Tất bật những ngày giáp Tết

Làng nghề bánh đa Vĩnh Đức (thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An) có tuổi đời hơn 300 năm. Hiện có 60 hộ sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho gần 250 lao động. Sản phẩm chủ yếu là bánh đa vừng, bánh đa nem.

W-banhda1-1-5.jpg
Người dân làng nghề bánh đa Vĩnh Đức đỏ lửa ngày đêm tráng bánh

Những ngày này, có mặt tại cơ sở sản xuất bánh đa Trần Nam của bà Hoàng Thị Nam (SN 1958, trú khối 7, thị trấn Đô Lương), có khoảng 4 - 5 công nhân đang tất bật làm việc, người thì tráng bánh, người phơi bánh, ai ai cũng bận rộn.

Bà Nam cho biết, để đảm bảo nhu cầu sản xuất những ngày giáp Tết, cơ sở phải thuê thêm một số lao động thời vụ. Tuy nhiên quá trình làm bánh phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết nên vào những ngày trời mưa rét, không thể phơi bánh đa thì sản xuất ngưng trệ“.

"Nghề làm bánh đa phải thực sự chịu khó, chúng tôi phải thức dậy từ 3h sáng làm cho tới đêm mới nghỉ. Dịp này mỗi ngày một người tráng thủ công được khoảng 1.500 - 2.000 chiếc”, bà Nam cho hay.

W-banhda3-1.jpg
Mỗi ngày cơ sở này sản xuất hơn 20.000 chiếc bánh đa, cung cấp cho thị trường

Vừa tất bật tráng bánh, chị Lê Thị Hương (SN 1973, người dân làng nghề Vĩnh Đức) tiếp lời, gia đình đã làm nghề từ hàng chục năm nay. Từ khâu tráng bánh, đến việc bánh được nướng bằng tay trên những bếp than hồng phải vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận để đảm bảo bánh giòn thơm, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Nhu cầu tăng cao vào dịp gần Tết nên hàng ngày tôi phải dậy sớm để xay gạo, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh… cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Công việc cứ quần quật từ sáng đến tối”, chị Hương tâm sự.

Nhiều người dân làng nghề Vĩnh Đức chia sẻ, sở dĩ bánh đa ở đây ngon hơn so với các vùng khác là bởi cách làm thủ công truyền thống. Nguyên liệu làm bánh cũng được lấy tại chỗ, gồm bột gạo hòa trộn với vừng đen cùng một số loại gia vị như gừng, hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo để tráng.

W-banhda4-2-1.jpg
Nhiều hộ dân vẫn giữ nguyên việc tráng bánh thủ công
W-banhda4-1-1.jpg
Mỗi công nhân tráng được từ 1.500 - 2.000 chiếc bánh đa/ngày

Bánh đa sau khi tráng chín được rải trên tấm đan bằng tre và đưa ra phơi nắng. Nhiệt độ và thời gian phơi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bánh.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Hiện nay, dù nhiều nơi đã dùng máy móc hiện đại nhưng người dân nơi đây vẫn chủ yếu dùng tay để tráng bánh đa. Việc nướng bánh bằng tay sẽ giúp bánh thơm, giòn, mang những hương vị riêng nên được khách hàng ưa chuộng.

W-banhda5-1.jpg
Công nhân làng nghề tất bật đem bánh đa ra phơi
W-banhda8-1.jpg
Việc phơi và thu bánh của công nhân liên tục trong ngày

Từ sản phẩm truyền thống, tháng 1/2022, bánh đa vừng Vĩnh Đức được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm). Các sản phẩm bánh đa làng nghề Vĩnh Đức ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Sản phẩm làng nghề Vĩnh Đức không chỉ có mặt trong các gian hàng siêu thị thương hiệu lớn trong nước mà nay đã vươn xa đến các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore...

W-banhda7-1.jpg
Nhiệt độ và thời gian phơi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bánh
W-banhda9-1.jpg
Bánh đa vừng làng nghề đạt sản phẩm OCOP 3 sao

Phó chủ tịch UBND thị trấn Đô Lương Nguyễn Văn Hòa thông tin, năm 2023 làng nghề Vĩnh Đức đã cung ứng ra thị trường 180 vạn cái bánh đa; từ đó đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương; thu nhập bình quân 6 đến 8 triệu đồng/lao động/tháng. Tổng sản phẩm năm 2023 ước đạt 1.500 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của lao động nghề là 85 triệu đồng/năm.

W-banhda11-1.jpg
Việc nướng bánh bằng tay sẽ giúp bánh thơm, giòn tan

“Địa phương luôn chú trọng trong việc bảo tồn gìn giữ và phát triển các mặt hàng truyền thống đạt OCOP. Từng bước hỗ trợ nâng cao chất lượng, sản lượng và bao tiêu sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế của các hộ gia đình sản xuất mặt hàng truyền thống tại làng nghề”, ông Hòa cho biết thêm.