Là sinh viên ngành Toán và Kinh tế trường ĐH Clark University, Mỹ, Trang nhận thức được tầm quan trọng của Kinh tế học trong cuộc sống, bởi lẽ kinh tế có mặt ở mọi lúc mọi nơi, “bạn mua một mớ rau hay đi chơi cũng là kinh tế”.
Vì vậy, cô bạn cùng Hoàng Phong đã trò chuyện rồi nảy ra ý tưởng thực hiện một dự án truyền tải những kiến thức về kinh tế căn bản nhưng quan trọng đến mọi người, nhất là giới trẻ. Và “Kinh tế không kinh thế - KTKKT” với những clip ngắn 1 phút ra đời.
“Bọn mình muốn cho mọi người thấy việc học tập, mở mang kiến thức có thể là một hoạt động vui, và không nhất thiết phải thực hiện trong khuôn khổ nhà trường hay sách vở. Do đó KTKKT có cách tiếp cận nhẹ nhàng, vui và gần gũi hết mức có thể”, Thùy Trang giải thích về hướng đi của dự án.
Mỗi nội dung kinh tế học được truyền tải sinh động, dễ hiểu, có phần hài hước qua một video ngắn gọn chỉ 1 phút nhưng Phong và Trang phải đầu tư nhiều thời gian, tâm sức cho mỗi sản phẩm.
Hoàng Phong (hiện là du học sinh trường Cornell University, Mỹ) cho biết: “Công đoạn khó khăn nhất và đôi khi phụ thuộc cả vào cảm hứng là viết kịch bản. Có khi bọn mình ra vài kịch bản trong một tuần, có khi thì cả tháng mới được một kịch bản ưng ý”.
Công đoạn storyboard (nghĩ xem nên vẽ gì để phù hợp với kịch bản) tiếp sau đó sẽ do Phong đảm nhận (mất khoảng 2-3 tiếng). Vẽ - xử lý kĩ thuật cho thành một video mất khoảng 3-4 tiếng nữa. Và công việc thu âm do Trang thực hiện.
Đồng thời, để cung cấp nhiều hơn các nội dung kiến thức cho người tiếp nhận, fanpage trên mạng xã hội Facebook của dự án trở thành một kênh song song cùng Youtube truyền tải các nội dung giải thích, các tin kinh tế, thuật ngữ về kinh tế học.
Thùy Trang cho hay, ưu điểm của fanpage là có thể cập nhật nhanh , mổ xẻ các tin tức kinh tế nóng hổi mới ra lò, trong khi clip thì phải mất khá nhiều thời gian mới hoàn thành được nên không thể bắt kịp với những tin tức kinh tế mới nhất.
Kinh tế không “kinh” như bạn nghĩ…
Phong và Trang đều trải qua 2 năm học kinh tế theo hệ A-level của Singapore nên những kiến thức kinh tế nền tảng từ trường học đã phục vụ họ xây dựng nên dự án.
“Chúng mình cũng có gắng xây dựng hệ thống bài giảng theo kiểu Đông -Tây kết hợp. Chúng mình học hỏi tính logic của giáo trình ở Singapore vì cách giải thích và sắp xếp thứ tự bài rất hợp với tư duy của người Việt Nam.
Còn ở Mỹ thì chúng mình được tiếp cận với một kho ví dụ và các phương tiện báo đài để có thể kiểm chứng những cái gì đang được xảy ra, hoặc không xảy ra theo kiến thức trong sách vở về nền kinh tế tư bản, thế nên chúng mình hay dẫn chứng từ các nguồn từ Mỹ cho mọi người tham khảo”, Hoàng Phong cho biết.
Hiện nay, 84% người xem của KTKKT là các bạn sinh viên có độ tuổi từ 18 – 24, và 7% là học sinh trung học.
Phong tâm sự: “Nhiều khán giả đã nhận xét là clip của bọn mình thú vị, dễ hiểu hơn các bài học kinh tế ở trường. Tuy nhiên, bọn mình cũng vẫn đang cố gắng tạo ra những nội dung hay hơn nữa, và mở rộng thêm chủ đề của KTKKT sang các vấn đề sâu hơn.
Tiếc thay, bọn mình cũng đã cố liên lạc với các giảng viên kinh tế ở Việt Nam nhưng chưa thành công. Có một điều rất may là các khán giả của KTKKT cũng tinh ý lắm, sai là được nhắc phải sửa liền”.
Không đặt mục đích thu lợi nhuận về kinh tế, với mong muốn góp phần làm cho giáo dục vui và gần gũi hơn với mỗi người, Trang và Phong dự định sẽ mở thêm một kênh khoa học thường thức với những clip tập trung vào các chủ đề hay và độc đáo”.
Trang chia sẻ: “Nếu trong tương lai, nếu có thu lợi từ KTKKT, thì bọn mình cũng sẽ dùng tất cả những gì thu được để đầu tư thêm vật tư, thiết bị làm clip; hoặc quyên góp cho các tổ chức giáo dục từ thiện ở Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, dù thời gian chạy dự án chưa dài nhưng với những sản phẩm ra lò, hạnh phúc lớn nhất của bọn mình là nhận được những phản hồi kiểu như: Ồ, kinh tế học quả thực không “kinh” lắm…” (cười)
Theo Dân Trí