Vượt chỉ tiêu 7 HCV, bỏ xa Thái Lan
Đội tuyển điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 15 HCV tại SEA Games 31 và sớm hoàn thành ở ngày thi đấu thứ 4. Kết thúc cuộc tranh tài 6 ngày ở môn điền kinh, chủ nhà Việt Nam giành tổng số 22 HCV, 11 HCB, 7 HCĐ, qua đó lần thứ 3 liên tiếp xếp ngôi nhất toàn đoàn khu vực.
Trong khi đó, đối thủ số 1 của Việt Nam là Thái Lan xếp thứ hai chung cuộc với 12 HCV, 10 HCB, 9 HCĐ.
Thành tích của đội tuyển điền kinh Việt Nam phần lớn đến ở các nội dung chạy trung bình và dài của nữ, các nội dung tiếp sức, nhảy xa, nhảy cao. Những gương mặt vàng của điền kinh Việt Nam có thể kể tới Nguyễn Thị Oanh (3 HCV); Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Văn Lai (2 HCV)…
Bên cạnh đó chủ nhà Việt Nam có HCV bất ngờ ở nội dung 7 môn phối hợp nữ, 100m rào nữ, ném lao và đặc biệt là marathon nam lần đầu tiên có HCV SEA Games nhờ sự xuất sắc của chân chạy Hoàng Nguyên Thanh.
Dù vượt chỉ tiêu nhưng niềm vui của đội tuyển điền kinh Việt Nam chưa trọn vẹn, khi chúng ta không thể giành HCV ở các nội dung chạy ngắn 100m, 200m nam-nữ. Sau khi Tú Chinh chấn thương, khoảng trống mênh mông ở cự ly ngắn của điền kinh Việt Nam đã xuất hiện.
Hiện không có bất cứ VĐV nào có trình độ tiếp cận được với Tú Chinh, đây là nỗi lo lớn của điền kinh Việt Nam trong 1-2 kỳ SEA Games tiếp theo.
Còn ở nội dung 400m, phong độ không tốt của Trần Nhật Hoàng do chấn thương khiến Việt Nam không thể bảo vệ HCV, đồng thời thất bại ở cả 2 nội dung tiếp sức 4x400m nam và 4x400m nam nữ.
Chưa vội mừng
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cựu trưởng đoàn TTVN nhiều kỳ SEA Games, ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá: “Chúng ta phải khẳng định rằng việc môn điền kinh có 22 HCV là nhờ xây dựng hệ thống toàn diện. Tôi rất hoan nghênh thành tích của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.
Điền kinh là môn thể thao cơ bản của Olympic, và nếu nói về thành tích của điền kinh ở các đấu trường quốc tế luôn để lại sự tôn trọng của mọi người”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh cũng chỉ ra việc vì sao Việt Nam có nhiều chiến thắng dễ dàng ở môn điền kinh: “Trong một cuộc đấu, đối thủ rất quan trọng. Nếu đối thủ mạnh thì việc giành chiến thắng rất khó khăn, và ngược lại. Đó là vấn đề về trình độ, lực lượng.
Nếu một nội dung chỉ có 3-4 VĐV thì việc tranh tài huy chương rất thuận lợi. Các đối thủ đến Việt Nam không đông. Thái Lan và Indonesia đều thiếu vắng VĐV mạnh”.
“Chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, tổng thể về chuyên môn. Nếu Việt Nam muốn tiến lên đấu trường châu lục và thế giới, thì phải xem xét lại thành tích của từng môn thể thao, xem lại chỉ số của từng VĐV, xem có khả năng cạnh tranh ở tầm cao hay không.
Ví dụ hiện nay chúng ta có thể tin là Huy Hoàng và Hưng Nguyên ở bơi hoàn toàn có cửa tranh huy chương, thậm chí HCV ở Asiad 19 năm tới. Nhưng có rất nhiều thành tích khác ở điền kinh thì VĐV chưa tới tầm Asiad được.
Chẳng hạn như VĐV giành HCV ở môn nhảy cao có 1m78 thì làm sao tiến lên sân chơi châu lục được. Hay như nhảy xa, Thu Thảo từng giành HCV Asiad 2018 với thành tích 6m55 còn chưa đạt chuẩn dự Olympic, thì nay chỉ đạt thông số 6m38”, ông Nguyễn Hồng Minh phân tích một cách tổng thể sau thành công của đội tuyển điền kinh và đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
“Bản thân tôi đã từng được trải nghiệm một lần và không bao giờ quên. Ở SEA Games Việt Nam năm 2003, chúng ta xếp nhất toàn đoàn với 156 HCV, 91 HCB và 93 HCĐ.
Nhưng ngay năm sau chúng ta dự Olympic 2004, thành tích tốt nhất chỉ là vị trí thứ 5 của cử tạ của Nguyễn Thị Thiết. Đó là những bài học và trải nghiệm”, vị cựu trưởng đoàn TTVN chốt lại.
Song Ngư