Thi tốt nghiệp: Cả 3 môn đều 'dễ thở', phổ điểm bài Khoa học xã hội sẽ thế nào?
Hơn một triệu thí sinh cả nước vừa hoàn thành các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ngay sau khi kết thúc các môn thi, nhiều giáo viên môn Văn đã đưa ra dự kiến phổ điểm năm nay.
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi - Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhận định đề thi Ngữ văn năm nay không quá bất ngờ, cấu trúc phù hợp (ngữ liệu đọc hiểu là thơ, ngữ liệu nghị luận văn học là truyện). Sự phân hoá được đảm bảo để phù hợp với mục tiêu tuyển sinh ĐH. Dự kiến phổ điểm trung bình từ 6-7 điểm.
Theo thầy Khôi, ngữ liệu ở phần Đọc hiểu (đoạn trích thi phần của nhà thơ Anh Ngọc) được lựa chọn khá tinh tế, những câu hỏi thành phần đúng các mức tư duy. "Chỉ xin được góp ý thêm với câu hỏi 2: tiền giả định của người ra đề có lẽ là mọi thí sinh đều biết hiện tượng "giông" là gì. Dẫu vậy, theo quan điểm cá nhân, đây vẫn là câu hỏi gây ít nhiều khó khăn cho học sinh vì liên quan đến kiến thức môn khác. Theo tôi, nên cân nhắc những câu hỏi dạng này".
Ở phần Nghị luận xã hội, thầy Khôi cho rằng vấn đề nghị luận khá hay, có ý nghĩa thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh. Tuy nhiên, để có thể hiểu được cân bằng cảm xúc là cả một quá trình đi từ nhận thức đến xử lí và điều chỉnh cảm xúc chính xác, hiệu quả không đơn giản, từ đó để chỉ ra sự cần thiết của nó lại là một thử thách khác.
Phần Nghị luận văn học, thầy Khôi cho rằng: "Chắc nhiều thí sinh sẽ rất mừng khi gặp tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) vì truyện ngắn này nằm trong nhóm văn bản có nhiều khả năng xuất hiện trong đề thi.
Tuy nhiên, tính phân hóa của đề thi nằm trọn vẹn ở phần này. Đoạn trích nằm ở phần kết của tác phẩm, trọng tâm rơi vào câu chuyện người vợ nhặt kể và phản ứng của Tràng sau câu chuyện đó.
Nếu muốn phân tích sâu, kĩ nhằm mục đích gia tăng dung lượng bài văn, các em phải có khả năng liên hệ với các nội dung khác trong truyện thuộc các phần không được trích dẫn, thậm chí phải đối chiếu so sánh với đoạn trích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) đã học, đặc biệt là tình tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và trốn theo anh.
Hơn thế, chưa biết các em có đủ bình tĩnh để nhìn ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm hay không. Đây là một vấn đề không đơn giản để đáp ứng yêu cầu".
TS Phạm Hải Linh - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng đánh giá cấu trúc đề năm nay khá giống với mọi năm. Mức độ kiến thức trong đề có khả năng phân loại học sinh. Đề đi từ những câu hỏi nhận biết, đến thông hiểu và vận dụng.
Nội dung kiến thức trong đề khá quen thuộc, là những phần thầy cô lớp 12 của các trường đã ôn trọng tâm. Bên cạnh đó, năm nay có một câu nâng cao hơn so với năm ngoái là câu Nghị luận văn học, nhận xét về góc nhìn của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ Nhặt.
Cô Linh đánh giá, với đề thi này, mức điểm 7-8 sẽ xuất hiện nhiều. Để được trên 9 điểm, học sinh cần phải có tư duy, hiểu biết về cuộc sống, có nhận định, bám chắc kiến thức căn bản.
Còn cô Dương Thanh Thủy - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội), nhận xét ngữ liệu phần đọc hiểu tốt, có giá trị giáo dục và ý nghĩa nhân văn. Vấn đề nghị luận xã hội có ý nghĩa xã hội thiết thực, tuy nhiên dạng câu hỏi không mới.
Theo cô Thủy, để đạt được số điểm cao, đòi hỏi học sinh phải có tư duy độc lập, tính sáng tạo và khả năng cảm thụ văn chương sâu sắc. Với đề thi này, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được mức điểm 5-6, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được điểm 7-7,5.
Cô Nguyễn Nguyệt Nga - Giáo viên môn Văn, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đánh giá phần đọc hiểu năm nay chọn được ngữ liệu vừa sức với học sinh, tương đương với thể loại/kiểu văn bản mà các em đã học trong chương trình hiện hành. Cô Nga cũng cho rằng với đề này, thí sinh có thể đạt được mức điểm phổ biến là 6-7. Để đạt mức điểm 8 trở lên, các em cần giải quyết tốt các yêu cầu có tính phân hóa, nâng cao của đề.
Các mốc thời gian cần nhớ:
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 vào 8h00 ngày 18/7.
Các đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo từ ngày 18/7 đến hết ngày 27/7, tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) chậm nhất ngày 5/8; xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo hoàn thành chậm nhất ngày 12/8.
Đối với những thí sinh xét tuyển đại học thì bắt đầu từ ngày 10-30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến ngày 6/8/2023.
Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9/2023.
Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 25/7/2023. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ có 20 ngày, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 3 tuần so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.
Tra cứu điểm thi THPT năm 2023 nhanh trên VietNamNet