Việt Nam là quốc gia có vị trí biển thuận lợi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với đường bờ biển kéo dài, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng khắp thế giới, thu hút du khách. Ngoài vẻ đẹp hấp dẫn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chúng ta có tiềm năng rất lớn để khai thác các hoạt động thể thao, giải trí trên biển như du thuyền, đua thuyền buồm, lặn biển, ván đứng...
Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội định vị mình trở thành "Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế". Vấn đề là, chúng ta có đang định vị như vậy không và nếu có thì chiến lược nào khả thi để có thể biến những ước mơ thành hiện thực, đem lại doanh thu về cho đất nước cũng như quảng bá một Việt Nam tươi đẹp, năng động trong mắt bạn bè quốc tế?
Để làm rõ nội dung này, báo VietNamNet tổ chức chương trình Bàn tròn với chủ đề Liên kết các bên để định vị "Việt Nam – Quốc gia của các sự kiện du lịch biển quốc tế".
Tham dự chương trình gồm ba vị khách mời:
- Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bình Định F1
- Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Ana Marina Nha Trang
Tiếp nối Phần 1: Du lịch biển Việt Nam: Dịch vụ chỉ mới đến mép nước, khai thác bề nổi và Phần 2: Du lịch biển Việt Nam đừng trở thành "phiên bản nhái của Thái Lan".
Mời bạn đọc theo dõi Phần 3: Du lịch biển Việt Nam: Phú Quốc và bài học "giữ bản sắc" không của riêng ai.
Nhà báo Linh Trang: Tại Việt Nam, Phú Quốc là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ sở hạ tầng thuận lợi (như sân bay, hệ thống khách sạn lưu trú, cảng biển…) và cũng đã đưa những sự kiện quy mô quốc tế về tổ chức.
Tuy nhiên khoảng 6 tháng trở lại đây, Phú Quốc lại đang mất phong độ, lượng khách sụt giảm mạnh. Vậy theo các khách mời, hòn đảo du lịch này còn thiếu yếu tố hay nền tảng nào để phát triển du lịch biển bền vững?
Ông Hà Văn Siêu: Trước mắt chúng ta thấy rằng Phú Quốc được đặt sứ mệnh là một điểm đến tầm cỡ quốc tế. Đây là một sứ mệnh rất lớn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Covid-19 làm Phú Quốc thiệt hại quá nặng nề, thậm chí lớn nhất trên cả nước. Câu chuyện phục hồi trở lại của địa phương này rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong hoàn cảnh đó, để rút ngắn quá trình hồi phục, tăng tốc để phát triển thì chính quyền cần tiên phong vào cuộc và doanh nghiệp phải đồng sức, đồng lòng. Hiện nay các chương trình hành động chưa nhất thể, chưa có sự phối hợp đó.
Ông Trần Việt Anh: Quan điểm của tôi, câu chuyện ở Phú Quốc gần như là bài học và thực tế, câu chuyện phát triển du lịch của các địa phương đều là bài học để những nhà doanh nghiệp, nhà phát triển về mặt chính sách tham khảo. Mỗi địa phương đều có những giai đoạn phát triển rất mạnh, sau đó chậm dần lại. Phú Quốc cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Tôi đánh giá, Phú Quốc là minh chứng rõ ràng của sự đầu tư thiên lệch, quá tập trung cho các dự án bất động sản, trong khi đầu tư cho kinh tế biển, kinh tế thể thao thì không có sự quan tâm nhiều, không tạo thành chuỗi liên kết.
Tôi nhớ, thời điểm Covid-19 vừa hạ nhiệt, lượng khách du lịch nội địa ở các địa phương tăng đột biến. Lúc đấy các địa phương nghĩ rằng, đó là sự phục hồi du lịch nhưng nó chỉ là bề nổi, nhất thời. Sau giai đoạn dài “lockdown” họ có nhu cầu tự do, đi lại, “du lịch trả thù”. Chứ thực tế, ảnh hưởng kinh tế từ dịch bệnh này rất lớn. Khi kinh tế ảnh hưởng, người dân chi tiêu thắt lưng buộc bụng thì du lịch xếp sau các nhu cầu ăn, uống, sức khỏe. Du lịch không phải nhu cầu thiết yếu.
Dịch bệnh tới, du lịch là ngành ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề những phục hồi lại chậm nhất. Khi ấy, tôi có những cuộc gặp với doanh nghiệp, chính quyền ở Phú Quốc. Họ tự tin về vào khả năng phục hồi nhưng quan điểm của tôi là họ tự tin hơi sớm.
Khi khó khăn ập tới, đúng như ông Siêu nói, chính quyền phải tiên phong và doanh nghiệp đồng hành.
Ở Trung Quốc, để khắc phục khó khăn sau đại dịch, nhiều Giám đốc Sở Du lịch các địa phương đích thân quay Tiktok để quảng bá hình ảnh du lịch. Sức ảnh hưởng của chính quyền địa phương rất lớn. Khi chính quyền dám thay đổi sẽ tạo ra sự thay đổi của doanh nghiệp, người dân.
Giai đoạn khó khăn, chính quyền cần giải ngân ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hoạt động truyền thông điểm đến. Khi chính quyền và doanh nghiệp chung tay thì tất nhiên hiệu quả cao hơn. Sau dịch, doanh nghiệp còn đang lao đao thì làm sao có thể bỏ chi phí ra cho các hoạt động truyền thông.
Hạn chế thứ hai là khi gặp khó khăn, lượng khách giảm thì chúng ta thường có tư duy cắt giảm dịch vụ.
Chúng tôi theo dõi một số các diễn đàn, hội nhóm thì nhận thấy, rất nhiều nơi khu nghỉ dưỡng cao cấp, vốn chỉ phục vụ du khách cao cấp phải giảm giá để hút khách. Tôi không phân biệt nhưng thực tế, rõ ràng khi khách cao cấp ở với khách trung cấp thì khách cao cấp sẽ có sự phản ứng. Vì họ bỏ mức tiền cao thì họ trông đợi và kỳ vọng cao. Tôi từng đến một vài resort cao cấp sau dịch Covid, đáng buồn là chất lượng đi xuống rất nhiều. Họ giảm giá thì đồng thời cắt giảm nhân sự, dịch vụ vì thế bị kéo xuống. Và ở Phú Quốc cũng thế, chúng tôi thấy chất lượng dịch vụ sau này đi xuống rất nhiều so với thời gian đầu. Điều này làm du khách không muốn quay trở lại.
Thêm vào đó, tôi công nhận đường bay đi Phú Quốc chi phí quá đắt đỏ.
Ông Đặng Bảo Hiếu: Tôi nhìn nhận Phú Quốc là một trường hợp cần có sự nghiên cứu kỹ càng về nhiều phía, từ khía cạnh quản lý du lịch, khía cạnh sản phẩm du lịch đến hành vi người tiêu dùng và người trực tiếp làm sản phẩm du lịch. Bản thân Phú Quốc trước đây được biết đến là thiên đường của du lịch bền vững, rất tự nhiên, khí hậu ôn hoà, cát trắng mịn, những rặng dừa và cảnh rặng nguyên sinh đa dạng trên đất liền và biển. Tổng Cục Du lịch trước đây và hiện nay là Cục Du lịch Quốc gia, mỗi lần quảng bá du lịch biển Việt Nam đều đưa Phú Quốc như là một điểm đến cho những người muốn tìm kiếm sự hoang sơ, trinh nguyên. Đó là những yếu tố thuận lợi rất lớn cho phát triển du lịch biển.
Tuy nhiên, có vẻ như du lịch Phú Quốc mất cân bằng vì đã có những sự ngộ nhận, hiểu lệch lạc trong phát triển du lịch biển. Nói hơi nặng nề, đầu tư du lịch ở Phú Quốc bị trá hình. Tức là người ta đến với Phú Quốc để làm gì? Để tìm kiếm những cơ hội đầu tư về đất đai. Một địa điểm rõ ràng có rất nhiều dư địa cho sự phát triển về du lịch, về thiên nhiên và tất nhiên đó là sự thu hút cho các nhà đầu tư về du lịch. Tuy nhiên khi bất động sản được đưa lên ở một mức độ quá mức thì mọi sự cân bằng sẽ bị phá vỡ.
Phú Quốc cũng không có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc phát triển du lịch. Khi lượng khách lớn đổ tới, hòn đảo quá tải trong vấn đề cung cấp các cái điều kiện tối thiểu nhất cho hoạt động du lịch ở địa phương.
Dễ thấy nhất là rác thải. Tôi di chuyển từ sân bay về khu nghỉ dưỡng, rác thải xuất hiện khắp mọi nơi. Chỉ khi vào tới bên trong khu nghỉ tôi mới tìm thấy một không gian sạch sẽ.
Tuy nhiên, loại rác này tôi nghĩ là xử lý được. Còn loại rác khó xử lý hơn là “rác về mặt kiến trúc”. Tôi nghĩ có quá nhiều công trình không phù hợp với bản sắc của Phú Quốc. Những biểu tượng của Bắc Âu hay Địa Trung Hải mọc lên khắp nơi. Chúng ta không thể đem những điều đó để quảng bá về Phú Quốc. Những sản phẩm đó chỉ hấp dẫn với khách hàng chưa tới châu Âu. Khách Trung Quốc, Nga thì họ đã du lịch Ý từ rất lâu rồi. Tôi không nghĩ họ bay tới Phú Quốc để xem những công trình giả.
Tất nhiên những công trình này vẫn có nhịp sống riêng, bằng chứng là thu hút lượng khách nội địa dồi dào. Nếu có cách khai thác phù hợp thì chúng vẫn đem lại nguồn thu. Nhưng không thể vì thế mà chạy theo, làm mất vẻ đẹp hoang sơ, bản địa nhất của Phú Quốc.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Yên hay Bình Định… đều phải phát triển du lịch biển bền vững. Đây chính là một điều kiện quan trọng để thu hút du khách quốc tế. Chúng ta cần có những bộ hành xử quy củ với những địa phương khai thác du lịch biển, bảo tồn những hệ sinh quyển mà mất hàng trăm, hàng triệu năm mới hình thành được. Chúng ta cầm vàng trong tay đừng để vàng rơi. Khi phát triển du lịch biển đảo phải có sự tham gia của các nhà khoa học.
Ông Hà Văn Siêu: Tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa, chỉ có khai thác về văn hoá mới mãi mãi trường tồn, bền vững. Nếu chúng ta lấy những thứ từ nơi khác về mà quên đi sự hấp dẫn của chính mình thì sớm muộn cũng đánh mất chính mình. Đó là bài học, ở đây bài học không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn là cho nhà quản lý phê duyệt các dự án đầu tư. Họ phải có tầm nhìn, có sự tôn trọng văn hoá bản địa, tài nguyên mà địa phương mình có, phải biết giữ cho tương lai, phải biết khai thác nó một cách bền vững.
Có lẽ chúng tôi phải kiến nghị giải pháp thực hiện các quy hoạch, để làm sao cấp có thẩm quyền khi phê duyệt quy hoạch các dự án đầu tư phải có những quy định gắn với bảo tồn văn hoá.
Nhà báo Linh Trang: Đối với du lịch, văn hoá bản địa là yếu tố cốt lõi, vậy để giữ gìn văn hoá bản địa phục vụ phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng thì chính quyền địa phương có vai trò quan trọng thế nào?
Ông Hà Văn Siêu: Chính quyền phải nhận thức rõ người dân địa phương mới là chủ nhân của điểm đến. Việc phát triển một vùng đất suy cho cùng cũng để phục vụ lợi ích cuộc sống của người dân ở đó, để nó phồn vinh hơn. Người dân phải được tham gia vào hoạch định chính sách, tham gia vào quá trình phát triển và được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Các địa phương khuyến khích đầu tư từ bên ngoài nhưng cũng không bỏ qua vai trò của nhà đầu tư bản địa. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng như khuyến khích sự tham gia, phát triển của các doanh nghiệp địa phương. Bới, nếu quá lệ thuộc vào nguồn đầu tư từ bên ngoài chúng ta sẽ mất bản sắc bên trong.
Đổi mới thể chế là cần thiết nhưng không bỏ qua những nguyên tắc, không bỏ qua những yếu tố đặc thù địa phương, không đốt cháy giai đoạn, không đánh đổi những giá trị về văn hoá, môi trường cũng như xã hội để lấy sự phát triển.
Ông Trần Việt Anh: Không chỉ du lịch biển mà về phát triển du lịch, phát triển kinh tế nói chung thì tôi nghĩ chính quyền địa phương đều đóng vai trò then chốt trong bài toán quy hoạch và phê duyệt quy hoạch. Khi chúng ta đã có chiến lược quy hoạch phù hợp thì phải làm rõ việc tuân thủ quy hoạch đó như thế nào. Không thể để tồn tại tình trạng, năm nay đưa vào quy hoạch nhưng vài năm sau lại thay đổi để phục vụ lợi ích của cá nhân hay nhóm cá nhân.
Trong làm du lịch, tôi quan điểm phải lấy cái gốc địa phương làm đầu. Chúng ta phải tôn trọng tiếng nói, bản sắc, phong tục tập quán của dân địa phương. Người ta không bao giờ muốn đến Việt Nam để xem mô hình Địa Trung Hải, mà người ta muốn thưởng thức vẻ hoang sơ, khác biệt của địa phương. Trong bài toán đó, theo tôi vai trò của địa phương là cực kỳ quan trọng vì họ là người cầm trịch, điều phối. Các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người dân phải thượng tôn pháp luật.
Ông Đặng Bảo Hiếu: Tôi thấy trường hợp Phú Quốc là trường hợp rất cần xem xét kỹ càng. Khi du lịch phát triển, người sống ở Phú Quốc lại không còn phải là người dân gốc. Người dân bản địa đã bán đất và đi làm việc khác. Rất ít các nghề truyền thống còn được tồn tại, chỉ còn đâu đó nghề làm nước mắm, đánh bắt hải sản… Nhân lực phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn lại chủ yếu từ nơi khác tới. Khi chính quyền không có sự kiểm soát, chế tài cần thiết đã khiến hình ảnh du lịch Phú Quốc và con người Phú Quốc méo mó trong mắt du khách.
Phát triển nóng quá khiến Phú Quốc thiếu nhân lực, buộc phải nhập cư người nơi khác, đồng nghĩa họ mang theo những văn hoá, tập tục, kể cả món ăn nơi khác đến. Chính quyền địa phương phải nhận thức đúng thực trạng để có sự kiểm soát.
Ông Hà Văn Siêu: Chúng tôi cùng tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc đang chuẩn bị một sự kiện quốc tế là Hội chợ Du lịch Châu Á Thái Bình Dương tại Phú Quốc. Mục đích là để Phú Quốc quay trở lại trong con mắt các nhà du lịch chuyên nghiệp và cho họ cách nhìn mới về hòn đảo này.
Quay về vấn đề “văn hoá bản địa”, nói nghe mỹ miều nhưng hiểu đơn giản nhất là tôn trọng cái mình có chứ, đừng học đòi theo người khác.
Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ Bàn tròn tại đây:
Thực hiện: Ban VietNamNet đa phương tiện
Ảnh: Phạm Hải
Thiết kế: Nguyễn Ngọc