Đáp án tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024
Đề thi không bất ngờ nhưng ấn tượng
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhận định đề thi Ngữ văn năm nay không quá bất ngờ, cấu trúc phù hợp (ngữ liệu đọc hiểu là thơ, ngữ liệu nghị luận văn học là truyện). Sự phân hoá được đảm bảo để phù hợp với mục tiêu tuyển sinh ĐH. Dự kiến phổ điểm trung bình từ 6-7.
Theo thầy Khôi, ngữ liệu ở phần Đọc hiểu (đoạn trích thi phần của nhà thơ Anh Ngọc) được lựa chọn khá tinh tế, những câu hỏi thành phần đúng các mức tư duy.
"Chỉ xin được góp ý thêm với câu hỏi 2: tiền giả định của người ra đề có lẽ là mọi thí sinh đều biết hiện tượng "giông" là gì. Dẫu vậy, theo quan điểm cá nhân, đây vẫn là câu hỏi gây ít nhiều khó khăn cho học sinh vì liên quan đến kiến thức môn khác. Nên cân nhắc những câu hỏi dạng này".
Ở phần Nghị luận xã hội, thầy Khôi cho rằng vấn đề nghị luận khá hay, có ý nghĩa thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh. Dẫu vậy, để có thể hiểu được cân bằng cảm xúc là cả một quá trình đi từ nhận thức đến xử lí và điều chỉnh cảm xúc chính xác, hiệu quả là điều không đơn giản, từ đó để chỉ ra sự cần thiết của nó lại là một thử thách khác.
"Vấn đề nghị luận như một lời khuyên mà thông điệp sâu sắc của nó học sinh phải tự xác định, làm rõ. Điều đáng tiếc là sự gắn kết giữa câu Nghị luận xã hội và câu Đọc hiểu thực ra không rõ lắm nên sẽ gây khó khăn ít nhiều cho học sinh".
Phần Nghị luận văn học, thầy Khôi cho rằng "Chắc nhiều thí sinh sẽ rất mừng khi gặp tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) vì truyện ngắn này nằm trong nhóm văn bản có nhiều khả năng xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, tính phân hóa của đề thi nằm trọn vẹn ở phần này. Đoạn trích nằm ở phần kết của tác phẩm, trọng tâm rơi vào câu chuyện người vợ nhặt kể và phản ứng của Tràng sau câu chuyện đó.
Nếu muốn phân tích sâu, kĩ nhằm mục đích gia tăng dung lượng bài văn, các em phải có khả năng liên hệ với các nội dung khác trong truyện thuộc các phần không được trích dẫn, thậm chí phải đối chiếu so sánh với đoạn trích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) đã học, đặc biệt là tình tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và trốn theo anh. Hơn thế, chưa biết các em có đủ bình tĩnh để nhìn ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm hay không. Đây là một vấn đề không đơn giản để đáp ứng yêu cầu".
Do vậy, giáo viên này đánh giá rất cao câu Nghị luận văn học của đề thi năm nay.
"Thực sự rằng dẫu ít nhiều rơi vào vùng dự đoán song cách chọn ngữ liệu và đặt vấn đề vẫn rất mới mẻ, độc đáo và rất ấn tượng" - thầy Khôi khẳng định.
TS Phạm Hải Linh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - cũng đánh giá cấu trúc đề năm nay khá giống với mọi năm. Mức độ kiến thức trong đề có khả năng phân loại học sinh. Đề đi từ những câu hỏi nhận biết, đến thông hiểu và vận dụng.
Nội dung kiến thức trong đề khá quen thuộc, là những phần thầy cô lớp 12 của các trường đã ôn trọng tâm. Bên cạnh đó, năm nay có một câu nâng cao hơn so với năm ngoái là câu Nghị luận văn học, nhận xét về góc nhìn của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ Nhặt.
"Đây chính là câu hỏi phân loại được học sinh" - cô Linh nói.
Cô Hải Linh cũng cho biết, câu hỏi hay và gây được sự chú ý là câu Nghị luận xã hội, nói về sự cân bằng cảm xúc. Đây là vấn đề không chỉ đối với các em học sinh mà còn là vấn đề của mọi người trong xã hội.
"Ngày nay, cuộc sống vật chất, thú vui, giải trí đôi khi chi phối những cảm xúc bên trong của con người. Lúc này, con người cần phải biết lắng nghe, cân bằng cảm xúc của bản thân với cộng đồng, xã hội. Đây là vấn đề rất hay".
Cô Linh đánh giá, với đề thi này, mức điểm 7-8 sẽ xuất hiện nhiều. Để được trên 9 điểm, học sinh cần phải có tư duy, hiểu biết về cuộc sống, có nhận định, bám chắc kiến thức căn bản.
Còn cô Dương Thanh Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội), nhận xét ngữ liệu phần Đọc hiểu tốt, có giá trị giáo dục và ý nghĩa nhân văn. Vấn đề nghị luận xã hội có ý nghĩa xã hội thiết thực, tuy nhiên dạng câu hỏi không mới. Để hoàn thành câu hỏi này, học sinh thực hiện đúng kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội: giải thích khái niệm “cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”, bàn luận về sự cần thiết của vấn đề, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa và rút ra bài học của bản thân.
"Câu nghị luận văn học đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả tác phẩm, thành thạo kĩ năng phân tích đoạn trích văn xuôi mà còn phải thực sự hiểu sâu nội dung tư tưởng của tác phẩm mà tác giả gửi gắm. Đề bài nghị luận xã hội này có tính phân hóa cao”.
Theo cô Thủy, để đạt được số điểm cao, đòi hỏi học sinh phải có tư duy độc lập, tính sáng tạo và khả năng cảm thụ văn chương sâu sắc. Với đề thi này, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được mức điểm 5-6, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được điểm 7-7,5.
Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga - Giáo viên môn Văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đánh giá phần đọc hiểu năm nay chọn được ngữ liệu vừa sức với học sinh, tương đương với thể loại/kiểu văn bản mà các em đã học trong chương trình hiện hành.
Hệ thống câu hỏi bám sát các yêu cầu đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh. Các câu hỏi rõ ràng, giúp thí sinh có định hướng cụ thể để làm. Câu hỏi số 4 khá hay, gợi mở nhiều suy tư cho người viết.
Phần Làm văn phù hợp với trình độ nhận thức và hiểu biết của thí sinh.
"Với câu 1, thí sinh có thể dựa vào những kiến thức, kĩ năng viết đoạn văn nghị luận và những hiểu biết, trải nghiệm của bản thân về việc cân bằng cảm xúc để viết bài. Tuy nhiên, đề cũng thử thách các em ở những hiểu biết xã hội, khi việc tìm và sử dụng dẫn chứng cụ thể trong đời sống và văn học về vấn đề “cân bằng” cảm xúc không dễ. Song, đây lại chính là chỗ đề có thể phân hóa học sinh.
Câu nghị luận văn học là dạng đề quen thuộc nên không gây bất ngờ với các em".
Cô Nga cũng cho rằng với đề này, thí sinh có thể đạt được mức điểm phổ biến là 6-7. Để đạt mức điểm 8 trở lên, các em cần giải quyết tốt các yêu cầu có tính phân hóa, nâng cao của đề.
Thí sinh tự tin đạt điểm trên trung bình
Rời phòng thi tại điểm thi trường THPT Lý Tự Trọng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) với đôi nạng, thí sinh Duy Bảo cho biết không mấy căng thẳng với bài thi sáng nay.
“Đề thi năm nay không quá khó vì đã ôn tập khá kỹ trước đó” - Bảo nói và cho biết với câu hỏi 5 điểm của tác phẩm Vợ Nhặt, nếu bám sát chương trình, học theo hướng dẫn của giáo viên rồi áp dụng vào có thể làm được.
Cũng rời điểm thi với nụ cười khá rạng rỡ, Hồng Ân mượn điện thoại của bạn, gọi người thân tới đón về nhà nghỉ ngơi, chiều tiếp tục môn thi. Nữ sinh này vui vẻ cho biết “Em bị "tủ đè" vì tập trung nhiều tác phẩm khác, nhất là Người lái đò Sông Đà.
Tuy nhiên, đề Văn năm nay không quá khó. Em làm trọn vẹn bài thi và dự tính được nhiều hơn 6 điểm” - nữ sinh chia sẻ.
Trong khi đó, vừa bước ra khỏi điểm thi Trường THPT Trần Phú, Triều Dương được mẹ là chị Lê Thị Đông Hà chạy đến ôm hôn.
Nam thí sinh cho biết đề thi Ngữ Văn năm nay không quá khó, sát với chương trình đã học. “Ở phần nghị luận xã hội nói về sự cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, em đã áp dụng thực tiễn của mình đã trải qua để làm bài”.
Ngô Hoàng Chí (học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) - cũng rất hào hứng khi khỏi phòng thi. Em cho biết đề Văn năm nay không khó, rất nhiều học sinh "trúng tủ".
"Vợ nhặt là một trong hai tác phẩm em ôn kỹ nhất, bên cạnh Vợ chồng A Phủ. Đây là hai bài xuất hiện lặp đi, lặp lại trong đề thi thử của trường em. Đề chỉ yêu cầu phân tích tác phẩm nên không gây khó cho thí sinh".
Với phần Nghị luận xã hội, hỏi về việc cân bằng cảm xúc, Chí đánh giá đây là nội dung gần gũi, học sinh dễ dàng bày tỏ quan điểm của bản thân. Đã trúng tuyển vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Chí chỉ đặt mục tiêu môn Văn trên ngưỡng trung bình. Vì thế, Hoàng Chí hài lòng với bài làm của mình vì đạt trên mức mong đợi.
Trong khi đó, Đinh Nguyễn Duy Minh - học sinh Trường THPT Hoàng Mai, Hà Nội - lại cho rằng đề thi môn Văn năm nay có phần khó hơn so với năm ngoái. Minh làm được khoảng 70% nhưng chỉ dám dự kiến 6 điểm.
Thí sinh Phạm Văn Duy (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam) cũng nhận xét đề Ngữ văn năm nay khó hơn so với năm trước ở phần đọc hiểu, dễ bị nhiễu thơ.
"Năm nay, đề nghị luận xã hội hay khi nói về sự cần thiết của cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Nếu thường xuyên xem các show truyền hình thực tế, các bạn sẽ có các ý để làm câu này. Về câu 5 điểm, em đã có ôn tác phẩm Vợ nhặt nên cảm giác không quá khó, đoạn trích nói lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nên bản thân em áp dụng nhiều dẫn chứng, luận điểm từ đời sống vào bài thi. Với đề thi này, em dự mình trên 7 điểm” - Duy chia sẻ.
Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên VietNamNet