người mới nhận ra đại lộ Thăng Long đã rất khác xưa. Hình ảnh tại đoạn đi qua phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Trên toàn tuyến, các loại cây như trúc anh đào, hoa dâm bụt, thảm cỏ, hoa, cây cọ dầu...được trồng xen kẽ. Trước đó, trong chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020, UBND TP Hà Nội từng ban hành văn bản cho ý kiến về việc bổ sung loài cây chiêu liêu, cọ dầu vào danh mục cây trồng đường phố, địa điểm công cộng theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Cọ dầu (Elaeis guineensis) được trồng nhiều tại đại lộ này. Đây là loài cây lớn, thuộc nhóm thân cau dừa hình trụ thẳng, cao đến 15m, lá xanh quanh năm có phiến lá dài 3-5m, thuộc loại lá xẻ thùy lông chim tận gân, cuống lá thường có gai, mỗi cây cọ dừa ít hơn 10 tuổi thường sinh ra mỗi năm khoảng 20-30 tàu lá. 

Đối với cây trên 10 năm thường sinh ra 10-20 lá mỗi năm, ra hoa mọc thành cụm dày đặc trên ngọn cây được tập hợp bởi mỗi bông, quả chín có màu đỏ tạo thành chùm.

Ngoài ra còn có hàng nghìn cây khác được trồng ở dải phân cách giữa và hai bên vỉa hè, đường gom.

Có được điều này là do năm 2016 Hà Nội đã dừng chi ngân sách cho việc cắt tỉa thảm cỏ, trồng hoa cảnh nhằm tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm và chuyển sang phương án trồng hàng loạt cây xanh. 

Việc tạm dừng và điều chỉnh cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ vì chi phí quá lớn, khoảng 700 tỷ đồng cho các quận, riêng đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng mỗi năm.

Theo thống kê, hiện có trên 45.000 cây xanh trên đại lộ, trong đó chủ yếu là cọ dầu trồng ở 4 luống. Tất cả nằm trong quy hoạch được phê duyệt do doanh nghiệp tặng hoặc trồng theo hình thức xã hội hóa.

Ngày nay, nhờ những hàng cây xanh mát, hai bên đường gom đại lộ còn trở thành điểm đạp xe thể dục của người dân Hà Nội.

Hệ thống cây xanh còn giúp giảm đáng kể tiếng ồn, giảm bụi bẩn và cải thiện chất lượng không khí.

Đại lộ Thăng Long có điểm đầu giao cắt đường vành đai 3 Hà Nội (trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia), điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với QL21 - đường Hồ Chí Minh. Công trình được thông xe và gắn biển dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Đại lộ gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Hệ thống đèn cao áp gồm 5 hàng chạy dài suốt tuyến. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Đại lộ Thăng Long, cửa ngõ huyết mạch của Hà Nội.

Văn Quý và nhóm BTV