17h, ca trực đêm tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện K Trung ương (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bắt đầu. Trước giờ vào ca, điều dưỡng Vũ Thị Hằng cột gọn lại tóc, đội mũ, đeo khẩu trang rồi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Công việc hôm nay của chị bắt đầu từ thay băng gạc, nước truyền, tiêm thuốc… Việc nối việc, đầu ca luôn là thời gian mà chị và các đồng nghiệp tất bật nhất.
20h30, điện hành lang và một số phòng không dùng tới của khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) giảm sáng vì sắp tới giờ đi ngủ của bệnh nhân nội trú và người nhà.
"Việt Anh, xong việc chưa? Thuấn, Triệu, Lánh… thế mấy đứa mày có định ăn cơm tối không đây?" - điều dưỡng Vũ Thị Hằng cất tiếng gọi từng đồng nghiệp khi thấy họ vẫn vùi đầu vào đống sổ sách, giấy tờ. Ca trực đêm nào, chị Hằng cũng đóng vai “mama tổng quản” để nhắc từng người đi ăn tối. Trên bàn ăn hôm nay, thức ăn được đặt mua về chị đã bày lại ra bàn cho có không khí của bữa cơm nhà. Nhưng đợi tới khi đồ ăn nguội cả, các y bác sĩ vẫn chưa có mặt.
"Thôi, đằng nào chả muộn rồi, chị chờ em thêm 10 phút, em cho bệnh nhân đi chụp CT rồi em về. Cô ấy đang đau bụng", vừa nói, điều dưỡng Triệu vừa nhanh chóng kéo thêm một chiếc giường theo sau.
Chuyển bệnh nhân lên giường di động, Triệu tức tốc đẩy ra phía hành lang. Những hàng ghế chờ khám, quầy lấy số lúc này đã vắng lặng. Bên ngoài trời tối đen, tịch mịch khi về đêm nhưng trên khắp các phòng, dọc các dãy nhà cao tầng nội trú của bệnh viện, đèn vẫn sáng.
"Triệu đấy à, cho bệnh nhân vào đi. Chú gọi đúng lúc thế, anh vừa đưa được bát cơm lên miệng đặt xuống luôn", nam bác sĩ túc trực ở phòng CT chạy ra mở cửa cho giường vào. Không quên nói thêm một câu bông đùa với Triệu.
Rất nhanh sau đó, bệnh nhân được đặt lên bàn. Sau khi hoàn tất thủ thuật, Triệu cùng gia đình đưa bệnh nhân quay trở lại khoa, chờ kết quả.
Khó khăn lắm những thành viên trong tổ trực đêm của khoa Hồi sức Cấp cứu mới xếp được 5 phút rảnh rỗi để chạy vào ăn tối. Vừa dùng bữa tối, cả đội vừa nhìn camera giám sát các phòng để theo dõi bệnh nhân. “Ở nhà ăn cơm với vợ con thì xem thời sự, bóng đá... Ở viện là vừa ăn cơm vừa xem camera. Thỉnh thoảng bàn luận về các bệnh nhân, ai đang làm gì, tình trạng như nào. Vừa ăn vừa trao đổi nên rôm rả lắm”, bác sĩ Việt Anh nói.
Bất chợt tiếng tin nhắn điện thoại vang lên, kết quả CT của bệnh nhân được gửi về. Bác sĩ Việt Anh buông bát bún đang ăn dở, anh nhíu mày, zoom hình ảnh trên điện thoại: “Không hay rồi, có ổ loét”. Cả bàn ăn im lặng. Anh lập tức liên lạc với bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường (Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp) để thông báo tình hình. Ngay lập tức, bác sĩ Cường xuống khoa để thăm khám cụ thể.
Mọi người bỏ lại phần cơm tối đang ăn dở, chạy ngay ra phía bàn làm việc.
Đây là bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng, từng được phẫu thuật 2 lần và điều trị hóa chất tại viện. Đã cao tuổi nên sức khỏe của bà rất yếu. "Căng quá. Khả năng đây là một ổ nhiễm trùng cư trú. Chắc chắn phải mổ để cắt bỏ rồi. Nhưng phải cẩn trọng vì sức khỏe bệnh nhân đang yếu quá", các bác sĩ liên tục trao đổi.
Khoác chiếc áo màu vàng dành cho người nhà, chồng bệnh nhân ngồi lặng trên chiếc ghế nhựa, hay tan đan vào nhau, đôi mắt sâu, chùng xuống. Ông lo lắng thở khẽ từng nhịp như đoán trước rằng tình hình của vợ mình có chuyển biến xấu.
Sau khi trao đổi, bác sĩ Cường đưa ra phương án tạm thời trong đêm nay sẽ làm lại toàn bộ xét nghiệm, sáng sớm mai ca bệnh sẽ được hội chẩn lần cuối trước khi tiến hành phẫu thuật.
“Gia đình buộc phải chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất, đấy là sự thật, tôi không thể nói dối. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ tìm được cách phù hợp nhất với tình trạng của vợ anh và sẽ cố gắng để giữ bà ấy lại”, bác sĩ Cường nói. Ông rời đi khi tình hình được kiểm soát. Vừa bước đi, ông vừa gọi điện trao đổi với các bác sĩ đã mổ cho bệnh nhân trước đó để tính toán kế hoạch cuộc phẫu thuật vào sáng mai.
NƠI ÁNH ĐÈN KHÔNG BAO GIỜ TẮT
Gần nửa đêm, xung quanh các buồng bệnh ở khoa Hồi sức Cấp cứu chỉ còn những tiếp bíp bíp bíp kéo dài của máy thở, máy đo nhịp tim, huyết áp và tiếng xe đẩy của các điều dưỡng đi thay nước truyền, băng gạc…
Bác sĩ Việt Anh chăm chú ngồi lật dở những trang bệnh án của bệnh nhân, chợt anh nhận ra bóng một phụ nữ rụt rè phía sau cửa.
- Có việc gì thế chị?
- Anh ơi, huyết áp của mẹ em vừa lên lúc nãy, giờ lại tụt thì có sao không? Bà đã khá lên chưa? Khi nào thì bà tỉnh lại?, đó là chị Đ.T.T.N, con gái của bệnh nhân Đ.T.L.
Bệnh nhân này được chuyển xuống khoa Hồi sức Cấp cứu vào buổi trưa sau khi truyền hóa chất và xuất hiện tình trạng nôn rồi rơi vào hôn mê sâu. Kết quả chụp chiếu và xét nghiệm cho thấy bà bị xuất huyết não, đã được đặt ống hỗ trợ thở.
Gác lại công việc đang dang dở, bác sĩ Việt Anh lấy một tờ giấy trắng vẽ lên đó vài nét để giải thích về tình trạng của bệnh nhân. Trước khi bắt đầu, nam bác sĩ thành thật chia sẻ: "Trước tiên, chị hãy hiểu những lời bác sĩ nói theo đúng nghĩa đen. Không tự suy luận, không chèn thêm kỳ vọng hay bất kể điều gì!
Một lúc sau, điều dưỡng Hằng tiếp lời: "Về việc chuyên môn thì bác sĩ đã giải thích cho gia đình rồi. Em là điều dưỡng, nên em chỉ nói từ góc độ của cá nhân em. Chuyện huyết áp của bà tăng giảm nó chỉ là một phần rất nhỏ trong việc điều trị. Giống như một chiếc xe mất phanh mà lao xuống dốc, tất cả máy móc, thủ thuật bác sĩ làm chỉ là hãm chiếc xe đó lại. Không có nghĩa đưa nó đi ngược lên dốc được!".
Cúi xuống nắm lấy bàn tay của người con đang nghe tin dữ về mẹ, điều dưỡng Hằng chia sẻ: "Em có thấy trong hồ sơ gia đình đã ký quyết định để bà ở lại viện điều trị đến cùng. Nhưng chị cứ bàn bạc với gia đình, nếu có gì thay đổi thì cứ báo với chúng em".
Sau buổi hội chẩn bất ngờ và cuộc trò chuyện cùng người nhà bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục quay lại với công việc. Mâm cơm tối trong phòng ăn đã được dọn dẹp. “Trực đêm hôm nào cũng vậy, hiếm lắm mới có hôm ăn được hết bữa. Vì tính chất công việc nên cả đội cũng quen rồi”, điều dưỡng Hằng nói.
0h20, công việc của chị Hằng đã giảm dần. Khi có thời gian cầm đến cái điện thoại, chị mới nhớ tối nay chưa gọi về cho con trai. Giờ này ở nhà, hai bố con chắc hẳn đã say giấc.
1h sáng, chị T.N. quay lại phía bàn trực, báo với điều dưỡng Hằng gia đình muốn cho mẹ xuất viện về nhà luôn trong đêm. Sau khi hướng dẫn người nhà thủ tục, chị Hằng giúp gia đình đặt một chiếc xe cấp cứu và đi về phía giường bệnh thay cho bà một bộ quần áo mới.
2h30, chiếc xe cấp cứu có mặt trước cửa khoa Hồi sức Cấp cứu, 5 phút sau, rời bánh về Tuyên Quang.
Chiếc xe đi khuất, chị Hằng đóng cửa rồi lại đi một vòng quanh các phòng bệnh. Dừng lại bên giường của người phụ nữ vừa chuyển biến xấu vào buổi tối, chị hỏi: "Cô không ngủ được à, có cần cháu giảm bớt đèn đi không? Có vẻ đỡ sốt hơn rồi nhưng cứ đắp chăn lên cô nhé. Cô cố gắng ngủ lấy sức, sáng sớm mai thức dậy mình lại chiến đấu tiếp".
Chị Hằng nhẹ giọng rồi kéo chăn đắp ngang bụng của nữ bệnh nhân. Tiếng chiếc đồng hồ treo tường đếm từng giây tíc tóc nghe rõ hơn trong không gian tĩnh mịch của cả khoa phòng khi trời đã quá nửa đêm.
Quay lại bàn làm việc, ngồi lặng trên chiếc ghế xoay, chần chừ mãi, chị mới buông một hơi thở dài. "Tôi làm việc ở Hồi sức Cấp cứu từ những ngày đầu khoa thành lập. Chứng kiến nhiều kỳ tích nhưng cũng không ít mất mát, như đêm nay. Nói là tính chất công việc thì sẽ quen nhưng ai là người không buồn trong những lúc thế này", chị nói. Qua đêm nay, ngày mai chị Hằng cùng những đồng nghiệp sẽ lại tiếp tục với những guồng quay công việc. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là những nỗ lực không ngững nghỉ để níu giữ lại những mạng sống con người.
Hơn 3h sáng, đèn của khu trực vẫn để sáng trưng, phòng trường hợp khẩn cấp. Chị Hằng gục xuống chiếc bàn ngổn ngang hồ sơ bệnh án, chợp mắt.
Khi ấy, ngoài trời là một màn đêm đen kịt, chỉ có ánh sáng từ các khoa phòng hắt ra bên ngoài. Trong khoảng sân vắng lắng không còn ai qua lại, một chiếc xe cứu thương nháy đèn vội vã lao đi.
Các y bác sĩ cần được đối xử công bằng
Những câu chuyện, hình ảnh được ghi nhận đã cho thấy một phần áp lực lớn, môi trường làm việc độc hại mà các y, bác sĩ phải đối diện. Dù vậy, nghề y lại đang chịu nhiều định kiến từ xã hội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, sau đại dịch Covid-19, ngành y phải trải qua một giai đoạn biến động rất lớn với hàng loạt vụ việc bị phanh phui, nhiều lãnh đạo ngành vướng vòng lao lý. Nhưng không vì thế mà chúng ta phủ nhận những cống hiến của lực lượng y tế trong cuộc chiến với đại dịch.
Kỳ 3: ‘Chúng ta nợ các y bác sĩ sự đối xử công bằng’ - Góc nhìn của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về việc cần có sự đánh giá công tâm về đóng góp của các y bác sĩ và giải pháp giúp ngành y vượt qua giai đoạn khó khăn này.