5 ngày sau khi có lệnh phong tỏa BV Bạch Mai - nơi ghi nhận có hàng chục ca nhiễm Covid-19, đội ngũ nhân viên y tế vẫn đang ngày đêm “giành giật sự sống” cho các bệnh nhân.
Khoa Hồi sức tích cực chiều qua khác với những buổi chiều bình thường khi các BS chuẩn bị tiệc sinh nhật để động viên tinh thần Phạm Huyền My (18 tuổi, quê Thái Nguyên).
Nhập viện đã hơn 1 tháng, My được chẩn đoán sốc tim. Trong khi đó, mẹ của em lại đang được cách ly tại đại học FPT. Theo các BS, có thời điểm phải sử dụng hồi sức đặc biệt với phương pháp tim phổi nhân tạo cho My.
XEM CLIP:
Trưởng khoa Hồi sức tích cực Đào Xuân Cơ chia sẻ: “Do bệnh nhân sốc tim nặng dẫn đến tổn thương các cơ quan khác, khiến suy thận, suy hô hấp, suy đa tạng. Sau quá trình hồi sức tích cực, chủ đạo là hồi sức tim bằng máy tim phổi nhân tạo cùng các biện pháp khác, bệnh nhân đã thoát sốc và các tạng đang hồi phục. Hy vọng trong vài ngày nữa bệnh nhân sẽ hồi phục”.
Trong thời điểm dịch bệnh khiến nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hoang mang, hoảng sợ, để động viên tinh thần bệnh nhân, Đoàn thanh niên của khoa quyết định tổ chức buổi lễ sinh nhật cho My.
Các BS đặt bánh, nến và dùng xe đẩy thuốc trên nền nhạc bài “Happy birthday” từ từ tiến đến phòng trong sự ngỡ ngàng và xúc động của cô gái 18 tuổi.
Gượng dậy từ giường bệnh, cô gái nhỏ nhắn ngồi trước chiếc bánh cùng ngọn nến lung linh, em chắp tay, nhắm mắt và thầm nói điều ước trong sự kiện đặc biệt của cuộc đời mình. Nước mắt em lăn xuống trong nụ cười hạnh phúc, biết ơn những tình cảm các BS dành cho mình.
Huyền My không ước điều gì cho riêng mình, em khẽ thì thầm:“Em mong tất cả mọi người đều khỏe mạnh”.
Là người đầu tiên tiếp nhận và điều trị cho My, BS Bùi Văn Cường kể, đây là ca bệnh đặc biệt nhất anh từng điều trị. My là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhưng tinh thần lạc quan của em truyền cảm hứng, động lực đến đội ngũ y bác sĩ trong thời điểm toàn BV đang bị cách ly phòng dịch.
Là một trong những khoa điều trị bệnh nhân nặng nhất của BV Bạch Mai, khoa Hồi sức tích cực đang tập trung chữa trị cho hơn 10 bệnh nhân.
Dù toàn BV bị phong tỏa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, tâm lý của nhân viên y tế rất vững vàng.
“Khoa chúng tôi từng trải qua nhiều đại dịch, từng chứng kiến và điều trị thành công dịch Sars năm 2003, cúm H5N1, H1N1 nên tự tin và bình tĩnh khi đối mặt với dịch bệnh mới mà cả nước đang chung tay đẩy lùi.
Chúng tôi tập trung, hướng dẫn bệnh nhân cách phòng tránh, áp dụng quy trình cách ly đúng quy định. Đến nay, rất may mắn, toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khoa đều âm tính với Covid-19”, BS Đào Xuân Cơ nói.
Theo ông, hiện tại BV Bạch Mai có hơn 800 bệnh nhân, trong đó có hơn 200 ca rất nặng, hơn 100 người có thể tử vong bất cứ lúc nào. Khoa Hồi sức tích cực cắt cử anh em trực ngày lẫn đêm, tham gia hỗ trợ các khoa cấp cứu lâm sàng. Trước dịch bệnh phức tạp, các cán bộ y tế hạn chế đi lại giữa các khoa nên BV ưu tiên dùng biện pháp chuyển máy móc thiết bị đến hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Ngay khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, toàn bộ nhân viên trong khoa đều xung phong ở lại để chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhận định dịch bệnh còn kéo dài, để đảm bảo công tác điều trị liên tục với cường độ công việc cao nên khoa đã chia lực lượng thành 2 nhóm để tương trợ nhau.
“Vì chống dịch như chống giặc, bên cạnh chiến lược, chúng tôi phải tính đến sách lược cho từng thời điểm cụ thể. Khoa chia thành 2 đội, một đội ở cơ quan trực, số còn lại thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, sau khi hết thời gian cách ly sẽ tiếp tục hỗ trợ và đổi ca cho anh em đang làm nhiệm vụ tại khoa”, ông Cơ chia sẻ.
Tại khoa Nhi, các y bác sỹ, điều dưỡng thay ca chăm sóc cho các cháu nhỏ điều trị với những triệu chứng nặng. Các điều dưỡng thay cha mẹ vỗ về và ôm ấp các bé hàng giờ đồng hồ.
Trưởng khoa Nhi Nguyễn Thành Nam tâm sự, dù cường độ làm việc tăng lên do nhân sự giảm vì đi cách ly nhưng tinh thần của mọi người đều lạc quan, sức khỏe đảm bảo để đồng hành chữa trị cho các bệnh nhân.
Khoa đang điều trị cho 22 cháu bé, trong đó có 10 cháu sinh non đang nằm lồng sưởi. “Bình thường chúng tôi có 73 nhân sự nhưng nay chỉ còn 25 người. Nếu như ngày thường, mỗi phòng 6 cháu bé thì có 6 điều dưỡng chăm sóc, nay chỉ có 2 điều dưỡng làm công việc chăm sóc toàn diện cho các bé”, ông Nam chia sẻ.
Khoa đang chăm sóc 1 bé đặc biệt. Khi mới 27 tuần tuổi, mẹ cháu bị tiền sản giật nên phải chuyển đến khoa để được chăm sóc y tế đặc biệt. Các điều dưỡng thay mẹ cháu chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo, bế và áp sát các cháu vào lòng trong nhiều giờ mỗi ngày.
Phương pháp này giúp cháu bé giảm nguy cơ hạ thân nhiệt, giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp thở, nhịp tim, tiêu hóa tốt hơn, ít có nguy cơ nhiễm trùng và phát triển tinh thần và thể chất, trẻ ngủ ngon và giảm kích thích.
Với lá đơn tình nguyện ở lại khoa làm nhiệm vụ, nữ điều dưỡng trẻ Thanh Hương cho biết cô không ngại vất vả khi chăm sóc bệnh nhân, phục vụ BV trong bối cảnh đặc biệt này.
Theo nữ điều dưỡng, cháu bé sinh non rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài nên mỗi lần bước vào phòng, các BS, điều dưỡng phải thực hiện nghiêm việc khử trùng, khử khuẩn.
“Chúng tôi đeo khẩu trang liên tục trong ca làm, trước mỗi lần tiếp xúc với bé đều phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tối đa việc ra khỏi phạm vi khoa và tiếp xúc đông người”, Hương chia sẻ.
Về phần gia đình, Hương cho biết rất may mắn khi có hậu phương vững chắc, gia đình thường xuyên gọi điện, liên lạc và động viên tinh thần.
“Tôi quyết định ở lại BV làm việc gần như không có chút do dự nào, dù ở ngoài nhiều người vẫn bảo rằng trong BV là nơi nguy hiểm, là ổ dịch. Là cán bộ y tế, tôi hiểu về dịch bệnh, cách phòng tránh, cộng với môi trường làm việc với các cháu nhỏ khiến tôi thêm lạc quan”, Thanh Hương tâm sự.
Trong những ngày áp lực công việc cao, khoa Nhi tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ ngoài giờ làm việc để giải tỏa áp lực cho cán bộ, nhân viên.
Bác sĩ Nam chia sẻ: “Ở trong này, nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ. Ngoài giờ làm việc, chúng tôi tổ chức cho cán bộ tập thể dục rèn luyện sức khỏe như đá cầu, chạy bộ. Chúng tôi hướng dẫn nhau về điệu nhảy rửa tay Ghen Cô Vy, đóng giả làm thầy trò Đường Tăng để tạo không khí vui tươi trong BV”.
Chị Lê Diệu Linh (SN 1992, điều dưỡng khoa Nhi) và em trai đang học BS nội trú tại Viện Tim mạch những ngày qua tình nguyện ở lại Bạch Mai để cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân.
Ôm cháu bé 27 tuần tuổi với phương pháp Kangaroo, chị Linh cho biết, ngay từ đầu đã xác định sẽ có ngày phải ở lại BV nên đã chuẩn bị các đồ dùng cá nhân, vật dụng cần thiết.
Chị chia sẻ, gia đình có 3 mẹ con (bố mất cách đây nhiều năm) nên khi 2 chị em cùng làm nhiệm vụ tại đây, điều chị lo lắng nhất là không chăm sóc được cho mẹ.
“Nhà tôi cách BV chỉ mấy bước chân, nhưng khi nghĩ đồng nghiệp ở lại làm nhiệm vụ mà bản thân ở nhà thì cũng không thể yên tâm. Hơn nữa, mẹ đã nhiều tuổi, tôi e ngại mình có thể ảnh hưởng đến mẹ”, chị trải lòng.
Để mẹ yên tâm, chị Linh và em trai lập một nhóm chát để đến tối 2 chị em kể cho mẹ nghe những diễn biến trong ngày ở BV, cũng như nghe mẹ nói về cuộc sống bên ngoài.
“Biết mẹ lo lắng nên dù trong BV có những khó khăn nhất định nhưng tôi thường không nhắc đến để mẹ an tâm. Công việc của em trai vất vả hơn tôi nhưng em rất lạc quan và vững vàng. Tôi động viên em rằng hãy biến thử thách, khó khăn này thành cơ hội trải nghiệm, là kỉ niệm đáng nhớ trong nghề”, chị Linh nói.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 từ BV Bạch Mai tăng cao, Giám đốc BV Nguyễn Quang Tuấn cho biết, việc chống dịch được làm đồng bộ, chi tiết, từ tay nắm cửa các phòng, khoa được bọc khăn tẩm cồn, phun khử khuẩn các khu vực trong BV tới việc trang bị đồ bảo hộ đầy đủ cho các nhân sự, việc lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn nhân viên y tế trong BV… Những nỗ lực này với mục tiêu cao nhất là chặn đứng dịch bệnh, không để lây lan.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn |
Ông cũng chia sẻ, sau khi BV có rất nhiều xáo trộn buộc mọi người phải đồng lòng, đoàn kết lại để vững vàng vượt qua khó khăn.
“Từ những người bảo vệ, cô lao công đến đội ngũ các y bác sỹ xích gần lại nhau hơn, đồng cảm hơn trong bối cảnh BV bị cô lập. Chúng tôi đồng lòng vì bệnh nhân đang cần chúng tôi mỗi ngày”, ông Tuấn tâm sự.
Giám đốc BV trải lòng: “Tôi ý thức rõ việc động viên tinh thần anh em là điều quan trọng, vì nếu không giữ vững được tinh thần thì mọi máy móc, thiết bị dù hiện đại đến mấy cũng đều là vô nghĩa”.
Điều dưỡng Bạch Mai mang thai 9 tháng trong khu cách ly, đổi tên con vì Covid-19
Nữ điều dưỡng trẻ tâm sự, con 38 tuần tuổi trong bụng đang cùng mẹ trải qua những giây phút đặc biệt, chị không ở cạnh chồng và gia đình, các dự định sinh nở đều thay đổi...
Đoàn Bổng - Phạm Công