XEM CLIP:
Sáng 29/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu đề xuất tại phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời và có ngay vắc xin để tiêm phòng cho Nhân dân.
Ông Trí dẫn lại đánh giá của đoàn giám sát nêu: “Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống Covid. Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương, lòng nhân ái”.
Thấu hiểu điều này, ông đề nghị cơ quan chức năng thanh, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, địa phương, đơn vị và làm tốt hơn nữa việc biểu dương, khen thưởng cho đơn vị, cá nhân tham gia phòng chống dịch.
“Xin đừng quên lãng những đóng góp của họ, đại dịch vừa qua ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh”, ông Trí bày tỏ.
Tuy nhiên, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong lĩnh vực rất ít sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ. Ông Trí dẫn chứng “có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của công ty Việt Á tổ chức sản xuất kit test. Thật đau đớn!”.
Ông đồng tình với quan điểm "tham ô, tham nhũng trong phòng, chống dịch cần phải xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng". Ông đề nghị “nên sớm chấm dứt việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới”.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí mong Bộ Y tế chú ý đến sản xuất kit test, vắc xin, bởi rất cần cho chẩn đoán, phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là dịch bệnh mới nổi. Tuy nhiên, ông đề nghị ngừng nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 ở Việt Nam vì bây giờ đã quá muộn, thay vào đó cần tìm mua loại vắc xin tốt với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho Nhân dân.
Cần cơ chế riêng để mua sắm phục vụ phòng, chống dịch
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chia sẻ, đất nước đã trải qua thời gian chống dịch mất mát, vất vả và chưa có tiền lệ, qua đây thấy được tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam chia sẻ ngọt bùi. Tuy nhiên, qua dịch Covid-19 cũng cho thấy lòng tham của một số người, kể cả người có chức, có quyền, đã lợi dụng mất mát, đau thương để cấu kết làm trái quy định, làm giàu bất chính.
Ông Thông chia sẻ: “Trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng hết sức mình động viên nhau, làm mọi cách để có thuốc, có oxy, có sinh phẩm để cứu bệnh nhân, vì sinh mệnh con người là quý giá nhất. Thời điểm đó xã hội xem họ là những anh hùng áo trắng.
Tuy nhiên khi hết dịch, qua vụ án của Việt Á và vụ án liên quan thì những anh hùng áo trắng đã không còn nữa. Và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian và tâm trí của y, bác sĩ, nhà quản lý lại là chuẩn bị nội dung giải trình cho các cơ quan chức năng”.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, ông Thông cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, cơ chế tài chính chậm đổi mới, điều kiện về thuốc, trang thiết bị chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ được giao, nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp.
Ông Thông kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đến huy động, phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch. Cần có cơ chế riêng để thực hiện việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch khi dịch xuất hiện, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng.
Bên cạnh đó, cần có chỉ đạo để cơ quan, đơn vị hữu quan giải quyết, thanh toán việc mua sắm, mượn vật tư y tế phục vụ việc chống dịch. Ngoài ra, cần nâng số lượng biên chế, tăng cường đầu tư trang thiết bị ở tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại trạm y tế.