Trong bài phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-la, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O-Cha đã nêu rõ căng thẳng trên Biển Đông là thách thức đầu tiên trong 7 thách thức mà khu vực châu Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
Thủ tướng Thái Lan cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết và đề cao vai trò luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
"Chúng ta cần thúc đẩy tự do hàng không, tự do hàng hải cũng như ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển. Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC sẽ tạo ra không khí để giải quyết vấn đề và chúng tôi ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Các nước có tranh chấp chủ quyền cần tận dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn để cho thấy ý chí chính trị giải quyết vấn đề". - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O-Cha phát biểu.
Còn trong phiên toàn thể đầu tiên ngày 4/6 với chủ đề "Giải quyết những thách thức an ninh phức tạp ở châu Á", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Tại Biển Đông, Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động mở rộng và chưa từng có tiền lệ, gây lo ngại về những toan tính chiến lược của Trung Quốc. Các nước trong khu vực đã có những hành động và lên tiếng, công khai hoặc ngầm, bày tỏ lo ngại ở cấp cao nhất tại các hội nghị khu vực và các diễn đàn toàn cầu. Vì vậy, các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang cô lập nước này vào thời điểm cả khu vực đang xích lại gần nhau và liên kết cùng nhau". - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhận định.
Trong phiên thảo luận toàn thể tiếp theo về chủ đề Quản lý cạnh tranh quân sự châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông - nơi mà Ấn Độ có cùng lợi ích. Ông Manohar Parrikar khẳng định căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại hiện hữu. Ấn Độ có quan hệ truyền thống với các nước ở phía biển Đông. Hơn ½ hàng hóa thương mại của Ấn Độ vận chuyển qua vùng biển này nhưng Ấn Độ không đứng về bên nào trong tranh chấp mà cần được giải quyết hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ấn Độ đề cao tự do hàng hải và tự do hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ.
Có thể thấy, Biển Đông tiếp tục là vấn đề nóng được thảo luận xuyên suốt tại đối thoại Shangri-la 2016. Cộng đồng quốc tế một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không cũng như cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo VTV