Những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT luôn có sự thay đổi liên tục nhằm phù hợp với mục đích của kỳ thi. Dẫu vậy, sau mỗi mùa thi, vẫn có nhiều ý kiến đánh giá cách ra đề Văn còn thiếu tính đổi mới, nhàm chán; ngữ liệu cũ kỹ, không phát huy được sự sáng tạo của học sinh.
Cụ thể, năm 2019, dù đề thi được đánh giá tròn trịa, không máy móc nhưng trong câu Nghị luận xã hội yêu cầu trình bày suy nghĩ về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống, nhiều ý kiến đánh giá đây là một vấn đề quá quen thuộc, cũ kỹ. Với nội dung này, không ít thí sinh sẽ cảm thấy nhàm chán, không kích thích được khả năng tư duy và sáng tạo.
Hay câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương trong tác phẩm: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo nhiều giáo viên, cách hỏi này cũng cũ kỹ, chưa phát huy được sức nghĩ, sức viết của học sinh.
Đến năm 2020, 2021, đề Ngữ văn tiếp tục được nhận xét là “quen thuộc”, vẫn được ra theo lối cũ, không phá cách, sáng tạo. Học sinh đã quen với cấu trúc của đề nên không bất ngờ, bỡ ngỡ.
Thậm chí, thầy Trần Hinh (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) thẳng thắn: “Mấy năm nay đề Nghị luận xã hội ra hoài về hy sinh, trách nhiệm, cống hiến, nhân ái… Tôi sợ ra nhiều quá như vậy sẽ đào sâu cái rãnh nhàm chán trong học trò”.
Năm 2022, đề Ngữ văn dù được nhận xét “đã tốt hơn những năm trước” khi ngữ liệu có khả năng khơi gợi cảm xúc, có đất cho thí sinh khá, giỏi, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, vấn đề Nghị luận xã hội quá quen thuộc và khuôn mẫu.
Sau nhiều năm đề Ngữ văn không có sự đột phá, nhiều người kỳ vọng đề thi năm nay sẽ có thay đổi; học sinh được thử sức với những ngữ liệu mới, được tự khám phá, cảm nhận và phát huy những kỹ năng đã rèn luyện trong quãng thời gian phổ thông.
Tuy nhiên, một lần nữa, không ít giáo viên lại cảm thấy thất vọng khi đề Ngữ văn năm nay quen thuộc trong cách đặt câu hỏi và ngữ liệu, vì thế không gây bất ngờ và khơi gợi hứng thú của thí sinh khi làm bài.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tác phẩm “Vợ nhặt” dù nổi tiếng và kinh điển, nhưng không còn phù hợp với suy nghĩ và cách nhìn của giới trẻ trong thời đại mới. Vì thế, đề thi cần phải mở rộng hơn nữa ngoài sách giáo khoa và mang theo nhiều vấn đề xã hội hơn.
“Quen thuộc, nhàm chán” không phải tiêu chí của một đề thi tốt
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lại có góc nhìn khác. Thầy Khôi cho rằng, việc cấu trúc đề thi Ngữ văn được giữ ổn định trong 6 năm qua là một chủ trương hợp lý, tránh gây xáo trộn, tạo thêm áp lực cho học sinh.
“Những đánh giá “quen thuộc đến mức nhàm chán, thiếu đột phá và sáng tạo” vốn không phải là tiêu chí dành cho một đề thi tốt. Với đề thi ở phạm vi quốc gia, cần cân nhắc đến mục đích, đối tượng, sau đó cần chú ý đến tính an toàn và sự phân hóa của nội dung đề thi”, thầy Khôi nói.
Từ góc độ trên, thầy Khôi đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay là một đề thi tốt vì mục đích xác định rõ ràng, hướng đến đối tượng phù hợp, tính an toàn được đảm bảo, độ phân hóa rất tốt, đáp ứng yêu cầu vừa xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở tuyển sinh đại học.
Thầy giáo này cũng cho rằng đề thi chính thức có cấu trúc giống đề tham khảo đã công bố là điều tất yếu. Việc đề thi Văn được giữ ổn định trong 6 năm qua không phải hạn chế mà là kết quả từ một chủ trương lâu dài, hợp lý.
Trước những ý kiến cho rằng đề Ngữ văn những năm qua cũ về cấu trúc, câu lệnh, khó khích lệ đổi mới, sáng tạo trong dạy và học văn, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT 2023, cho biết trong các năm gần đây, đề Văn ở phần Đọc hiểu đã được phép sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
“Đây là một điểm mới. Tổ ra đề luôn hướng đến những nội dung liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục và tính mở cao”, GS Hà nói.
Với phần Nghị luận văn học, ông Hà cho biết, nội dung còn đang bị ràng buộc bởi chương trình giáo dục phổ thông 2006, do đó chỉ có thể làm tốt nhất trong điều kiện hiện tại.
Đến năm 2025, khi không còn bị ràng buộc như vậy, đề thi sẽ mang tính sáng tạo hơn, không còn quy định về các tác phẩm cụ thể.
“Dẫu vậy, việc đổi mới đề Ngữ văn vẫn sẽ cần thời gian để thay đổi dần khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018”, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà thông tin.
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi đưa ra một vài góp ý về đề thi Ngữ văn khi triển khai chương trình mới. Cụ thể, đề thi vẫn gồm 2 phần kiểm tra năng lực Đọc và Viết, trong đó các câu hỏi Đọc hiểu bám sát yêu cầu cần đạt với thể loại của ngữ liệu đã được nêu rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018. Đồng thời, nên sử dụng ngữ liệu của phần Đọc để kiểm tra luôn phần Viết nhằm tăng tính tích hợp cho đề thi (vốn là một mục tiêu quan trọng của Chương trình và cấu trúc triển khai sách giáo khoa) và giảm áp lực cho học sinh. Các câu hỏi đọc hiểu cần được đa dạng về hình thức, kết hợp trắc nghiệm và tự luận để dần dần có thể thay thế bài thi viết trên giấy sang bài thi làm trên máy, phù hợp với việc triển khai các môn thi khác vốn đã chuyển sang hình thức trắc nghiệm từ lâu. Nếu không tái sử dụng ngữ liệu của phần Đọc cho phần Viết, thầy Khôi cho rằng, Ban ra đề cần nêu yêu cầu theo hướng mở để phù hợp với tình hình thực tế khi nhiều bộ sách giáo khoa đang được triển khai. |
Mời quý phụ huynh, học sinh tra điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 trên VietNamNet