Mời quý độc giả xem clip:
(Thực hiện Thùy Chi - Xuân Minh)
Một sáng mùa thu, trên bục giảng, nữ giáo viên dùng đôi chân mở máy tính. Một nam sinh nhanh nhảu lên bục giảng bật nút khởi động tivi. Chiếc bút trên bàn cô giáo đột nhiên rơi xuống, cô chưa kịp cất lời nhờ, người trò nhỏ ngồi bàn đầu đã vội vã nhặt giúp. Giờ học của họ bắt đầu…
Đó là hình ảnh tại một lớp học ở Trường Tiểu học và THCS xã Đông Thịnh - nơi cô giáo không tay Lê Thị Thắm được đặc cách tuyển dụng vào giảng dạy.
Cô giáo Lê Thị Thắm (SN 1998, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) sinh ra chỉ nặng chưa đầy 1kg, khuyết đôi cánh tay.
Nếu những đứa trẻ khác chào đời trong nụ cười hạnh phúc của đại gia đình, với Thắm hoàn toàn ngược lại. Phút nhìn thấy hình hài con gái, bố mẹ em đã ngã khụy.
Những ngày tháng em nằm trong lồng kính cũng là khoảng thời gian bà Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) ngậm ngùi khóc thương cho tương lai của con gái. Nhưng người mẹ ấy không bỏ cuộc, bà dành nhiều tình yêu hơn như một cách bù đắp cho số phận của con gái.
Năm tháng qua đi, Thắm lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Ngày những đứa trẻ cùng trang lứa học bò, Thắm lại chỉ có thể lăn tròn trên giường do không có đôi tay. Quãng thời gian đó, bà Tình nhìn con mà đứt từng khúc ruột.
Bà Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) chia sẻ, năm lên 4 tuổi, Thắm chập chững tập những bước đi đầu tiên. Khi đôi chân đã bước đi thành thạo, em cũng bắt đầu dùng đôi chân để làm những công việc thay bàn tay. Và rồi, cô bé không tay dần quen với công việc hàng ngày, em đã tự dùng chân kẹp bàn chải đánh răng, kẹp lược chải tóc…
5 tuổi, đi học mẫu giáo, các bạn ngồi trên ghế tập viết, còn Thắm ngồi xuống chiếu, kẹp bút chì vào bàn chân miệt mài viết từng chữ cái. Biết mình không được như các bạn, về nhà Thắm lại tiếp tục lấy bút luyện tập.
“Ngày vào cấp một, học trên lớp đã khó khăn, về nhà lại phải làm rất nhiều bài tập khiến đôi bàn chân Thắm tứa máu. Nhiều lúc chân tê cứng không thể viết theo ý mình, em bật khóc”, Thắm nhớ lại.
“Nhờ nỗ lực không mỏi mệt đó, chỉ mới nửa năm học mẫu giáo, em đã viết chữ thành thạo khiến cô giáo cũng phải ngạc nhiên”, bà Tình kể.
Bằng sự nỗ lực không mỏi mệt ấy, suốt 12 năm đi học, năm nào Thắm cũng đạt học sinh khá, giỏi của trường. Không những thế, ở nhà Thắm luôn kèm cặp cho các em nhỏ trong làng không có điều kiện đi học thêm.
“Em ước mơ được trở thành cô giáo, nhưng với thân hình khuyết tật... đó cũng chỉ mãi là ước mơ”, Thắm nói.
Nhưng sự khát khao đó đã dần thành hiện thực. Năm 2016, Thắm may mắn được thầy Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đặc cách vào khoa Sư phạm Tiếng Anh. Dù được trường đặc cách nhưng Thắm vẫn đăng ký dự thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia. Thí sinh đặc biệt này thi và trúng tuyển vào Trường ĐH Hồng Đức đúng như ước mơ của mình.
Ngày con vào đại học, bà Tình lại tất bật bỏ mọi công việc đồng áng theo con xuống trường để “viết tiếp ước mơ” cho con. Thắm được nhà trường tạo điều kiện cho ở ký túc xá. Thương hoàn cảnh của gia đình em, trường cũng nhận bà Tình vào làm lao công để tiện chăm sóc Thắm.
Năm 2020 Thắm tốt nghiệp Đại học, nhưng với hình hài của mình thì khó có nơi nào tuyển dụng em. Không từ bỏ ước mơ làm cô giáo, Thắm lại tiếp tục ở nhà làm “cô giáo làng” mở lớp ở nhà dạy thêm cho các em học sinh trong làng. Dù khó khăn, nhưng Thắm vẫn sẵn sàng dạy học miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Suốt 3 năm qua em dạy học ở nhà cho các em, chưa bao giờ em nghĩ mình có thể được đứng trên bục giảng của nhà trường. Tất cả như một giấc mơ”, Thắm chia sẻ.
Đến bây giờ Thắm vẫn chưa thể tin được mình lại có thể được đặc cách vào ngành giáo dục và chính thức được đứng trên bục giảng.
Sáng ngày 9/6 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" (11/6/1948 – 11/6/2023); biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong buổi lễ, nhiều đại biểu xúc động khi nghe bài phát biểu tham luận của cô giáo không tay Lê Thị Thắm.
Trước nghị lực phi thường này, ngay trong buổi lễ tuyên dương, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa - ông Đỗ Trọng Hưng, đã chỉ đạo tiến hành tuyển dụng đặc cách Thắm vào ngành giáo dục huyện Đông Sơn và bố trí công tác ngay trong năm học mới (2023-2024).
Chiều ngày 28/7, tại Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Đỗ Minh Tuấn, đã trao tận tay quyết định đặc cách làm giáo viên cho em Lê Thị Thắm.
Theo đó, Thắm được tuyển dụng làm giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, bắt đầu từ ngày 1/8.
Cảm giác được chính thức đứng trong hàng ngũ của ngành giáo dục, đến nay vẫn khiến Thắm xúc động.
“Dạy các em ở nhà em không bị gò bó, tự do, thoải mái. Nhưng khi chính thức đứng trên bục giảng, em không thể có cách dạy và giao tiếp như ở nhà nên cảm giác ngày đầu tiên đến trường với em rất hồi hộp, xen chút lo lắng. Ngày khai giảng năm học mới, suốt đêm em không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để được tới trường.
Trước đây, ngày khai giảng em chỉ là học sinh, đứng xếp hàng ở dưới. Lần khai giảng này, em được ngồi lên bàn ghế phía trên cùng với các thầy cô của mình. Cảm giác đó em không thể diễn tả thành lời”, Thắm bồi hồi kể lại.
Thắm bảo, về trường cũ với vai trò là cô giáo, em được các thầy cô cũ bây giờ là đồng nghiệp yêu mến. Các thầy cô ân cần chỉ bảo cho em từng chi tiết để làm sao có buổi giảng dạy tốt nhất.
Có được thành công như ngày hôm nay đó là nghị lực của Thắm, tuy nhiên không thể không nói đến sự hy sinh thầm lặng của bà Tình (mẹ Thắm). Nói về mẹ, Thắm bảo: “Mẹ là cánh tay suốt cuộc đời em”.
Đến bây giờ, khi Thắm đã trở thành giáo viên, hàng ngày đi dạy, mẹ em cũng phải chở đi chở về.
“Ngày nào cũng vậy, có những hôm mẹ mệt nhưng em dậy sớm để chuẩn bị lên trường, mẹ cũng dậy theo, em chuẩn bị đồ đạc của em, mẹ chuẩn bị xe để chở em lên trường. Nhiều lúc nhìn mẹ đội mưa chở con, nước mắt em bất giác chảy”, Thắm kể.
Ông Lê Bá Lực - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Đông Thịnh, cho biết, từ khi cô giáo Lê Thị Thắm chính thức thuộc biên chế của nhà trường, các cán bộ giáo viên, lãnh đạo trong ban giám hiệu đều giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để em có thể bắt nhịp được với công việc.
Đối với những giáo viên khác, tiêu chuẩn dạy mỗi tuần là 23 tiết, nhưng do Thắm vừa vào, lại có một số hạn chế nhất định nên nhà trường ưu tiên, để em lựa chọn 10 tiết/tuần dạy học.
“Biết Thắm chỉ có thể ngồi, dùng chân để giảng bài nên theo nguyện vọng của em ấy, tôi đã thuê thợ làm một chiếc ghế cao hơn bình thường để em ngồi dạy học. Hy vọng rằng, trên cương vị mới là một giáo viên, Thắm sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên, trở thành động lực cho học sinh”, ông Lực cho biết.
Ngoài những giờ trên lớp, về nhà, Thắm vẫn duy trì các lớp dạy thêm cho trẻ em ở xã. Đa phần em dạy miễn phí cho các em học sinh nghèo.
Nữ giáo viên khẳng định sẽ luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, “dù bản thân có nhiều hạn chế nhưng em tự tin sẽ nỗ lực, sẽ tận tâm tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội”.
“Vì em nghĩ rằng: Trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước".
Bài: Lê Dương
Thiết kế: Nguyễn Cúc