Các dự án đô thị hoành tráng ở cửa ngõ Hà Nội như Vườn Cam, Lideco, Dương Nội, Nam An Khánh, Mê Linh... được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô nhưng đều phải chung cảnh ngộ bị bỏ hoang ít nhất đã chục năm qua.
Khu đô thị Dương Nội, đã đầy đủ nhưng dân không ở
Dương Nội là dự án lớn phía Tây Hà Nội do Tập Đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông. Nơi đây được quy hoạch đồng bộ với hồ Bách Hợp Thủy rộng 12ha và Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông.
Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 7.642 tỷ đồng, nhưng vẫn còn vài khu vực chưa được thi công hoặc đang trong quá trình hoàn thiện. Dù hạ tầng, cảnh quan, đường xá, hệ thống đèn chiếu sáng hầu như đã đầy đủ, lượng cư dân chuyển về ở vẫn thưa thớt.
Trên một số trang web bất động sản, giá các căn biệt thự liền kề tại đây từ 110- 140 triệu đồng/m2 (tuỳ theo phân khu và loại hình sản phẩm). Như vậy, để sỡ hữu một căn biệt thự ở Dương Nội, khách hàng phải bỏ ra từ 10 tỷ đồng trở lên. Nhiều căn biệt thự đắt giá thời gian này vẫn được treo biển rao cho thuê, bán ở ban công hoặc trước cửa. Các lối ra vào được chăng dây hoặc khóa trái.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư dự án khu đô thị Dương Nội cho biết, về cơ bản, khu đô thị mới được triển khai theo đúng phê duyệt, thực hiện xây thô và hoàn thiện mặt ngoài. Tùy thuộc theo kế hoạch bán hàng và tình hình thị trường, cũng như các quy định khác để chủ đầu tư thực hiện thi công theo từng khu vực.
Liên quan đến thực trạng nhiều biệt thự, liền kề không có người ở, chủ đầu tư cho hay, đã hoàn thiện xây dựng công trình và thực hiện chuyển nhượng cho khách hàng theo đúng quy định. Sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư chỉ được quyền quản lý bên ngoài công trình mà không được can thiệp vào việc quản lý, sử dụng của chủ nhà. “Rất nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Khu đô thị mới Dương Nội là ngôi nhà thứ 2. Đồng thời, căn cứ theo tình hình thị trường, nhu cầu của khách hàng và sự phát triển chung của khu vực để chủ đầu tư xây dựng kế hoạch bán hàng phù hợp theo từng giai đoạn”, đại diện chủ đầu tư thông tin.
Về những ô đất chưa xây dựng theo phản ánh, đại diện chủ đầu tư cho hay, trên thực tế đã được thi công hoàn thiện hạ tầng, ép cọc ly tâm phần móng xây dựng cho từng căn nhà, sẵn sàng cho các bước xây dựng tiếp theo phù hợp với kế hoạch bán hàng. Sau thời gian thực hiện các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và những tác động khác của thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, chủ đầu tư và nhà thầu đang triển khai xây dựng nhiều tại phân khu.
Khu đô thị Mê Linh, một sản phẩm lỗi khó hoàn thiện
Mê Linh nối trung tâm Hà Nội bằng đường Võ Văn Kiệt kéo dài từ phía Bắc cầu Thăng Long đến gần sân bay Nội Bài. Trong tương lai, cùng với Đông Anh và Sóc Sơn, huyện này sẽ là thành phố phía Bắc trực thuộc thủ đô. Từng được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội nhưng sau gần 15 năm triển khai, dự án là một sản phẩm lỗi.
Trong 18 dự án được ký một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (tháng 8/2008), khu đô thị AIC từng là cái tên nổi lên được nhiều người chú ý, đến nay phần lớn diện tích vẫn bị bỏ không.
Tại Quyết định 126 ngày 12/7/2021 của Thanh tra Sở KH&ĐT xử phạt vi phạm hành chính đối với việc không thực hiện hoạt động đầu tư đúng trong hồ sơ đăng ký và việc không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, giám sát, đánh giá đầu tư dự án, công ty đã chấp hành nộp phạt.
Với gần 2.400ha đất thuộc 47 dự án bị treo nhiều năm, huyện Mê Linh (Hà Nội) là một trong những địa phương của thủ đô có nguồn lực đất đai bị đánh giá là lãng phí nhiều nhất.
Hàng trăm căn biệt thự sang xịn kiểu châu Âu trong khu Lideco
Nằm bên quốc lộ 32 thuộc thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức (Hà Nội), Lideco là một trong những dự án lớn nhất huyện với quy mô 38,23ha. Khu đô thị này do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Với tổng vốn 781 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 dự án gồm 600 ngôi biệt thự, thiết kế theo phong cách tân cổ điển, tuy nhiên trên 2/3 diện tích bị bỏ hoang, không người ở.
Tổng thể quy hoạch của dự án được chia thành hai đơn vị ở nằm ở hai phía của trục đường chính. Phía Đông và Tây chủ yếu bố trí các nhà biệt thự song lập, nhà liền kề và nhà liền kề có vườn, nhà ở, lô phố. Trên thị trường, giá các căn biệt thự tại khu đô thị này được rao bán với mức giá 10-20 tỷ đồng tùy vị trí và diện tích sử dụng. Còn các nhà cho thuê ở đây cho thấy được chủ rao lên tới 30 triệu đồng/tháng.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cộng với cơn sốt đất trước thông tin Hoài Đức lên quận vẫn không làm thay đổi được tình hình. Cảnh vắng bóng người nơi đây đã diễn ra cả thập kỷ.
Khu đô thị Nam An Khánh xây dựng cho cỏ dại mọc
Thuộc 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), Khu đô thị Nam An Khánh nằm ngay bên nút giao đại lộ Thăng Long - Lê Trọng Tấn. Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích xây dựng gần 190ha, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nơi đây có 4 phân khu chính là khu hỗn hợp, khu hồ lớn, khu hồ nhỏ và khu mở rộng. Các sản phẩm có đủ các hạng mục như biệt thự đơn lập, song lập, liền kề, nhà vườn, shophouse, chung cư các loại, diện tích từ 133 - 884m2...
Sau 15 năm, dự án vẫn còn dang dở, chưa đồng bộ về hạ tầng. Một vài phân khu đã xây dựng xong, nhiều dãy nhà đã hoàn thành phần thô từ nhiều năm trước nhưng không thể hoàn thiện hẳn và chưa có người vào ở.
Thực trạng cho thấy khu vực này chưa được hoàn thiện về hạ tầng, dịch vụ tiện ích xung quanh kém, đặc biệt là vấn đề an ninh. Những yếu tố đó khiến nhiều nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu mua để ở ái ngại "xuống tiền".
Năm 2014, chủ đầu tư Sudico đã hợp tác với Techcom Development (thuộc Techcombank) và trong năm 2015, tiếp tục ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Techcom Development với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng (tổng giá trị hợp đồng là 2.100 tỷ đồng). Sudico cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản "sốt nóng" ở nhiều khu vực, trong đó có vùng phía Tây Hà Nội. Các loại hình bất động sản liền kề, biệt thự khu vực này liên tiếp xác lập mức giá cao. Trên một vài website, giá biệt thự tại Nam An Khánh được rao bán ở mức giá 23-30 tỷ đồng, tùy vị trí và diện tích.
Tương lai mờ mịt tại Khu đô thị Vườn Cam
Với tổng diện tích quy hoạch 46,18ha, Khu đô thị Vườn Cam là dự án được UBND tỉnh Hà Tây (nay là UBND TP Hà Nội) giao công ty cổ phần Vinapol làm chủ đầu tư và thực hiện dự án theo một quyết định được ban hành từ tháng 12/2007, thời hạn hoàn thành là ngày 31/12/2013. Tuy nhiên đến nay, công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng này vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa thể đưa vào sử dụng.
Trước đó, vào đầu năm 2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô diện tích khoảng 54ha bao gồm trên 600 ngôi biệt thự, nhà vườn... Từ năm 2019, dự án được tái khởi động.
Vườn Cam được thiết kế chỉ có một cổng duy nhất ra vào để đảm bảo quản lý. Đây là một trong số ít các đô thị ở Hà Nội chỉ xây dựng biệt thự cao cấp, không có shophouse, chung cư hay nhà liền kề...
Tuy nhiên, số phận khu đô thị này đang là những dấu hỏi khi những căn nhà đắt đỏ chỉ mới được xây xong phần thô. Dù hạ tầng như hiện tại, một số tay môi giới cho hay, mỗi căn biệt thự khoảng 200 - 300m2 có giá dao động từ 10 - 20 tỷ đồng.
Khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là bãi đất lớn gần 20 năm
Được triển khai từ năm 2004 đến nay, sau gần 2 thập kỷ, bãi đất 35ha dự kiến xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn để không. Dự án do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư.
Trước đó, theo kế hoạch, dự án được chia thành 2 giai đoạn; Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các mục tiêu giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm căn hộ biệt thự.
Khu đất này vẫn chưa có dấu hiệu thi công xây dựng, cỏ dại mọc um tùm. Xung quanh, rất nhiều tòa chung cư khác đã xây dựng xong.
Tòa tháp QMS xây vươn cao chọc trời rồi để đấy
Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và nhà ở QMS Tower ở nút giao Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội) khi mới khởi công từng được kỳ vọng tạo nên sự sôi động của thị trường bất động sản. Tòa nhà này với 45 tầng, đã thi công xong phần thô và cất nóc vào tháng 4/2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng như dự kiến.
Trước đó, dự án QMS Top Tower có mục tiêu trở thành khu dịch vụ thương mại, khu nhà ở cao cấp, khách sạn 5 sao và khu giải trí công nghệ cao với Skyday Cofffe 360 độ (trên nóc tòa nhà). Theo thiết kế, QMS Top Tower có quy mô 6.565,5m2, chiều cao 45 tầng gồm 490 căn hộ, trong đó tầng 1-5 là khu thương mại, dịch vụ; tầng 6 là khu sinh hoạt cộng đồng; tầng 7-37 là căn hộ để ở; tầng 38-44 là tầng căn hộ khách sạn; tầng 45 được sử dụng là dịch vụ.
Công trình triển khai từ Quý II/2018 và từng dự kiến hoàn thành vào Quý II/2020 nhưng sau đó không thể.
Tòa nhà VietinBank chậm tiến độ chục năm
Tòa nhà trụ sở VietinBank nằm ngay bên dưới đường dẫn lên cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chưa thể đưa vào sử dụng và chậm tiến độ cả chục năm. Với diện tích 30.000m2, dự án được khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2014.
Theo thiết kế, dự án gồm 2 tòa tháp, được liên kết bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cà phê và nhà hàng. Tháp thứ nhất cao 68 tầng được thiết kế tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ sẽ là trụ sở làm việc chính của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, tháp thứ hai với 48 tầng sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Các tầng phía trên của mỗi tháp được bố trí theo đường chéo để tạo thành các góc chữ V, biểu trưng của VietinBank.
Hiện tại, xung quanh khu dự án được quây tôn kín, cỏ dại mọc cao quá đầu người vì bị bỏ hoang nhiều năm.
Liên quan đến đề nghị được hướng dẫn nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng dự án tòa nhà trụ sở chính VietinBank áp dụng theo quy định theo khoản 2, Điều 9, Nghị định số 10 ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo quy định này, tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm phần tổng mức đầu tư không điều chỉnh và phần tổng mức đầu tư điều chỉnh. Các nội dung liên quan đến phần tổng mức đầu tư điều chỉnh phải được thẩm định theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 10.
Nam Đàn Plaza, dự án khách sạn 5 sao trên giấy
Dự án Nam Đàn Plaza rộng gần 10.000m2 nằm giữa chung cư Vinhome Sky Lake và Showroom ô tô Lexus Thăng Long, mặt đường Phạm Hùng, do Công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư. Ban đầu, tổ hợp này được thiết kế gồm 2 tòa tháp cao 40 và 44 tầng với 3 tầng hầm, dự kiến hoàn thành vào Quý II/2015. Tuy nhiên, sau thông báo khởi công, dự án không được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Cái tên Nam Đàn Plaza đã bị đưa vào danh sách 23 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội và bị thu hồi đất.
Tháng 11/2006, UBND TP Hà Nội cho phép nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này từ việc xây dựng Trung tâm Tang lễ Văn minh thành khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn "bất động" bởi các ông chủ sở hữu lần lượt vướng vào vòng lao lý.
Hiện khu đất dự án đã mọc lên các lán làm kho xưởng quây tôn. UBND phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng mục đích quy hoạch.
Tín hiệu tích cực từ dự án Trung tâm thương mại Lotte Mall Hanoi
Tín hiệu tích cực nhất trong số các dự án treo, bỏ hoang, chậm tiến độ lâu năm là công trình Trung tâm thương mại Lotte Mall Hanoi (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đang được cấp tốc xây dựng trở lại. Đây là dự án được cho là hoành tráng nhất thủ đô do tập đoàn đến từ Hàn Quốc đầu tư gồm siêu thị, rạp chiếu phim, thủy cung, văn phòng, căn hộ dịch vụ, chung cư, khách sạn.
Với 600 triệu USD, đây là trung tâm thương mại có mức đầu tư cao nhất Hà Nội, vượt xa con số của Lotte Center (400 triệu USD) và AEON Long Biên (200 triệu USD).
Trung tâm thương mại đắt đỏ này nằm trên khu đất rộng 7,3ha, tiếp giáp các trục đường lớn gồm đường Võ Chí Công và Lạc Long Quân. Xung quanh dự án có view rộng thoáng và đẹp bao gồm hồ Tây, phía Bắc nhìn ra sông Hồng rộng lớn còn phía Đông là khu đô thị Ciputra.
Trước đây dự án này từng có tên là Ciputra Hanoi Mall do Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tập đoàn Ciputra (Indonesia) và Tổng công ty UDIC của Việt Nam, làm chủ đầu tư. Đến giữa năm 2017, nó được bán lại cho Tập đoàn Lotte và đổi tên thành Lotte Mall Hanoi.
Nhìn vào công trường hiện tại, không ai tin rằng trước đây dự án này được xây dựng từ năm 2007 sau đó chỉ xong phần móng và bị “đắp chiếu” một thời gian dài. Và gần 6 năm kể từ khi mua lại, đến nay Lotte Mall Hanoi mới xây dựng xong phần thô của khối đế và 3 tòa tháp.