Xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng là một trong những xã biên giới nghèo của tỉnh Cao Bằng. Phần lớn dân số của xã là người Mông. Do bất lợi về điều kiện địa lý, địa hình chia cắt, giao thông không thuận tiện, thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của người dân rất khó khăn.
Gia đình anh Lý Văn Nó là người dân tộc Mông, thuộc diện hộ nghèo của xóm Sỹ Điêng. Những năm qua, gia đình với 10 nhân khẩu chật vật sống qua ngày trong căn nhà dột nát, quanh năm làm ruộng chẳng đủ ăn. Do không nhận thức đầy đủ, vợ chồng anh Nó bị kẻ xấu lôi kéo tham gia vào tổ chức bất hợp pháp, bỏ bê công việc đồng áng, khiến cuộc sống đã nghèo lại thêm nghèo.
Tuy nhiên, khi được chính quyền địa phương giải thích, vận động, gia đình anh Nó đã tự nguyện ký cam kết không tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp này.
Bên cạnh đó, gia đình anh Nó còn được chính quyền địa phương định hướng phát triển kinh tế, hỗ trợ bò, cây trồng phù hợp để canh tác. Cuộc sống của gia đình anh Nó như sang trang mới khi được chính quyền và bà con trong xóm hỗ trợ xây nhà mới.
Gia đình anh Sùng Văn Đình, hàng xóm của gia đình anh Nó, cũng là người dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo của xóm Sỹ Điêng. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con trong xóm, gia đình anh Đình cũng đã có nhà mới để ở, được hỗ trợ vật nuôi, cây giống và chuyển đổi cây trồng. Giờ đây, vợ chồng anh Đình có thể yên tâm làm ăn, canh tác, không còn nơm nớp mỗi khi mưa gió.
Để nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh chính trị cho người dân vùng biên, tỉnh Cao Bằng đã huy động nhiều nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo ông Phạm Xuân Tùng, hiện tại, 99% xóm trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến nơi, dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn tất 100% đường giao thông ô tô tới các xóm. Hiện các xã đều có trạm y tế, hệ thống cáp viễn thông và cột phát sóng di động đảm bảo phủ sóng trên 90% xóm và địa bàn có dân cư sinh sống…
“Các vùng dân cư, ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các địa bàn biên giới như huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sự ổn định của các cộng đồng dân cư có vai trò rất quan trọng. Về tình hình an ninh chính trị, chúng tôi cho rằng phải bắt đầu từ mạng lưới an ninh cơ sở. Người dân ủng hộ và đồng hành cùng với chính quyền thì chúng ta sẽ có được sự ổn định về mặt chính trị và về mặt an ninh. Nếu như cán bộ cơ sở nắm bắt được tình hình và xuống chia sẻ với bà con nhân dân thì bà con đồng bào các dân tộc, kể cả đồng bào dân tộc Mông đều sẽ ủng hộ và đồng hành cùng chính quyền bởi chính quyền đã tạo ra rất nhiều nguồn lực và giá trị để giúp cuộc sống của họ tốt hơn.
Xã Thượng Thôn có 15 xóm, 839 hộ gia đình và 4.212 nhân khẩu, ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông và dân tộc Nùng. Trước đây, Thượng Thôn là một trong những xã bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình do người dân nhận thức còn chưa được đầy đủ, ít tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong thời gian qua, huyện Hà Quảng đã thực hiện nhiều đợt cao điểm để xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp này. Và thành quả là 100% số hộ người Mông biên giới Hà Quảng đã tự nguyện ký cam kết không tin, không theo các tổ chức bất hợp pháp, quyết tâm chung tay xây dựng đời sống kinh tế mới, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng mảnh đất biên giới Thượng Thôn đang thay đổi từng ngày. Những con đường nối dài, những nếp nhà vững chãi ngày một nhiều hơn, đồng bào dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đây sẽ là cơ sở vững chắc để người dân và chính quyền huyện Hà Quảng cùng đoàn kết chung tay xây dựng, phát triển kinh tế, gìn giữ an ninh, trật tự và bảo vệ vững chắc mảnh đất phên dậu nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc.