Từ quốc lộ 1A đến đoạn đường tránh Vinh thuộc địa bàn xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên giáp với phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) dễ dàng nhận thấy phía xa có một khóm tre lớn cao hàng chục mét nằm giữa cánh đồng. Để vào được đó, chúng tôi phải đi bộ hơn 200m trên bờ ruộng nhỏ, trơn trượt. Khóm tre đó là nơi trú ngụ của một đôi vợ chồng già suốt 40 năm nay.

Nằm lọt thỏm giữa khóm tre là một căn nhà xiêu vẹo, đổ nát. Sống trong căn nhà đó là ông Lê Lập Đức (80 tuổi) và bà Trương Thị Quy (57 tuổi). Hơn 40 năm qua ông bà cứ sống biệt lập với bên ngoài như thế.

Nhìn từ xa, ít ai biết trong khóm tre um tùm giữa cánh đồng kia có người sinh sống.

Đi đến sát mới biết giữa rặng tre dày kín có người sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Quy cho biết, ông bà không có sổ hộ khẩu, cũng chẳng biết thuộc địa bàn thành phố Vinh hay huyện Hưng Nguyên. Bà chỉ biết rằng bà lấy ông ở phường Bến Thủy, về đây sống đã hơn 40 năm, ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Quê bà ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên. Bà bảo: “Hai vợ chồng đến với nhau muộn lắm, về sống ở đây khá lâu rồi và có được một đứa con muộn mằn. Con bé sinh năm 1997, nó đã đi làm. Nhiều lần tôi nói ông vào trong (về quê Hưng Nguyên - PV) sống nhưng ông không chịu. Ông không đi lẽ nào tôi lại đi? Rứa để ông ở lại đây ông chết đói thì sao?”.

Hai ông bà sống với nhau đã 40 năm nhưng không đăng ký kết hôn, không sổ hộ khẩu, không CMND.

Cách đây hai năm, trong một lần chặt tre không may bị ngã, ông Đức bị thương tật. Cũng từ đó, ông phải làm bạn với chiếc giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào vợ con. Bà Quy hằng ngày lăn lộn với 3 sào ruộng, mùa được mùa mất cũng không đủ ăn. Thi thoảng bà lên đền ông Hoàng Mười gần đó nhờ lòng hảo tâm của những người đi cầu may.

Căn nhà ông bà sống ẩm thấp, mùi hôi nồng nặc. Nơi đây ông bà không có hàng xóm, chỉ làm bạn với lũ chim trời, chuột, dơi, muỗi và thậm chí cả rắn.

Trời nắng nhìn qua mái nhà cũng thấy mặt trời; trời mưa nước dột tứ bề. Sống ngay gần TP Vinh nhưng gần nửa thế kỷ nay ông bà chưa từng biết đến ánh sáng đèn điện. Giữa tiết trời hửng nắng, trong căn nhà ấy vẫn tối om như mực đổ.

“May mà có mấy cài đèn dầu, đèn cầy và cái nến thôi, nhưng đêm đến mới dám thắp…”, bà Quy chia sẻ.

Bà Quy đi xin nước từ đền thờ ông Hoàng Mười cách đó chừng nửa cây số về để dùng. "Sang đền để xin nước, xin nến về thắp chứ ở đây không có nước, không có điện”, bà Quy nói.

Trên chiếc chường ọp ẹp, ông Đức nằm như bất động, thi thoảng lại kêu rên vì đau. Hỏi ông sống ở đây lâu chưa, ông bảo "96 năm rồi". Bà Quy vội chen ngang: "Từ ngày ông bị bệnh đến nay không còn nhớ nữa, thi thoảng lại nói linh tinh vậy đó".

Bà Quy kể, trước đây khi chưa lấy bà, ông Đức đã sinh sống với chị gái trên mảnh đất hoang vu này. Người chị gái ấy đã mất từ lâu. Rồi đến khi lấy bà, sinh con đẻ cái, ông vẫn chỉ muốn gắn bó với mảnh đất hoang vu đó, không chịu đi đâu cả.

Hiện cuộc sống của ông Đức bà Quy như cuộc sống của “người rừng”, không biết thuộc địa bàn nào? Không điện sáng, nước sạch. Không biết chẳng may có chuyện gì, biết kêu ai?

PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên. Ông Phạm Văn Kiện - Trưởng Công an xã, người nắm rõ nhất về cuộc sống của ông bà Đức - cho biết: “Nhiều lần chúng tôi đến khuyên gia đình ông bà chuyển về xã Hưng Lợi để sinh sống nhưng ông Đức không đồng ý. Hiện tại ông Đức, bà Quy vẫn chưa có sổ hộ khẩu thường trú nên mọi chế độ đối với ông bà xã chưa thể chu cấp. Với ông Đức, hiện nay cũng đã chụp ảnh để làm chứng minh nhân dân nhưng ông ấy cũng không lên để đi làm. Chúng tôi cũng đã nói với ông bà rất nhiều nhưng ông ấy cứ trốn tránh, mặc cảm. Ông Đức đã tự tách cuộc sống của gia đình mình ra khỏi cộng đồng”.

Được biết người con gái duy nhất của ông bà cũng không sống cùng bố mẹ. “Nó ở với người bà con ở trong làng. Bỏ học đi làm thuê cho người ta ở Vinh”, bà nói.

Bà Quy cho biết, ở đây nuôi gà nhanh lớn nhưng thường xuyên bị con nghiện đến ăn cắp, ban ngày bọn chúng cũng vào ăn trộm nhưng không làm được gì, không biết kêu ai.

Chiếc thuyền giá trị nhất trong căn nhà để phòng khi có mưa lũ, ông bà có cái mà thoát khỏi vùng trũng này.



Căn lều rách nát, ngổn ngang.



Theo Dân Trí