Lời tòa soạn

Cuối năm 2023, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác để bảo vệ bản quyền và phát triển thị trường sách trên nền tảng thông qua dự án #BookTok. Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam tập trung vào 4 nội dung chính: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam; Triển khai Ngày #BookTok định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; Ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; Tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop. VietNamNet xin giới thiệu một số điểm nhấn quan trọng, gương mặt nổi bật trong chiến dịch #BookTok tại Việt Nam và sự phát triển của nền tảng này trên thế giới 3 năm qua.

- Chào anh, rất vui được trò chuyện với anh vào những ngày tháng 4 với nhiều hoạt động dành cho sách và văn hoá đọc. Xin được hỏi anh một câu tưởng rằng quen thuộc nhưng vẫn là thắc mắc của nhiều người đó là chúng ta cần thêm những ý tưởng gì mới lạ để hiện thực hoá việc lan toả văn hoá đọc trong cộng đồng?

 “Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?” là một câu hỏi đau đáu với rất nhiều người. Trước khi trả lời “làm thế nào”, chúng ta phải nhìn ra các nước trên thế giới, xem cách họ phát triển văn hóa đọc. Muốn hình thành thói quen đọc tốt nhất là phải đọc từ nhỏ. Có hai môi trường quan trọng để tạo thói quen đọc sách cho con trẻ là trong gia đình và trường học. 

Ở Việt Nam, có 3 kiểu người được gọi là thành công trong xã hội. Đó là các chính trị gia, các doanh nhân thành đạt và những người nổi tiếng. 

Thế nhưng, ở ta một số người được gọi là “idol” thường không đọc sách hoặc nếu có đọc thì không chia sẻ nhiều về vai trò của sách đối với thành công của mình. Khi nhìn vào tấm gương của những người thành công trong xã hội, giới trẻ Việt Nam không thấy hình ảnh những cuốn sách và có thể người trẻ sẽ thấy việc đọc sách là không cần thiết. Ngược lại, với xã hội nước ngoài, sách lại gắn bó mật thiết với cuộc đời và thành công của các chính trị gia như Donald Trump thường xuyên đọc sách và viết sách; các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates… và những ngôi sao nổi tiếng đều chia sẻ về những cuốn sách mình yêu thích. Điều này tạo ra hiệu ứng rất tích cực.

Bởi vậy trong gia đình Việt Nam hiện nay, để hình thành thói quen đọc sách phụ huynh phải là tấm gương cho con. Ở Mỹ, ngay từ mẫu giáo, cha mẹ phải cùng con đọc 5-6 cuốn sách một tuần để các con chia sẻ nội dung, những bài học nhận được từ sách ở trên lớp. Ở Hàn Quốc, có điều luật quy định cha mẹ phải đọc sách cho con mỗi tuần. 

Quan trọng hơn, chúng ta cần làm một nghiên cứu khoa học về hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển. Sau đó, dùng kết quả nghiên cứu để thuyết phục Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc đọc sách thành bài học bắt buộc. Điều này cũng thay đổi cách giảng dạy của giáo viên.

Thầy cô giáo có đọc thì học trò mới đọc được, thay vì theo cách truyền thống là giáo viên truyền đạt thông tin một chiều cho học sinh các em có thể đứng lên chia sẻ về những cuốn sách đã đọc. Nên nhớ rằng đây không đơn giản là chuyện đưa sách vào trường học mà phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách dạy và học ở nhà trường. Nếu không làm được điều đó tất cả những hoạt động về liên quan đến sách và văn hóa đọc hiện nay chỉ giải quyết phần ngọn. 

- Khởi nghiệp ở tuổi 44, anh đã phải đối mặt với khủng hoảng thua lỗ và cạn kiệt tài chính từ kinh doanh sách?

Về cơ duyên với ngành sách, tôi là một trong số ít người có dịp gắn bó với nhiều công ty sách hàng đầu Việt Nam. Tôi từng là cổ đông và Tổng giám đốc của Alpha Books, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty Phương Nam (có Phương Nam Books) trong 7 năm. Hiện nay, tôi là Chủ tịch HĐQT của 3 công ty sách là Saigon Books, ZenBooks và ChiBooks. 

Tôi bắt đầu khởi nghiệp với sách vào năm 2016, khi 44 tuổi. Và lúc đó có 3 người anh em thân thiết can ngăn tôi. Người thứ nhất phân tích rằng thị trường sách Việt Nam lúc bấy giờ có quy mô 2.000 tỷ đồng nếu tôi giỏi lắm chiếm được 10% thị phần tương đương 200 tỷ - chẳng thấm vào đâu khi so với công ty có doanh thu 4.000 tỷ mà tôi đang quản lý. Anh khuyên tôi bỏ khởi nghiệp sách, kiếm việc khác mà làm. 

Người thứ hai nói bán sách rất khó vì thị trường sách Việt Nam quá nhỏ, người Việt lại ít đọc sách. Anh khuyên tôi chỉ nên trích ra 5 tỷ đồng đầu tư, nếu không có lãi thì dừng. 

Người anh cuối cùng thấy không can ngăn được nên cho tôi “đường lùi”, dặn dò rằng nếu thua lỗ sẽ hỗ trợ tài chính mà sống tiếp. 

Người ta nói rằng một công ty khởi nghiệp mà vượt qua 5 năm đầu tiên sẽ đứng vững và Saigon Books đã “sống” đến năm thứ 7. Trải nghiệm trong thời gian đó đủ cho tôi viết một cuốn sách về khởi nghiệp. Vậy là tôi đạt được mục đích về trải nghiệm nhưng mục đích về tự do thì không.

Bạn biết không, tôi đã mắc nhiều sai lầm liên quan đến tự do tài chính. Thứ nhất, tôi vẫn giữ thói quen tiêu tiền của tổng giám đốc một công ty lớn nên mua sắm, chi trả rất thoải mái - đây là điều cấm kỵ đối với khởi nghiệp.

Thứ hai, tôi khởi nghiệp khi đã nắm giữ nhiều thành tích trong quá khứ nên sợ mất mặt. Bởi thế, tôi luôn dễ dãi trong việc giảm giá để thể hiện mình là người phóng khoáng, ngại đòi nợ và luôn cố gắng kiếm tiền trả nợ.

Thứ ba, tôi chọn sách theo sở thích cá nhân mà nhiều khi đi ngược lại với thị hiếu của công chúng. Tôi từng rất độc đoán trong việc này nên nhân viên không cản được và phải chịu thất bại. May mắn, những cộng sự thân tín vẫn ở lại với tôi dù doanh thu thua lỗ. 

Thực tế, tôi đã bỏ hơn rất nhiều số tiền 5 tỷ đồng vào việc làm sách. Đối với ngành sách, bạn phải trả tiền trước khi mua bản quyền nước ngoài, khi dịch giả hoàn thành, bạn phải trả tiền cho họ. Hàng tháng, bạn cũng phải trả lương định kỳ cho nhân viên. Rồi khi bản thảo ra đời, phải mang nó đến nhà in, ứng trước 50% và trong 30 ngày trả hết số tiền còn lại. 

Trong khi đó, kể từ khi mang sách đến các nhà sách thì phải mất 3-6 tháng mới thu được tiền. Tóm lại, trong 30 ngày kể từ khi một cuốn sách ra đời, bạn phải trả hết chi phí cho các bên và mất tới 6 tháng để thu lợi nhuận mà không biết lãi bao nhiêu. Muốn xuất bản càng nhiều sách số tiền bỏ ra càng lớn.

Thời gian đầu, vì muốn có tên tuổi nên tôi cho xuất bản rất nhiều, mà đa phần là sách không bán chạy. May mắn là sau 2 năm tôi nhận ra cách mình điều hành công ty không phù hợp. Việc điều hành công ty sách khiến tôi không còn ảo tưởng về sức mạnh bản thân nữa. 

Tôi chấp nhận tuyển một người khác làm CEO. Là người luôn đặt cái Tôi thấp xuống, hiểu rõ điểm yếu của bản thân và biết rằng mình cần một người như vậy nên tôi tôn trọng quyết định của bạn. Nhờ đó mà sau 2 năm, công ty bắt đầu có lãi.

- 'Không diệt không sinh đừng sợ hãi’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lập kỷ lục khi bán được hơn 100.000 bản trong 3 tháng, trở thành sách bán chạy nhất năm - kết quả ấn tượng này là minh chứng cho việc Saigon Books đã nhanh nhạy kết hợp quảng bá qua #BookTok. Sử dụng mạng xã hội tiếp cận người đọc một cách chủ động thay vì tự cho người đọc đi tìm sách hay để mua là một ''chiêu'' anh đã thử nghiệm và thành công?

Khi chiến dịch #BookTok mới được phát động ở Việt Nam, đội ngũ TikTok có liên hệ với tôi để khuyến khích nhiều “content creator” (người sáng tạo nội dung) mảng sách tham gia vào nền tảng để lan rộng tầm ảnh hưởng. Lúc mới xem video TikTok, tôi thấy những video ngắn thế này có phần trẻ con quá, không mang lại nhiều giá trị cho ngành sách nên không muốn tham gia.

Đáp lại lời mời của TikTok, tôi chỉ tặng 100 cuốn sách cho các content creator. Bẵng đi một thời gian, tôi giật mình nhận ra TikTok đã trở thành một kênh truyền thông hiệu quả. Khi ấy, tôi vội vàng tìm lại số điện thoại năm xưa từng liên lạc và nhận ra mình đã trễ một nhịp, nhưng tôi vẫn bay đi gặp các bạn bởi đúng lúc ấy họ chuẩn bị mở TikTok Shop. 

Ngay lập tức, tôi đặt vấn đề với TikTok hỗ trợ các bạn nhân viên làm quen với ứng dụng, sau đó chúng tôi bắt đầu xây kênh của mình. Thực tế chứng minh rằng việc quảng bá sản phẩm trên TikTok, cụ thể là thông qua chiến dịch #BookTok đã mang lại hiệu quả vượt trội. Việc bán hàng trên TikTok Shop đem về doanh thu lớn, trở thành một trong những kênh phát hành chính của Saigon Books. Quan trọng hơn, có thể người đọc không mua trực tiếp trên sàn nhưng họ biết được cuốn sách từ đó và tìm mua theo cách khác. Đội ngũ TikTok đã cố gắng đem lại giá trị tinh thần cho cộng đồng, phát triển từ những nội dung vui nhộn, hóm hỉnh.

Với mỗi tác phẩm xác định đầu tư để trở thành “best-seller”, kênh truyền thông đầu tiên mà tôi lựa chọn là TikTok cùng hashtag #BookTok

Một trong những cái hay nhất của TikTok là công nghệ “affiliate” (tiếp thị liên kết). Không diệt không sinh đừng sợ hãi xuất bản năm 2018 và cho đến 2022 mới bán được khoảng 30.000 bản. Nhưng sau khi đưa cuốn này lên TikTok Shop thì chỉ trong thời gian ngắn đã bán được hơn 100.000 bản.

Cũng phải kể thêm câu chuyện là trong một lần trả lời phỏng vấn, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên chọn Không diệt không sinh đừng sợ hãi làm cuốn sách yêu thích. Các TikTok Creator liền cắt đoạn phỏng vấn đó ra và đăng lên TikTok, gắn link sản phẩm của Saigon Books. Hiện nay, có khoảng gần 1.000 TikTok Creator đang gắn link của Saigon Books và chính họ cũng được nhận hoa hồng từ mỗi giao dịch. Đó là điều rất thú vị của công nghệ “affiliate”.

- Anh từng nói: “Doanh nhân đọc sách chưa chắc đã thành công nhưng doanh nhân thành công chắc chắn phải đọc sách”. Anh đọc nhiều sách, vậy có người nổi tiếng hay tác giả nào gây ấn tượng về cách chọn sách để đọc và chọn chủ đề để viết?

Tôi sinh năm 1972, những năm lên 6-7 tuổi khi tôi biết đọc sách là quãng thời gian kinh tế bao cấp vô cùng khó khăn. May mắn là ở nhà ba mẹ tôi là giáo viên nên có một tủ sách với rất nhiều sách văn học miền Nam trước năm 1975. Tôi đọc tất cả và đó gần như là thú vui duy nhất suốt những năm tháng trẻ thơ. Tôi đọc các tác giả như: Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần… 

Thời kỳ đó mẹ vừa là giáo viên, vừa là người quản lý thư viện của một trường đại học nên tôi có cơ hội đọc nhiều sách của Liên Xô (cũ) như: Timur và đồng đội, Sông Đông êm đềm, Thuyền trưởng và đại úy, Chiến tranh và hòa bình... Những điều này đã hình thành nên thói quen đọc sách của tôi.

Lớn lên, khi vào đại học tôi chuyển sang đọc sách về kinh tế và kỹ năng sống nhưng ấn tượng đầu đời về sách là các tác phẩm văn học nuôi dưỡng tâm hồn, tạo cho mình sự lãng mạn, bay bổng nhất định trong suy nghĩ. 

- Hoạt động trong ngành xuất bản sách nhiều năm, anh tự đúc rút ra kinh nghiệm gì?

Đó là cách thuyết phục NXB nước ngoài, các tác giả lớn trong và ngoài nước làm việc với mình. 

Có hai cách để tiếp cận với NXB lớn, đầu tiên là đến các đại diện ở khu vực của họ. Tôi gặp 4 agencies ở Thái Lan, Indonesia, Đài Loan và Thượng Hải. Tôi gần như là người đầu tiên ở công ty sách tới trực tiếp văn phòng của họ, thể hiện sự quyết tâm rõ ràng.

Thực ra việc mua bán bản quyền không nhất thiết phải gặp trực tiếp, có thể giao dịch qua email. Nhưng gần như năm nào tôi cũng đi các hội sách lớn ở Đức, Colombia, Italy, Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh) và cả các hội sách ở Malaysia, Singapore.

Tôi muốn thể hiện với các NXB lớn trên thế giới là mình nghiêm túc và điều đó tạo sự thuận lợi cho việc mua bản quyền. Đó là lý do tại sao Saigon Books mua được rất nhiều bản thảo của các cuốn sách nổi tiếng mà bình thường sẽ rất khó đối với người mới. Ví dụ như Jordan Peterson, một tác giả “best-seller” với các tác phẩm 12 quy luật cuộc đời hay Vượt lên trật tự. Chúng tôi đã thắng các NXB khác ở Việt Nam để mua được bản quyền. Hay là bộ sách Bốn thỏa ước của tác giả Don Miguel Ruiz bán rất chạy trên thế giới cũng do chúng tôi phát hành.

- Với 4 cuốn sách đã xuất bản, anh kết hợp kinh nghiệm “thực chiến” trên thương trường cùng những trải nghiệm cuộc sống để viết. Bây giờ, anh còn muốn viết thêm cuốn nào khác?

Tôi đang ấp ủ 2 tác phẩm. Một cuốn chia sẻ với độc giả tuổi 20 với tư cách là một người U60 đã “xê dịch” và trải nghiệm rất nhiều. Tới thời điểm này tôi đã đầu tư và tham gia vào gần 60 công ty. Tôi cũng đi nhiều nước và đảm nhận đủ vai, từ nhân viên hạng thấp đến người điều hành công ty lớn và làm khởi nghiệp tuổi trung niên nên cuốn sách sẽ truyền được nhiều cảm hứng.

Cuốn sách thứ hai tập trung vào khởi nghiệp và kinh nghiệm làm tư vấn, chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty. Nó sẽ tập hợp những kinh nghiệm “đau thương”, cũng là những bài học tôi rút ra từ thất bại.

Tôi tự rút ra được những triết lý sống đã giúp mình có được ngày hôm nay. Thứ nhất, được làm người đã là một điều may mắn, phải sống trọn vẹn nhất từng giây phút có được. Thứ hai, luôn phải giữ 'cái Tôi' thật thấp. Tôi là một người rất kính trọng và yêu thương tất cả mọi người trong công ty dù ở vị trí nào. Trong giao tiếp, tôi không câu nệ vị trí của mình, giữ cái Tôi thấp giúp bản thân học hỏi được nhiều và có thêm mối quan hệ thân tình. Thứ ba, bản thân mình phải là người có giá trị. 

- Những người làm về sách hay bị mang tiếng là đời sống khô khan, giáo điều và phi thực tế. Anh hãy chứng minh cho tôi và nhiều người mình không nằm trong số đó đi?

Nói rằng những người làm sách khô khan là không đúng. Thứ nhất, đa số những người làm chủ công ty sách theo tôi thấy đều là người có hoài bão, mang trên vai sứ mệnh tạo ra giá trị cho cộng đồng. Làm sách không phải nghề kiếm được nhiều tiền. Bởi vậy để có thể truyền cảm hứng và xây dựng được đội ngũ nhân sự đi cùng với mình thì chủ doanh nghiệp phải có năng lực lãnh đạo, nhất là việc dẫn dắt và truyền cảm hứng. 

Thứ hai, người làm sách đều yêu thích việc đọc sách nên thế giới tâm hồn họ phong phú.

Thứ ba, có những người vừa làm ở công ty sách lại vừa là tác giả viết sách. Chưa kể, những người đó đều nổi tiếng, thường xuyên chia sẻ thông điệp trên các nền tảng mạng xã hội. Với cách thức giao tiếp đó thì họ chắc chắn không thể khô khan.

Thứ tư, những người làm sách có nhiều trải nghiệm sống thú vị từ việc tham gia các hội chợ sách quốc tế, trong nước đến những cuộc gặp gỡ với các tác giả sách.

Bản thân tôi là người luôn tràn đầy cảm xúc. Tôi có thể sáng tác thơ, viết tùy bút, hiện đã xuất bản 4 cuốn sách. 

Bài 3: Bật mí về nhà sư nổi tiếng có sách hút triệu view

Thiết kế: Minh Hòa

Ảnh: NVCC