Trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Thái. Đặc biệt hàng năm, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành các nghị quyết về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Thái.
Nghề dệt thổ cẩm ở bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn là nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Đã có giai đoạn nghề dệt thổ cẩm nơi đây đứng trước nguy cơ mai một. Để khôi phục làng nghề truyền thống, chính quyền và người dân nơi đây đã có nhiều nỗ lực để phát huy hiệu quả nghề dệt, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.
Theo chính quyền xã Con Cuông, trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm của người Thái trên địa bàn có nguy cơ mai một, thất truyền, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, nòng cốt là Hội Phụ nữ xã làm hạt nhân để tuyên truyền vận động bà con trong các bản khôi phục nghề dệt truyền thống. Để bà con có vốn sản xuất xã đã chủ động làm việc với huyện, với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn để mua nguyên liệu đầu tư. Đặc biệt, chính quyền cũng vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra tổ chức thành lập các tổ sản xuất, các HTX để tiến tới chuyên nghiệp hóa nghề dệt.
Từ năm 2014, sau khi được UBND huyện Con Cuông công nhận làng có nghề, nghề dệt thổ cẩm ở Làng Xiềng đã có bước phát triển mới; các thợ dệt đã được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ nghề, tạo ra nhiều loại sản phẩm như: khăn, váy, áo... với những nét họa tiết, hoa văn phong phú, độc đáo được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và ưa chuộng.
Việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở bản Xiềng đã góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Ngoài ra còn giúp các gia đình có thêm việc làm với mức thu nhập bình quân 1,1 triệu đồng/tháng.
Với những kết quả đạt được, năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định trao Bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm bản Xiềng.
Hiện nay huyện Con Cuông đã thành lập được nhiều tổ dệt thổ cẩm ở các bản trong xã. Bước đầu các hợp tác xã đã hoạt động có hiệu quả và tạo việc làm ổn định. Hợp tác xã đã cử một số chị em đi các nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... để học hỏi. Sau những lần đi thăm quan, học hỏi từ các địa phương trong, ngoài tỉnh, bà con đã sáng tạo nên những mẫu mã mới, cách làm mới, giúp sản phẩm địa phương được phong phú và đa dạng hơn.
Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An. Nếu như trước đây sản phẩm dệt của đồng bào chủ yếu quanh quẩn trong các bản làng thì nay, sản phẩm của họ được kết nối với thị trường trong và ngoài nước, từng bước gắn kết du lịch với quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Hữu Duyên, Hồng Hạnh, Thế Long, Vân Anh