45 năm ngày ký Hiệp định Paris: Chia sẻ của người trong cuộc
Bộ Ngoại giao tổ chức buổi gặp mặt giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris.
Những cuốn sách, bút ký, huân huy chương,…ẩn chứa biết bao câu chuyện lịch sử gắn liền với cuộc đời nhà ngoại giao tài ba Hà Văn Lâu.
Một sáng cuối tháng 8, trong tiết trời thu Hà Nội, bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chile, đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để chứng kiến lễ bàn giao những tài liệu, kỷ vật của cha - Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho Cục Văn thư và Lưu trữ (Bộ Nội vụ).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu sinh năm 1918, tại làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sớm giác ngộ cách mạng, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia tích cực các mặt trận quân sự tại Ninh Hòa - Khánh Hòa, rồi trở về chiến đấu trên quê hương xứ Huế, cơ duyên lên chiến khu Việt Bắc gặp Bác Hồ.
Được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, ông đảm nhận một số trọng trách trong Chính phủ Việt Nam. Dấu ấn của ông thể hiện rõ trên cương vị một nhà ngoại giao khi tham gia cả 2 cuộc đàm phán Geneva và Paris.
Ông Hà Văn Lâu được bổ nhiệm làm Đại sứ công tác tại nhiều nước: Cuba, Pháp, Liên Hợp Quốc. Ông còn làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Trưởng Ban Việt kiều Trung ương.
Trải qua nhiều chức vụ trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, Đại sứ Hà Văn Lâu lưu trữ một khối tư liệu đồ sộ và rất quý giá.
Bà Hà Thị Ngọc Hà chia sẻ: “Khi còn công tác cho đến lúc về nghỉ, cha gìn giữ tài liệu còn hơn cả tính mạng của mình”.
Sau những tháng năm cống hiến, khi về nghỉ hưu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu và phu nhân ở tại quê nhà Thừa Thiên-Huế.
Tại quê nhà, trong trận lụt lịch sử năm 1999, căn nhà nhỏ nơi ông bà ở nhanh chóng bị dòng nước lũ xâm chiếm.
“Người chưa chạy nhưng giấy tờ, tài liệu phải an toàn trước, nước dâng đến đâu cha tôi lại chuyển tài liệu lên nơi khô ráo đến đó. Còn đến khi nước ngập ngang người, cả cha và mẹ tôi phải ngồi lên bục cao cùng khối tài liệu quý giá chờ đợi cứu hộ. Nước lên quá nhanh, bộ đội cứu hộ biết nhà chỉ có 2 ông bà già nên đã đến ứng cứu kịp thời”, bà Hà chia sẻ.
Hiểu được tầm quan trọng của khối tài liệu mà người cha đã bỏ nhiều công sức gìn giữ, trong nhiệm kỳ phu nhân cùng chồng tại Venezuela năm 2016, bà Hà đã mang toàn bộ tư liệu này gửi nhờ người thân ở TP.HCM. Tuy nhiên, do lo lắng những tài liệu quý bị thất lạc, qua giới thiệu của bạn bè và tìm hiểu về công tác lưu trữ Nhà nước, bà quyết định tặng khối tài liệu này cho Cục Văn thư và Lưu trữ.
Theo bà, chỉ có đưa vào Trung tâm lưu trữ thì số tư liệu này mới được bảo tồn, sử dụng, khai thác, giúp ích cho các thế hệ sau hiểu rõ về một chặng đường lịch sử. Tuy nhiên, khối tài liệu của gia đình Đại sứ Hà Văn Lâu được cất giữ ở 3 miền, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải mất 1 năm các cán bộ lưu trữ mới đưa về một đầu mối tại Hà Nội để thực hiện các bước lưu giữ, bảo quản.
Chia sẻ về những năm tháng tuổi thơ, bà Hà Thị Ngọc Hà kể, “tôi sinh năm 1959 nhưng tuổi thơ rất ít được gặp ba. Cả cuộc đời ba cống hiến vì đất nước, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, phải thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao nên ở nhà chỉ có mấy mẹ con nương tựa, chăm sóc lẫn nhau”.
Với lựa chọn theo con đường chính trị ngoại giao, theo bà Ngọc Hà, đây là cái “duyên trong máu” khi từ một học sinh chuyên toán chuyển qua gắn bó với con đường ngoại giao.
“Lúc còn sống, khi biết tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Chile, cha tôi rất mừng”, bà Hà tâm sự.
Trong câu chuyện về cha, bà Hà Thị Ngọc Hà bày tỏ nuối tiếc khi tập hồi ký 500 trang viết tay về hoạt động ngoại giao của cha với nhiều nội dung quý giá bị thất lạc, và hiện nay gia đình vẫn đang tìm kiếm.
Về những tài liệu được trao tặng cho Cục Văn thư và Lưu trữ, trong đó có cả những hình ảnh quý giá được giữ đến nay như bức chân dung Bác Hồ tặng ông Hà Văn Lâu. Dưới bức chân dung này có câu: “Kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Kể về kỷ niệm và bối cảnh Bác Hồ tặng bức chân dung, bà Hà cho biết, năm 1950, khi đó cha bà là Chỉ huy trưởng mặt trận Bình Trị Thiên. Thời điểm đó ông đã cùng đồng đội, quân dân miền Trung giành nhiều chiến thắng trước quân Pháp.
Tháng 5/1950, ông Hà Văn Lâu tới rừng Việt Bắc, trực tiếp báo cáo tình hình Mặt trận với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các ông Hoàng Văn Thái, Trần Đăng Ninh,…Tại đây, ông vinh dự được dự bữa cơm mừng sinh nhật 60 tuổi của Bác Hồ, được ngồi gần Bác.
Khi dùng cơm xong, ông Lâu lấy bức chân dung Bác Hồ do chính ông chuẩn bị từ trước rồi thưa với Bác, xin Bác một chữ ký về làm nguồn cổ vũ, động viên tinh thần cho quân dân mặt trận Bình Trị Thiên. Khi đó, Bác Hồ đón nhận bức chân dung, đặt ngay ngắn lên bàn, Bác không ký ngay mà cẩn thận viết vào phía trên và phía dưới bức chân dung dòng chữ: “Kháng chiến nhất định thắng lợi” rồi mới ký tên Hồ Chí Minh.
Một bức ảnh khác cũng trong khối tài liệu chụp lúc ông Hà Văn Lâu là Đại sứ Việt Nam tại Cuba (năm 1974) cùng lãnh tụ Fidel Castro đứng giữa một rừng người (hơn một triệu người dân Cuba) đón chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cuba. Lúc đó, lãnh tụ Fidel đã có phát biểu nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Dẫn câu nói nổi tiếng của nhà thơ Nga Gamzatov: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, bà Hà nhắn nhủ “các thế hệ sau phải biết về lịch sử, tìm hiểu về lịch sử, trên cơ sở đó mới xây dựng và phát triển được đất nước. Anh quay lưng lại với lịch sử, thì đất nước sẽ không bao giờ tiến lên được”.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973-2023), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiếp nhận tài liệu của Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu do gia đình trao tặng. Khối tài liệu này là tổng hợp kết quả 3 đợt tiếp nhận tại nhà riêng của Đại tá tại TP.HCM, Hà Nội và Thừa Thiên - Huế.
Với tổng số 107 đơn vị bảo quản tài liệu giấy, 336 đơn vị bảo quản ảnh, 815 xuất bản phẩm, khối tài liệu trải dài từ năm 1950 đến năm 2016, phản ánh cuộc đời và sự nghiệp hoạt động quân sự, ngoại giao của Đại tá Hà Văn Lâu và nhiều sự kiện lịch sự quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, trong khối tài liệu này có những văn bản vô cùng có giá trị về tổng kết cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ tại Paris từ năm 1968 đến năm 1973; các bài viết của Đại sứ Hà Văn Lâu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước như sự kiện Mặt trận Bình Trị Thiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, khối tài liệu gồm nhiều bút tích, bản thảo quan trọng, thể hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ngoại giao; một số kỷ vật trưng bày thể hiện phần nào hoạt động của Đại sứ và Nhà nước Việt Nam. Trong số này, có những tài liệu quan trọng, chưa bao giờ được công bố, có những tài liệu tuyệt mật, tối mật liên quan đến vòng đàm phán Hiệp định Paris. Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc giải mật tài liệu theo đúng quy định để phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu.
Thiết kế: Hoàng Cúc - Ảnh: Tư liệu, Gia đình cung cấp
Bộ Ngoại giao tổ chức buổi gặp mặt giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris.
Đại tá Đào Chí Công chia sẻ kỷ niệm trong thời kỳ hoạt động ở Trại Davis - “trận địa tiền tiêu” ngay giữa lòng Sài Gòn những ngày tháng lịch sử năm 1975.
- Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, các học giả Mỹ và thế giới đều cho rằng, suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa nhất là nhân tố con người đã dẫn đến thất bại của Mỹ.
“Bản báo cáo của tôi được gửi kèm bức ảnh người dân di tản. Tôi đã nói với Tổng thống là Sài Gòn sẽ thất thủ sau hai tuần nữa".