GIA ĐÌNH GỐC HÀ NỘI GÓI 175 CHIẾC BÁNH CHƯNG ĐÓN TẾT
Mỗi dịp cận Tết, "ngôi nhà lớn" của ông Nguyễn Nhật Tĩnh ở nội thành Hà Nội lại đông đúc như một khu tập thể khi 70 người trong gia đình tổ chức chong đèn, bắc bếp và gói bánh chưng đón Tết. Hoạt động truyền thống này được các thành viên giữ gìn đã vài chục năm qua.
"Thông báo chương trình hai ngày cuối tuần 17 và 18 tháng Chạp. Buổi sáng thứ Bảy: 8h30' cọ lá dong tại sân thượng nhà ông Tình bà Dung. Chủ đề của gia đình năm nay là "Vui như Tết". Vậy lấy tinh thần xung phong, cháu nào bận, ở xa thì thôi. Mỗi gia đình các ông bà cố gắng cử một người tham gia. Ông Tĩnh chỉ đạo chung. Nếu thời tiết mưa rét thì thời gian lùi lại ngày hôm khác".
Phần tin nhắn được ông Nguyễn Nhật Tĩnh gửi vào nhóm chung của đại gia đình hồi đầu tháng Chạp. Mỗi năm, đến dịp cận Tết, đại gia đình 70 thành viên gồm 3 thế hệ ở quận Cầu Giấy lại rục rịch tổ chức gói bánh chưng. Là một gia đình gốc Hà Nội truyền thống, hoạt động này được ông Tĩnh gìn giữ vài chục năm nay thành một nếp quen trong dòng họ.
Sáng thứ Bảy, Hà Nội đang trong đợt mưa rét đỉnh điểm, mọi người trong gia đình vẫn cố gắng hoàn tất rửa lá dong trên sân thượng. Trời không mưa, từ trẻ nhỏ đến cụ già đều khoác áo, đội mũ len, xắn tay vào làm, mỗi người một việc. Gần 1.000 chiếc lá dong gia đình mua từ Hưng Yên được rửa sạch sẽ rồi đem phơi ráo nước.
Mấy đứa nhỏ là thế hệ thứ ba trong nhà hôm nay được nghỉ học. Chúng chạy nô đùa bên những chậu lá còn xanh mới. Không giúp được nhiều nhưng những buổi gia đình quây quần chuẩn bị Tết chưa bao giờ vắng tiếng cười nói của chúng. Thỉnh thoảng, những cậu bé như Gấu, Boo lại được ông bà chỉ cho cọ lá dong phải làm như nào: Vuốt nhẹ theo chiều gân lá; rửa 3 lượt nước rồi buộc lạt đem phơi... Chờ độ vài ngày cho lá mềm, cả nhà sẽ bắt đầu gói bánh.
7h ngày 24 tháng Chạp, gia đình tề tựu đầy đủ. Hôm đó là cuối tuần, đám trẻ con trong nhà cũng được nghỉ học. Khu vực gói bánh được chia làm hai gian: nơi gói bánh chưng khuôn và không dùng khuôn. Gạo, đỗ đã được các chị em chuẩn bị cách đó một ngày. Thịt lợn đặt nguyên con từ lò mổ, nhận vào sáng sớm lúc 5h rồi tẩm ướp.
Tiếng nhạc Tết vui vẻ hòa lẫn tiếng cười nói vang lên trên tầng 2 của căn nhà người con út Nguyễn Nhật Nguyện, cũng là nơi đặt ban thờ gia tiên. Mỗi dịp cúng giỗ, lễ Tết, đây là nơi tụ họp của cả nhà.
- Bin đâu, Bu đâu? Lại đây ông dạy gói bánh nào.
- Đúng rồi con nhấc khuôn nhỏ ra. Dùng tay gấp mép lá vào giúp ông.
- Phải rồi, cánh tay con giữ chặt nhé, miết gọn gàng lại nào.
...
Ông Tĩnh cẩn thận hướng dẫn những đứa cháu của mình cùng làm bánh. Đứa nhỏ thì ngồi lòng ông, đứa thì kế bên vai phụ ông xúc gạo, đỗ. Chiếc bàn gỗ dài quây quần lại, người gói, người buộc theo một dây chuyền ăn khớp. Thỉnh thoảng ông Tĩnh quay ra khen mấy đứa cháu, khẳng định rằng "giỏi thế này sang năm thay ông gói bánh được rồi nhé" khiến đám nhỏ cười tít mắt.
"Cái vui nhất chính là cả nhà cùng bên nhau chuẩn bị đón Tết. Thời buổi kinh tế phát triển, mua đâu cũng được bánh chưng, chưa kể cận Tết ai nấy cũng bận rộn. Nhưng dành thời gian cạnh nhau, giữ cái nếp đã theo cả nhà vài chục năm tôi nghĩ không mấy gia đình còn làm được", ông Tĩnh chia sẻ với phóng viên.
Ông Tĩnh kể chuyện ngày xưa, từ thời bao cấp mỗi nhà được phát vài cân gạo, phần thịt... rồi cũng gom chung lại để làm bánh. Bánh làm xong chia đều cho mỗi gia đình nhỏ mang về thắp hương. Đến nay số lượng gia đình nhỏ trong nhà là 15, dự kiến gói 175 chiếc bánh.
16h, những chiếc bánh truyền thống đã gói xong được chuyển ra bờ sông đối diện nhà để nhóm lửa, bắc bếp. Mấy đứa cháu nhỏ cũng lăng xăng phụ việc, chúng xếp hàng truyền bánh để đưa vào nồi nhôm, vừa làm việc vừa khúc khích cười, nói. Chỉ 15 phút sau, số bánh của gia đình được xếp gọn trong hai chiếc nồi để luộc. Lịch trình hàng năm đều giống nhau, đại gia đình cùng nhóm bếp lửa, cử người trông bánh cả đêm rồi sớm hôm sau lại tập trung cùng rửa và vớt.
20h, gia đình quây quần dùng bữa tối trong chiếc rạp bắc ở chân nhà. Lúc này bà Kim Anh (con dâu út) vẫn ngồi bên nồi bánh đỏ lửa, nhấm nháp củ khoai nướng nóng hổi. Bà kể, về làm dâu trong nhà mấy mươi năm, được bố mẹ chọn ở cùng rồi sau này các cụ mất, bà và chồng đại diện giữ hương hỏa. Mỗi dịp gia đình đoàn tụ, bà luôn cảm giác ấm áp, thân thuộc.
"Tôi thấy biết ơn gia đình bởi luôn yêu thương nhau, người trước dạy người sau làm sao để tình cảm anh em thuận hòa, lấy nhà làm gốc. Từ thời ông bà, bố mẹ, đến nay chúng tôi đầu đã điểm hoa râm, cái lề cái thói vẫn được giữ gìn như vậy", bà Kim Anh xúc động.
Nồi bánh đỏ lửa thâu đêm, nước liên tục được đổ thêm để ninh trong 13 tiếng. 23h, đường Hà Nội vắng xe, đêm xuống tịch mịch, nồi bánh còn 2-3 người trông. Những câu chuyện ngắn dài, tiếng thủ thỉ bên bếp củi bập bùng nhắc những con người Hà thành trở về xưa cũ, tách bạch với nhộn nhịp tất bật của cuộc sống hàng ngày.
6h, trời tảng mảng sáng, hai chiếc nồi nhôm lúc này cũng đã hoàn thành "sứ mệnh". 5-6 anh chị em của ông Tĩnh đều có mặt để vớt bánh. Mỗi người phụ một tay, nhấc bánh, rửa nước sạch rồi đem xếp ra bàn. Những chiếc bánh chưng xanh mềm thơm mùi lá nóng hổi đã được hoàn tất.
Ông Tĩnh cầm thêm cành đào nhỏ, đặt cạnh chiếc xe đạp xưa cũ, vui vẻ cười nói trong một sớm cận Tết: "Mỹ mãn, lại một năm nữa thật vui anh chị em ạ. Ít năm nữa tay tôi có run, chân tôi có chậm thì vẫn yên tâm con cháu nó gói bánh cho ăn rồi".
Ông Tĩnh cũng tâm sự thêm, có thể với nhiều người, Tết năm nào mà chẳng giống nhau hoặc thời buổi kinh tế phát triển, dành thời gian kiếm tiền rồi Tết ra ngoài mua sắm cho nhanh gọn. Nhưng ở tuổi ngoài 60, ông vẫn thấy Tết là êm ấm, là mỗi năm lại thêm gắn kết và chẳng khi nào Tết thôi "đặc biệt" trong lòng người con của mảnh đất Hà thành.