Theo Bộ GD-ĐT, điểm trung bình môn Ngữ văn của cả nước ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 7,23; cao hơn nhiều so với mức trung bình của năm ngoái (6,86). Sau giáo dục công dân, Ngữ văn là môn có điểm cao trung bình thứ 2.
Năm ngoái, mức điểm Ngữ văn học sinh đạt được nhiều nhất là 7, còn năm nay, mức điểm học sinh đạt được nhiều nhất là 8.
Theo phân tích của VietNamNet, năm ngoái, tỉnh có trung bình điểm Ngữ văn cao nhất cả nước đạt 7,8 nhưng năm nay tỉnh có điểm cao nhất đạt 8,17. Tỉnh có trung bình điểm Ngữ văn thấp nhất cả nước năm ngoái (Hà Giang) đạt 5,27 nhưng năm nay tỉnh thấp nhất cũng có mức điểm trung bình xấp xỉ 6.
Năm nay, cả nước cũng chỉ có 8 tỉnh điểm bình quân môn Ngữ văn dưới 6,5; năm ngoái con số này đến 25 tỉnh. Bên cạnh đó, số bài thi mức cao điểm Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Bắc Ninh năm nay cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Theo phân tích của VietNamNet từ dữ liệu điểm thi do Bộ GD-ĐT công bố, Bắc Ninh có số bài thi môn Ngữ văn đạt điểm từ 9,5 trở lên ở mức rất cao. Trong tổng số 17.493 thí sinh tỉnh này dự thi môn Ngữ văn, có tới 1.890 bài thi đạt từ 9,5 điểm trở lên (cụ thể, 606 thí sinh đạt mức 9,75 điểm và 1.284 thí sinh đạt 9,5 điểm).
Như vậy, số thí sinh đạt từ 9,5 điểm Ngữ văn thi tốt nghiệp chiếm tới 10,8% tổng số bài thi. Tính theo tỷ lệ, cứ 10 thí sinh sẽ có ít nhất 1 em đạt từ 9,5 điểm trở lên.
Nếu tính từ mức điểm 9 trở lên, toàn tỉnh Bắc Ninh có 4.532 thí sinh đạt được mức này, chiếm tỷ lệ 25,9% trên tổng số 17.493. Như vậy, bình quân cứ 4 thí sinh Bắc Ninh dự thi môn này sẽ có hơn 1 thí sinh đạt được 9 điểm.
Xét trên phạm vi toàn quốc, cả nước có 1.843 thí sinh đạt mức điểm 9,75 môn Ngữ văn, Bắc Ninh đã chiếm gần 1/3 (606 thí sinh, khoảng 32,9%). Cũng một phần vì điều này mà Bắc Ninh trở thành địa phương thuộc top dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng, đặc biệt là những tổ hợp khối thi có môn Ngữ văn.
Cũng theo thống kê, trong tổng số 19 thí sinh cùng là thủ khoa khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) năm nay (khi cùng tổng điểm) có đến 13 thí sinh đến từ Bắc Ninh.
Trong số 121 thí sinh có tổng điểm cao nhất khối C toàn quốc năm nay (cùng từ mức điểm 29,5 trở lên) có tới 50 thí sinh của Bắc Ninh. Ở tổ hợp khối D1 (Toán, Văn, tiếng Anh), có 2 thí sinh Bắc Ninh cùng lọt top á khoa với cùng 28,7 điểm.
Trong số 110 thí sinh có tổng điểm cao nhất khối D1 toàn quốc năm nay (cùng từ mức 28,1 điểm trở lên) có tới 26 thí sinh của Bắc Ninh. Mức điểm trung bình mà các thí sinh Bắc Ninh đạt được ở bài thi môn Văn là 7,97.
Với Ninh Bình - địa phương có mức điểm trung bình của thí sinh đạt được ở bài thi môn Văn cao nhất cả nước năm nay, lên tới 8,17.
Nếu xét tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Ngữ văn so với số thí sinh dự thi thì Ninh Bình dẫn đầu cả nước. Trong tổng số 11.643 thí sinh tỉnh này dự thi môn Ngữ văn, có tới 3.158 bài thi đạt từ 9 điểm trở lên (cụ thể, 1.412 thí sinh đạt mức 9 điểm; 1.091 thí sinh đạt mức 9,25; 612 thí sinh đạt mức 9,5 và 43 thí sinh đạt mức 9,75).
Như vậy, số thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT chiếm tới 27,1% tổng số thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Tức bình quân cứ 4 thí sinh Ninh Bình dự thi môn này sẽ có hơn 1 thí sinh đạt được 9 điểm.
Nếu tính từ mức điểm 8 trở lên, toàn tỉnh Ninh Bình có 8.254 thí sinh đạt được mức này, chiếm tỷ lệ gần 71% trên tổng số 11.643. Bình quân cứ 10 thí sinh đi thi, có 7 em đạt từ 8 điểm Văn trở lên.
Trao đổi với VietNamNet, TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT), cho rằng, điểm Văn cao có thể đến từ 1 trong 3 trường hợp: Thứ nhất có thể do đề thiếu tính phân hóa hoặc thí sinh quen thuộc phong cách ra đề nên có thể đoán “tủ” được. Hay cũng có thể việc chấm tự luận khó đảm bảo độ tin cậy và có thể cán bộ chấm thi chấm ‘lỏng tay’ hơn…
“Còn giả định chất lượng dạy và học Ngữ văn hiệu quả hơn, tôi không nghĩ cách dạy Ngữ văn mang lại hiệu quả nhanh và rõ rệt ngay được như vậy. Chỉ sau một năm, để tạo ra sự tăng trưởng, hiệu quả thấy rõ trên mặt bằng cả nước thường không dễ”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, điểm một môn nào đó cao vượt lên chắc chắn ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học. Bởi điểm môn học sẽ là thành tố khiến điểm các tổ hợp khối thi biến động. “Nhiều thí sinh đạt được điểm môn Ngữ văn cao sẽ ảnh hưởng tới điểm mức điểm chuẩn xét theo các tổ hợp liên quan đến môn học này”, ông Vinh nói.
Tuy nhiên, điều ông Vinh lo ngại nhất là việc này cùng xu hướng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội ngày càng tăng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa nguồn nhân lực các ngành nghề.
“Việc thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội chưa hẳn vì thí sinh thích, đơn giản vì thi dễ hơn, dễ vào đại học hơn. Rõ ràng điểm Ngữ văn cao cùng số lượng chọn tổ hợp Khoa học Xã hội lớn sẽ khiến khối trường/ngành kỹ thuật - công nghệ khó tuyển sinh hơn. Ngay ở những ngành trung lập nếu tuyển sinh vào bằng nhiều tổ hợp, nhóm tổ hợp khoa học xã hội cũng sẽ chiếm ưu thế".
Do đó, cũng theo ông Vinh, thí sinh chọn thi khoa học xã hội vì mục tiêu vào đại học là chính bởi số lượng ngành và chỉ tiêu khoa học xã hội, kinh tế cũng nhiều hơn. Có thể đây là hệ quả của những năm trước đây các ngành về khoa học xã hội khó tuyển sinh ở bậc đại học và hiện nay điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ yêu cầu thi các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội để lấy lại cân bằng nhưng nguy cơ quá tải khá rõ ràng.
"Trong ngắn hạn, điều này có thể chưa có nhiều tác động nhưng về lâu dài sẽ có nguy cơ gây mất cân bằng nguồn nhân lực trong phát triển đất nước. Đây là điều rất đáng lo ngại để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ bền vững”, ông Vinh nói.
Ông Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, số lượng bài thi có điểm Văn cao như trường hợp tỉnh Bắc Ninh năm nay là “hiện tượng lạ”.
“Việc điểm cao rơi vào nhiều thí sinh cùng 1 tỉnh/vùng nào đó nhất định là vấn đề cần xem lại. Ngoài việc đề ra hoặc barem chấm điểm, việc chấm tự luận cũng phụ thuộc và cái tâm và cái tầm của người chấm. Tức phụ thuộc vào chủ quan của và barem chấm”, ông Tuấn nói.
“Việc điểm cao tập trung vào 1 vùng, tôi nghĩ có thể do việc chấm ‘lỏng’ tay. Giờ nếu chấm thử lại một cách ngẫu nhiên bằng một hội đồng khác sẽ rõ vấn đề ngay”.
Ông Tuấn cho rằng, trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT cũng cần xem lại việc chấm chéo, chấm thanh tra để đánh giá hay có những điều chỉnh cho các năm sau, để đảm bảo công bằng cho thí sinh trên cả nước.
Theo ông Tuấn, năm nay, với số bài thi đạt điểm Ngữ văn cao nhiều hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác xét tuyển đại học, mật thiết nhất là những tổ hợp có môn này sẽ có điểm cao hơn. “Trong số 200 thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp cao nhất cả nước năm nay, có tới 195 thí sinh chọn bài tổ hợp khoa học xã hội, trong khi chỉ có 5 thí sinh chọn bài tổ hợp khoa học tự nhiên.
Điều này cho thấy điểm số cao phần lớn đến từ các môn xã hội và số thí sinh đăng ký khối xã hội quá lớn so với khối tự nhiên. Bản thân điểm thi các môn khoa học xã hội đã cao hơn hẳn so với các môn khoa học tự nhiên, thêm môn Ngữ văn điểm cao sẽ dễ tạo nên bất bình đẳng”.
Ông Tuấn cho hay, với những ngành phân rõ và thuần chỉ tuyển bằng một nhóm tổ hợp xét tuyển, việc này không quá lo ngại. Nhưng với những ngành tuyển sinh đầu vào bằng nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau (bao gồm cả tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và tổ hợp các môn khoa học xã hội) sẽ xảy ra bất công. Ví dụ nhóm tổ hợp có môn Văn (D1 hoặc C) sẽ có lợi thế hơn các tổ hợp A, A1.
“Nếu cũng một ngành, điểm tổ hợp các môn khoa học tự nhiên không vào được nhưng với tổ hợp xã hội, mức điểm đó lại trúng tuyển. Cứ thế năm sau, nhiều thí sinh sẽ chọn học theo khối xã hội. Điều tôi lo ngại nhất là việc này có thể đẩy những học sinh vốn có thiên hướng về khoa học tự nhiên cũng sẽ lại chọn theo học những môn khoa học xã hội để đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao và tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học. Việc này sẽ dẫn đến những hệ lụy cho xã hội sau này khi mất cân bằng xã hội hay phân bố ngành nghề”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, lại cho rằng, điểm Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm nay cao có thể một phần đến từ việc trước kỳ thi diễn ra, một số trang đã chia sẻ thông tin sai sự thật về việc “lộ đề” nhưng vô tình đưa thông tin phần nghị luận văn học vào tác phẩm “Đất nước” đúng như đề thi thật.
Điều này có thể phần nào "định hướng" học sinh có sự chuẩn bị kỹ hơn với tác phẩm này, từ đó có chất liệu tốt hơn cho bài thi.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hy vọng đề thi ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT sau sẽ có mức độ đồng đều hơn, không có độ vênh nhiều giữa điểm thi của các môn. Như vậy, sẽ tạo ra được mặt bằng chung để dễ đánh giá chất lượng dạy và học.
Theo ông Sơn, một trong những mục tiêu rất quan trọng nữa của kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm điều chỉnh quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông. Do đó, nếu kết quả kỳ thi được đánh giá một cách tin cậy, khách quan sẽ là căn cứ rất tốt để các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên điều chỉnh quá trình dạy học và đạt được kết quả mong muốn.