

Chương trình tọa đàm "Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?" phát ngày 14/2 với phần bàn luận sâu của các khách mời về cốt lõi nội dung này đã thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu phần 2 của tọa đàm với những giải đáp thẳng thắn, cụ thể các câu hỏi bạn đọc gửi tới PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD-ĐT), TS Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam và TS Nguyễn Bội Quỳnh (Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
Quý vị có thể xem lại phần 1 bàn tròn Tại đây:
Tôi muốn hỏi TS Nguyễn Bội Quỳnh. Được biết giáo viên trường công muốn dạy thêm bên ngoài phải thông báo với hiệu trưởng. Vậy nhà trường sẽ triển khai các biện pháp nào để giám sát giáo viên, đảm bảo việc dạy thêm đúng quy định? (Độc giả Đức Tuấn, ở Bắc Giang)
TS Nguyễn Bội Quỳnh: Quy định giáo viên dạy thêm bên ngoài phải thông báo với hiệu trưởng - đây là trách nhiệm của thầy cô chứ nhà trường không phải cử người đi giám sát, chạy theo để kiểm tra. Trong vấn đề này, nhà trường là nơi tiếp nhận thông tin.
Thưa TS Nguyễn Tùng Lâm, giống như con tôi, tôi nhận thấy bây giờ hầu như học sinh nào cũng đi học thêm, nhất là trước các kỳ thi lớn. Theo ông, liệu có cách nào để giúp học sinh học giỏi mà không cần học thêm không? Phụ huynh như chúng tôi phải làm gì để con - vốn đã quen học thêm từ bé - nay bớt đi - mà vẫn đảm bảo kiến thức? (Độc giả Lan Anh, Phú Thọ)
TS Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta đang hướng tới phát triển năng lực của trẻ mà không cần học thêm. Quá khứ, chúng ta học thêm từ cấp 1 - cấp 3, thậm chí đến đại học vẫn đi học thêm. Chúng ta đang sống dựa vào học thêm chứ không phải từ năng lực nhận thức của mỗi người. Đó là điều sai lầm cần bỏ.
Tôi đảm bảo học sinh học giỏi không cần học thêm vì các em học giỏi là đã được rèn luyện năng lực tư duy nhất định. Thứ hai, các em luôn luôn có ý thức mang kiến thức mình học được vận dụng, giải đáp bài toán thực tế trong cuộc sống mình gặp phải.
Các bài thi của chúng ta hiện nay không thể cậy nhờ sách vở được học thuộc. Phụ huynh nếu con học giỏi hãy cứ yên tâm để con học, tìm môi trường để con vận dụng kiến thức vào thực tế phù hợp với năng lực. Bố mẹ tạo điều kiện, nuôi dưỡng, cho con đi theo năng lực chứ không phải theo ý mình mong muốn.
Thế hệ chúng tôi không có chuyện học thêm, chỉ bảo nhau tự học. Thầy còn có thể là sách vở, là kiến thức xã hội và là chính cuộc sống của mình. Cuộc sống dạy mình rất nhiều điều.
Với những học sinh khá, phải khơi gợi xem chúng có năng lực, mong muốn gì. Từ những mong muốn, năng lực ấy, chúng sẽ tìm cách khẳng định bản thân. Tôi nghĩ rằng bố mẹ nào cũng đều có kỳ vọng ở con. Kỳ vọng là điều không sai nhưng nếu kỳ vọng quá lớn sẽ gây áp lực cho trẻ. Do đó, phụ huynh cần giảm kỳ vọng, tăng kỳ công với con, tìm mọi hoàn cảnh để con phát triển chứ không phải chỉ so sánh với con người ta. Nhiều khi áp lực quá sẽ làm thui chột những cái chúng đang mong muốn.

Tôi là giáo viên tiểu học, chỉ hướng dẫn học sinh luyện chữ đẹp và rèn kỹ năng trước khi vào lớp 1, tôi có vi phạm Thông tư 29 không? Nếu muốn tiếp tục dạy hợp pháp, tôi cần làm gì? (Hà Anh, Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thông tư 29 quy định không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống…
Cô dạy trẻ mầm non, cũng không phải dạy chương trình giáo dục phổ thông, chỉ là rèn viết chữ đẹp, thì không phải phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29.
Trong chương trình tiểu học có những nội dung thuộc về rèn luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao, kỹ năng… Đặc thù của tiểu học là các con không phải lúc nào cũng học từ sách vở, như lớp 1 còn chưa đọc được bao nhiêu.
Trong thông tư có phụ lục, gồm phiếu cần khai nộp cho hiệu trưởng nếu thầy cô muốn dạy bên ngoài. Trường hợp dạy "chui", không báo hiệu trưởng, giáo viên có chế tài xử lý theo quy định.
Tôi là giáo viên THCS dạy Toán, trước đây tôi có lớp dạy thêm tại nhà nhưng giờ không được phép nữa. Nếu tôi chuyển sang dạy trực tuyến qua Zoom hoặc Google Meet thì có được phép không? (Lan Ngân, Ninh Bình).
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thứ nhất, từ trước đến nay thầy đang làm sai. Việc cấm tổ chức dạy thêm học thêm không phải chỉ quy định tại Thông tư 29 mà từ Thông tư 17.
Thứ 2, về việc tổ chức dạy thêm học thêm, Thông tư 29 không hề nói theo hình thức nào, dạy ở nhà là trực tiếp hay online cũng là dạy thêm. Thầy có thu tiền thì không được dạy chính học sinh của mình và phải đăng ký kinh doanh. Thầy thuộc biên chế cũng không được đăng ký kinh doanh.
Tôi có con lớp 6 và có nhu cầu nhờ nhà trường bổ trợ, quản lý con vào buổi chiều (cháu học chính khóa buổi sáng). Vậy tôi có thể làm đơn đề nghị hay kêu gọi, gom nhóm những phụ huynh có nhu cầu như mình để nhờ nhà trường sắp xếp hỗ trợ không? (Linh Anh, Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thứ nhất, tôi muốn nói về phía nhận thức của phụ huynh. Mục đích gửi con ở trường để nhốt các cháu ở đấy? Lớp 6 có cần trông hay không?
Khía cạnh thứ 2, nếu nhà trường có nhận, phụ huynh cũng phải xem lại trách nhiệm của mình. Trong việc tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, không phải chỉ đưa học sinh vào lớp để dạy. Lớp 6 là thuộc THCS, ngay cả tiểu học cũng vậy, khi triển khai chương trình 2018, Bộ ban hành một công văn khá nổi tiếng - 5512, hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng vai trò của mình là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập của học sinh chứ không phải chỉ dạy. Trong 45 phút thầy dạy nhiều, trò làm ít và chỉ có bằng ấy thời gian, thầy nói hết rồi thì trò làm gì nữa?
Thầy cô soạn bài làm sao để giao việc cho học sinh làm bài, sau đó kiểm tra hỗ trợ, cho các em trao đổi với nhau để phát triển các năng lực khác, rồi mới kết luận. Nếu làm như thế, năng tự học của học sinh sẽ được rèn ngay từ trong từng bài học của chương trình và khi hết giờ, học sinh vẫn còn nhiều thứ có thể phải tự làm tiếp.
Thậm chí có nhiều hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn, với câu hỏi mở mà học sinh sẽ phải thực hiện bên ngoài lớp học. Lúc bấy giờ, trường vẫn còn không gian, tại sao lại đuổi các cháu ra khỏi trường? Trường là của công, có bảo vệ mà? Các cháu được ở lại trường, chẳng phải gửi đơn hay nộp tiền gì cả. Học sinh sẽ làm tiếp với nhau các hoạt động vận dụng cô giao.
Nhưng vận dụng ở đây không phải là giao cho một tờ phiếu để làm bài tập. Vận dụng là hôm nay học môn hóa chất này, trong bữa cơm nhà con xem có các hóa chất gì. Hay học giãn nở về nhiệt, học sinh xem ở nhà có chỗ nào cần phải chống giãn nở nhiệt không.
Có rất nhiều hoạt động khác đều vận dụng kiến thức với nhiều câu hỏi mở, để dành thì giờ cho trẻ con làm và viết ra rồi nộp cho cô. Tất cả những không gian, thì giờ ấy trong nhà trường cần phải tặng cho các cháu. Thư viện có, cần mở ra. Tôi tin là nhân viên thư viện không làm việc một buổi mà làm cả ngày để mở phòng thư viện cho các em được đọc sách… Một kế hoạch giáo dục nhà trường mà vỏn vẹn chỉ có thời khóa biểu thì có đúng không?
Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu một ngày có 8 tiết mà trẻ con phải ngồi 8 tiết trong lớp, không chính khóa học thêm, các em hoạt động vào lúc nào để đạt được năng lực mong muốn?
Câu hỏi này trả lời cho phụ huynh nhưng tôi muốn nói rộng ra để nhà trường thấy phải có trách nhiệm đối với các học sinh đã tin tưởng đến trường mình.

Em đang luyện thi vào lớp 10 và rất cần học thêm Văn. Cô giáo chủ nhiệm em dạy Văn rất tốt, rất tâm huyết và em cảm thấy muốn tiếp tục theo học cô. Em có thể viết đơn xin học hay thực hiện thủ tục nào để được cô dạy tiếp mà cô không vi phạm quy định không? (Chu Ngân, Vĩnh Phúc).
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Cô giáo dạy văn tốt và hay chắc chắn có phương pháp tốt. Như vậy trên lớp cô cũng dạy đủ rồi, đương nhiên cô sẽ giao thêm bài tập về nhà, yêu cầu học sinh viết, đọc, làm gửi cô chấm, góp ý. Tại sao em lại phải viết đơn để xin học thêm nữa?
Quan trọng nhất là cô dạy ít trò học nhiều chứ không phải cô dạy nhiều để trò học ít. Em Chu Ngân phải xem lại việc này. Em có ý thức như vậy, thầy tin rằng nếu em cứ tiếp tục hỏi: “Cô ơi, cho em xin một bài nữa em viết”, chắc chắn cô sẽ cho thêm hỏi, không cần thu tiền; hay em nói: “Cô ơi em viết xong rồi, cô góp ý giúp em”, cô sẽ góp ý, không thu tiền. Em không cần viết đơn, cứ làm thế, chắc chắn cô không thể từ chối được!
TS Nguyễn Bội Quỳnh: Các giáo viên phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Theo đó nhiệm vụ của giáo viên dạy trên lớp là cung cấp kiến thức và hướng dẫn các con htứ, tức là phải chịu trách nhiệm với kết quả kiểm tra của học sinh.
Giáo viên dạy hay là điều đáng mừng nhưng không có nghĩa là vì thế mà phụ huynh tập hợp mọi người làm đơn để muốn cô dạy thêm cho con. Cô có dạy kiểu gì cũng không đúng quy định vì Thông tư 29 có nói rõ giáo viên không dạy thêm cho học sinh chính khóa và có dạy thì không thu tiền. Học sinh cứ yên tâm học, tôi tin giáo viên không tiếc thời gian cũng không ngại rà soát lại kiến thức cần thiết giúp học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi khuyến khích giáo viên phải chặn quán tính của học trò. Với những học sinh giỏi rồi không cần học thêm nữa. Giáo viên hướng dẫn thêm cho các em tự tin, tin vào năng lực của bản thân để vượt qua khó khăn, dựa mãi vào người khác sẽ không thể phát triển.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Nhân đây tôi muốn nói thêm một ý. Thầy cô phải chặn quán tính muốn học thêm. Thấy các em muốn học mình lại đồng ý là không đúng. Trong hướng dẫn, nếu luyện tập thì số lượng bài tập là tối thiểu, số dạng bài tập là tối đa. Nếu thầy giỏi, số bài tập ít nhất, học sinh có năng lực tốt nhất. Nếu một người thầy giỏi trong một giờ đã không ra 2 bài tập giống nhau.
Có người bình luận khá thú vị: “Thời của dạy thêm ở trung tâm lên ngôi”, hay có ý kiến của một thầy giáo rằng, khi siết dạy thêm trong nhà trường, nhiều học sinh, thầy cô sẽ tìm tới các trung tâm và khi đó, học trong nhà trường có thể yếu thế so với ngoài trung tâm. Ông/bà nghĩ sao về điều này? (Độc giả VietNamNet)
TS Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta đừng lo cấm dạy thêm trong nhà trường, trung tâm lại phát triển. Nếu giờ đây, mỗi phụ huynh, học sinh nhận thức được việc tự học sẽ không sợ bị cạnh tranh. Chúng ta chỉ sợ trong nhà trường không đủ thầy cô dạy giỏi.
Thông tư 29 nếu được thực hiện một cách triệt để, đúng đắn, thầy cô, nhất là hiệu trưởng nhận thức được để định hướng, bồi dưỡng cho giáo viên của mình, tôi chắc chắn bên ngoài sẽ thất nghiệp.
TS Nguyễn Bội Quỳnh: Nếu đội ngũ trong trường tốt, giảng dạy có hiệu quả, những trung tâm ở ngoài không có nhiều cơ hội.
Bài toán đặt ra đối với các nhà trường là luôn đầu tư nâng cao chất lượng, các thầy cô phải đổi mới phương pháp dạy học vì không phải cứ bê giáo án lên lớp là có thể dạy. Trong một nhà trường cũng có nhiều lớp với học sinh trình độ khác nhau nên chính thầy cô phải có kiến thức vững vàng, đầu tư sâu về chuyên môn, luôn tìm hiểu kiến thức mới và chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình...
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Lúc nãy tôi có nói chúng ta không đặt giả thuyết nhu cầu học thêm là một hằng số mà cần phân bạch rõ ràng trách nhiệm của nhà trường và thầy cô khi giáo dục trong nhà trường. Không lẫn lộn sáng dạy chính chiều dạy thêm, không lấy dạy thêm làm chính, dạy chính lại trở thành phụ. Khi đã tách bạch, thầy cô đã làm hết trách nhiệm của mình, cộng với các giải pháp quản lý trong nhà trường, nhu cầu học thêm dạy thêm sẽ giảm.
Bộ đang có giải pháp tổng thể về việc này chứ không chỉ Thông tư 29, để giảm nguồn (nhu cầu học thêm dạy thêm). Chúng tôi không chặn chỗ này, tràn chỗ khác.
Tất nhiên còn cần các biện pháp khác như tăng chất lượng dạy trong nhà trường, cân bằng giữa các trường lớp. Ngoài giải pháp từ phía nhà nước, phụ huynh cũng cần thay đổi. Con mình đang yếu chỗ này đừng bắt lao vào chỗ sở trường của con người khác.

Theo thông tư 29, các nhà trường sẽ dừng dạy thêm nhưng có thể xuất hiện dạy thêm “trá hình” dưới hình thức “câu lạc bộ toán/văn,...” tự nguyện đóng phí... Tức về bản chất vẫn là dạy thêm, chỉ khác tên gọi. Bộ có lo ngại vấn đề “bình mới rượu cũ” và có dự kiến hướng xử lý thế nào?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Các hoạt động giáo dục trong nhà trường được tổ chức dưới nhiều hình thức. Theo khoản 2 Điều 19 Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, việc thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các hình thức: học lý thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, hoạt động phục vụ cộng đồng, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ...
Vì vậy, chúng ta đừng nói “câu lạc bộ” ở những hình thức “câu lạc bộ Toán/Văn,...” đóng phí như thế. Quản lý không thể theo kiểu quản lý mỗi cái tên. Vì vậy, hiệu trưởng, nhà trường và các cơ quan phải quản lý tận cùng hoạt động đó, bản chất nó như thế nào,...
Cơ quan quản lý thì phải giám sát, theo dõi và kiểm tra. Người dân cũng phải giám sát vì quyền lợi của con em mình. Do đó, nếu tổ chức dưới những hình thức câu lạc bộ quan trọng là bản chất của hoạt động trong câu lạc bộ đó như thế nào. Nếu học câu lạc bộ mà học sinh vẫn được xếp vào một lớp, giáo viên vẫn nói từ đầu đến cuối, vẫn đưa bài tập để giải rồi chữa... đó là “trá hình” và không được tổ chức.
Nhưng nếu hoạt động câu lạc bộ mà học sinh được thực hiện những nhiệm vụ thầy cô giao từ trước, được trình bày quan điểm, chia sẻ, trao đổi với nhau; để đạt được yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện phát triển kỹ năng thì tại sao chúng ta phải cấm?
Những điều đó là học sinh được tự học, rất tốt, có thể vất vả nhưng vui vẻ. Việc này trong cơ sở giáo dục, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm; có giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý.
Nếu cấm dạy thêm, học thêm những gia đình có điều kiện vẫn có thể thuê gia sư 1 kèm 1 cho các môn, nếu vậy có còn sự công bằng giữa các em hay không? Các trường tư hiện nay dạy tăng tiết đối với các môn chính thì có phải vẫn tạo ra sự bất công trong giáo dục hay không? (Đỗ Văn Cửu, Thuận An, Bình Dương)
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Khi gia đình có điều kiện thuê gia sư - đó là quyền của người dân. Những người có điều kiện thuê gia sư cũng đủ thông minh để không phải đem con mình ra chỉ để nhồi nhét kiến thức. Trong khi, các phụ huynh hiện nay, lứa tuổi toàn 8X, 9X nhận thức tân tiến. Quan niệm công bằng không nằm ở điều này. Song, cũng cần đặt vấn đề rằng chắc gì con em gia đình có điều kiện, học gia sư đã giỏi hơn con em của những nhà không có điều kiện để học gia sư mà tự nỗ lực, mày mò?
Với Thông tư 29, không quy định trường công - tư. Trường tư cũng phải xây dựng kế hoạch giáo dục, vẫn một chương trình đó và phải thực hiện như vậy. Nếu trường tư tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và buổi chiều xếp học sinh vào học như trước đây cũng bị coi là dạy thêm. Còn nếu họ tổ chức 2 buổi/ngày, buổi còn lại ngoài chính khóa tổ chức các hoạt động, chúng ta cần khuyến khích.
Thực hiện: Ban Giáo dục
Ảnh: Lê Anh Dũng; Video: Xuân Quý - Huy Phúc - Bạt Tuấn