Đề thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT năm 2024

Đề thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT năm 2024

Chiều nay 28/6, các thí sinh đã trải qua bài thi môn Ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có môn tiếng Anh. Đề thi được cho là vừa sức học sinh với một số chủ đề khá gần gũi, liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề giới trẻ quan tâm.

Video: Thí sinh vỡ òa sau môn thi cuối tốt nghiệp THPT

Trao đổi với VietNamNet, cô Trần Triệu Hà Linh - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, đánh giá, cấu trúc đề tiếng Anh không thay đổi so với các năm thi trước. Tuy nhiên, so với đề năm 2023, đề năm 2024 khó hơn do các câu về từ vựng khá khó, yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu và đoán bối cảnh của câu.  

W-thisinhcuoi.jpg
Thí sinh ào ra khỏi điểm thi THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Huế Nguyễn

Học sinh sẽ dễ bị nhầm lẫn ở bài đọc điền từ nếu không nắm chắc ngữ pháp. Các bài về ngữ âm, trọng âm, sửa lỗi sai khá đơn giản và "dễ thở" với học sinh. "Học sinh sẽ mất điểm nhiều ở các câu hỏi từ vựng trong phần từ vựng ngữ pháp và phần bài đọc 7 câu", cô Linh nói.

Cô Linh cho rằng, đề thi này có tính phân loại cao, tuy không có thành ngữ, tục ngữ lạ như năm ngoái nhưng từ vựng lại khó hơn. Mức điểm phổ biến rơi vào khoảng 6-6,5 điểm.

"Với đề thi này, số lượng bài thi đạt điểm 9 trở lên sẽ không nhiều như năm ngoái", nữ giáo viên đánh giá.

W-thisinhcuoi2.jpg
Phụ huynh em Tạ Tuấn Sơn (THPT Anhxtanh, Hà Nội) trò chuyện điện thoại với người nhà sau khi thấy con chia sẻ làm tốt bài dù tiếng Anh không phải là thế mạnh của em. Ảnh: Mạnh Hùng

Nhận định về đề thi, cô Phạm Thị Mai Hương - Tổ phó Tổ tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, đề thi bám sát cấu trúc đề minh hoạ, bao gồm 50 câu trắc nghiệm, kiểm tra tổng hợp các kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp, đọc hiểu và viết câu chủ yếu trong chương trình lớp 11, 12.

Đề thi có 70-75% câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu, khoảng 25-30% thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Nội dung kiến thức được hỏi trong đề thi phần lớn nằm trong chương trình học. Nếu thí sinh học chắc kiến thức ngữ âm, ngữ pháp cơ bản và từ vựng trong sách giáo khoa, có thể hoàn thành từ 60-70% bài thi.

Phần kiến thức khó chủ yếu rơi vào các câu hỏi từ vựng, câu tìm từ/cụm từ trái nghĩa, kết hợp câu và bài đọc hiểu. Với mã đề 409, để đạt điểm cao, thí sinh cần có vốn từ vựng tốt để làm đúng câu hỏi ở mức vận dụng cao (như câu 13, 15, 18, 19, 49) và kĩ năng làm bài cẩn thận tránh mắc lỗi ở các câu ngữ pháp không khó nhưng dễ gây nhầm lẫn (như câu 1, 4, 12, 44, 47).

Nội dung bài đọc quen thuộc với học sinh, tuy nhiên sẽ gây khó khăn cho học sinh ở các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (như câu 31, 35, 36, 40, 41, 41). Các câu hỏi ở mức độ nhận biết như phần ngữ âm, nhóm câu hỏi nhận biết ngữ pháp (kiểm tra về thì quá khứ tiếp diễn, quá khứ đơn, câu hỏi đuôi, câu bị động đơn giản, mạo từ, so sánh nhất, dạng của từ, câu điều kiện loại 2,…) đều là những kiến thức nằm trong chương trình học phổ thông.

Mặc dù không xuất hiện những câu hỏi quá khó, đánh đố nhưng đề thi vẫn có một số câu phân loại được học sinh khá, giỏi. Học sinh để đạt mức điểm khá-giỏi vẫn cần nắm chắc ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng phong phú và làm bài cẩn trọng, loại trừ được các phương án nhiễu. Phổ điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 dự kiến vào khoảng 6-6,5 điểm.

Tạ Thị Thanh Hiền, Giảng viên Trường Đại học Hà Nội, nhận định, đề thi năm nay bám sát cấu trúc, ma trận đề tham khảo kỳ tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ GD-ĐT.

Nội dung nằm trong chương trình, không có nội dung giảm tải theo quy định. Việc đề thi cơ bản giữ nguyên cấu trúc đề thi tốt nghiệp chính thức năm 2023 giúp học sinh có sự chuẩn bị chu đáo và làm bài tốt nhất. Cụ thể, nội dung các câu hỏi về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp đều liên quan đến những chủ điểm học sinh đã được học trong 2006. 

Học sinh trung bình khá có thể dễ dàng trả lời đúng các câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản như câu hỏi đuôi, mạo từ, giới từ, câu bị động, kết hợp thì, so sánh, tình huống giao tiếp cơ bản... trong khi học sinh giỏi sẽ làm được những câu hỏi từ vựng nâng cao và thành ngữ. 

Các bài đọc hiểu có chủ đề như gia đình, giải trí, môi trường, công nghệ và sức khỏe, vốn là những chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh THPT, có ý nghĩa thực tiễn và tính giáo dục cao; góp phần đảm bảo mục tiêu kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Đề thi có độ phân hóa cao, gồm khoảng 75% câu hỏi có mức độ nhận biết và thông hiều, và 25% có mức độ vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu và các phương án lựa chọn đều có từ vựng nằm trong chương trình, đảm bảo cấp độ ngôn ngữ, văn phong thân thiện. 

Các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu kiểm tra từ vựng nâng cao, thành ngữ và các câu hỏi đọc hiểu tìm ý chính, suy luận. Các câu hỏi cấp độ vận dụng có các phương án được diễn đạt bằng các từ vựng nâng cao, diễn đạt lại bằng từ/cụm từ gần nghĩa hoặc cấu trúc tương đương, học sinh cần đọc kỹ, liên hệ tới thông tin liên quan. Một số câu hỏi cấp độ vận dụng cao đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức ngôn ngữ nâng cao mà còn cần có kỹ năng tổng hợp, phân tích, suy luận để xác định được câu trả lời đúng.

Cô Hiền cho rằng, hy vọng sẽ có nhiều đổi mới tích cực từ năm 2025, năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp THPT đối với chương trình GDPT 2018.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Các hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8h ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như sau:

w 448322403 1674808223269717 3177590059603661464 n 1423.jpg

>>>Mời quý phụ huynh, các thí sinh tra điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên VietNamNet<<<