Bé T.A.Đ (9 tuổi) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành người đầu tiên trong nhà mắc bệnh. Thời điểm mắc Covid-19, bé chưa tiêm vắc xin. Suốt 1 tuần “2 vạch”, bé có triệu chứng nhẹ nhàng.
Nhưng 10 ngày sau đó, cứ cuối giờ chiều, những cơn sốt cao 39- 40 độ C lại ập đến với cậu bé học lớp 4. Gia đình cho là bé sốt virus nên để ở nhà theo dõi, uống thuốc hạ sốt, chườm ấm…
Chu trình sốt lặp lại 2 lần, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày rồi lại cắt cơn, bé vui chơi bình thường. Gia đình cho bé đi khám 2 lần, uống kháng sinh, điều trị hết sốt rồi tái sốt. Đến lần 3, bé Đ. nhập viện điều trị 5 ngày, bác sĩ đề nghị chọc dịch não tuỷ tìm nguyên nhân nhưng gia đình không đồng ý, đưa con đi chữa theo đông y, bé cắt sốt nhưng vẫn đau khớp, đau cơ.
Một tháng trước, Đ. có biểu hiện khó thở, nhịp tim nhanh hơn, gia đình đưa con đến Bệnh viện Bạch Mai khám. Bác sĩ nghi ngờ bé mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu Covid-19.
Sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bé được cho về nhà, kháng sinh được “nạp” vào người bằng đường uống thay vì đường truyền như ở viện, nhưng trẻ vẫn mệt mỏi. Mấy hôm nay, Đ. tái sốt, đau khớp cơ tay, lan ra ngực.
Chi phí điều trị của bé lên tới 250 triệu đồng, được bảo hiểm y tế chi trả 25% trong số đó, số tiền còn lại gia đình phải tự trang trải. Vì đi viện, việc học của bé phải gián đoạn. Thời điểm tựu trường sắp đến, cậu bé mong mỏi được gặp bè bạn nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình sức khoẻ.
“Vợ chồng tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin, chưa ai mắc bệnh. Tới đây, nhà tôi cũng sẽ tiêm tiếp mũi 3”, mẹ bé Đ chia sẻ.
Hồi đầu tháng 7, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay trong số hơn 750 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu Covid-19 tại đơn vị này, có đến 283 ca mắc MIS-C. 50% trong số đó phải điều trị hồi sức, một số trẻ phải thở máy, lọc máu và đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), đa số trẻ chưa tiêm vắc xin Covid-19.
PGS Điển cho hay hầu hết các trẻ mắc MIS-C nặng đều được cứu sống nhưng chi phí điều trị rất tốn kém. Một trẻ nặng 30-40kg, chi phí thuốc đường tĩnh mạch ngốn vài trăm triệu đồng.
“Nếu trẻ mắc Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị"- bác sĩ Điển nói.
Theo vị chuyên gia, tra cứu các y văn cho thấy tiêm vắc xin Covid-19 không những giúp trẻ tránh bị MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ bị MIS-C.
Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ, ước tính hiệu quả của 2 liều vắc xin Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Còn với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, tiêm vắc xin sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%.
Cho con đi tiêm vắc xin để trẻ giữ hồn nhiên, yên tâm tới trường
Nhiều phụ huynh băn khoăn về các phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin Covid-19, PGS-TS Dương Thị Hồng khẳng định kết quả tiêm chủng trong thời gian qua cho thấy, với mũi tiêm chủng vắc xin Covid-19, tính an toàn rất cao.
Việt Nam đã triển khai tiêm gần 15 triệu mũi tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. “Sau khi trẻ tiêm vắc xin, hầu hết ghi nhận phản ứng phụ, phản ứng thông thường đều thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới” - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.
Gửi câu hỏi về VietNamNet sau bài viết “Nơi điều trị Covid-19 nặng nhất miền Bắc: Nhiều F0 nguy kịch chưa tiêm vắc xin” đăng tải ngày 24/8, nhiều độc giả chia sẻ thương cảm khi nhìn bệnh nhân Covid-19 nặng phải điều trị hồi sức tích cực. Nhưng cũng đầy lo lắng khi nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin, khi mắc Covid-19 phải nhập viện theo dõi.
“Nhiều cháu trước học online nhiều thành ra ù ì thiếu vận động, khó kết nối các bạn trong lớp. Giờ chỉ mong năm nay các cháu được đến trường học trực tiếp thôi. Cha mẹ hãy cho các cháu tiêm đầy đủ cho yên tâm” – độc giả Nguyễn Hạ Vy bình luận.
Giải đáp băn khoăn trẻ đã mắc rồi, có miễn dịch rồi thì có nên đi tiêm vắc xin Covid-19, các chuyên gia cho hay trẻ hoàn toàn có thể tái nhiễm Covid-19 đặc biệt khi biến thể trong giai đoạn này khác với giai đoạn trước, do đó, phụ huynh nên chủ động bổ sung kháng thể cho con em của mình.
“Dự phòng Covid-19 cho trẻ em là không để trẻ mắc bệnh và nếu có mắc thì biểu hiện bệnh nhẹ và không có biến chứng. Cùng với các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu, vắc xin chính là giải pháp căn cơ, lâu dài bảo vệ trẻ trước những diễn biễn liên tục thay đổi, khó lường của đại dịch” – TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay.