Khung nội dung
Lời tòa soạn:

Hiện, gần 100% giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương. Chủ trương này góp phần nâng cao bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Một trong những dấu ấn của chủ trương trên là Giám đốc Công an không phải người địa phương giải quyết các vụ án tồn đọng, phức tạp. Báo VietNamNet khởi đăng loạt bài về những chuyển biến tích cực tại địa phương khi thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương về việc sắp xếp cán bộ.

 

Khung nội dung

Tháng 7/2020, Đại tá Vũ Hồng Quang khi đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng.

Ba năm qua, tình hình an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở tỉnh Cao Bằng khởi sắc với nhiều thành tích được Chính phủ, Bộ Công an ghi nhận. Đáng nói là hai năm liên tiếp (2020-2021) đơn vị được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an (từ năm 2011-2019, đơn vị chưa nhận được sự ghi nhận này). Đảng bộ Công an tỉnh 3 năm liền được Tỉnh ủy xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều đơn vị trực thuộc được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tặng Cờ thi đua, Bằng khen…

Vị giám đốc công an không phải quê Cao Bằng nhiều lần nhấn mạnh với PV VietNamNet: “Tất cả những thành tích của Công an tỉnh thời gian qua là công sức tập thể, là sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ và tiếp nối những chiến công của đơn vị qua nhiều thế hệ”.

Khung nội dung

Khi được hỏi về cảm xúc trong ngày nhận nhiệm vụ tại Cao Bằng, Đại tá Vũ Hồng Quang cho biết bên cạnh việc hào hứng với công việc mới, địa bàn mới thì trong suy nghĩ khi ấy có những lo lắng nhất định.

Đó là thời điểm đại dịch Covid-19 đang trong giai đoạn căng thẳng nhất, tỉnh Cao Bằng có đường biên với Trung Quốc kéo dài hơn 333 km đối mặt với tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, Cao Bằng là nơi chung sống của 95% đồng bào dân tộc thiểu số, một số tà đạo, tổ chức bất hợp pháp đã hình thành từ lâu, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh địa phương. Ngoài ra, nơi đây cũng là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy và tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường.

Khung nội dung

Đại tá Vũ Hồng Quang, Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng.

Khung nội dung

“Tôi có rất nhiều việc phải làm khi nhận nhiệm vụ tại Cao Bằng, một trong số trọng tâm tôi hướng đến đầu tiên là chấn chỉnh kỷ cương, sắp xếp cán bộ phù hợp với nhiệm vụ; hai là nâng cao hoạt động nghiệp vụ và ba là phối hợp với cấp ủy, chính quyền để làm tốt công tác tham mưu triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm”, Đại tá Quang chia sẻ.

Đại tá Quang cho biết, chỉ vài tháng đầu thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đã xử lý kỷ luật trên 30 cán bộ, chiến sỹ vi phạm. Động thái trên theo ông Quang nhằm cải thiện tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đồng thời giúp hình ảnh người công an đẹp hơn trong mắt nhân dân. 

Trong công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh Cao Bằng triển khai việc hàng tuần, ban giám đốc Công an tỉnh trực tiếp nghe các phòng báo cáo tình hình, kết quả và định hướng. Những cuộc giao ban này, theo ông Quang là cách để nắm bắt tình hình chi tiết, từ tiến độ điều tra, xác minh đến lắng nghe tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sỹ.

Mặc dù là người từ địa phương khác về, tuy nhiên ông Vũ Hồng Quang cho rằng, bản thân may mắn khi nhân dân Cao Bằng luôn chào đón. Theo ông, việc cần làm là vận dụng kinh nghiệm, bản lĩnh và sự chân thành để trong thời gian nhanh nhất hòa nhập với môi trường mới.

Khung nội dung

Trong giai đoạn 2020-2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã xử lý nhiều vụ việc được nhận định là chưa có trong tiền lệ. Nổi bật trong số đó là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm đưa người xuất nhập cảnh trái phép và các hoạt động hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn.  

Đối với công tác phòng chống tham nhũng, từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố mới 30 vụ án, 122 bị can với tổng tài sản thiệt hại ban đầu xác định trên 30 tỷ đồng. Trong số đó có 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Khung nội dung

Đại tá Vũ Hồng Quang cùng các lực lượng đi kiểm tra địa bàn ở huyện Bảo Lạc. 

Khung nội dung

Trong số các bị can bị khởi tố có nhiều người giữ chức vụ từ nguyên giám đốc Sở đến lãnh đạo Sở đương nhiệm, các lãnh đạo cấp huyện và xã phường…

Vào tháng 4 năm nay, dư luận dồn sự chú ý về vụ việc Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trọng Phùng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan đến việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm biến động tăng 236m2 đất ở đô thị, gây thất thoát gần 9 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2022, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng Hà Minh Trần bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đáng chú ý, đại diện một doanh nghiệp cũng bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng ngân sách.

Khung nội dung

Đại tá Vũ Hồng Quang: "Quá trình điều tra tài liệu rõ đến đâu, xử lý đến đấy, đánh giá mức độ phạm tội để xử lý sao cho thấu tình đạt lý, có tính nhân văn".

Khung nội dung

Không chỉ khởi tố các vụ án mới, từ năm 2020 đến nay, một số vụ án tồn đọng hoặc tạm đình chỉ điều tra được khôi phục và giải quyết có hiệu quả.

Có vụ án đã được toà tuyên án, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục mở rộng để xử lý triệt để các đối tượng vi phạm. Đó là vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế xảy ra tại TP Cao Bằng năm 2017. Đối tượng chủ mưu trong vụ án là Bùi Thị Hạnh bị TAND tỉnh Cao Bằng năm 2019 xử phạt 4 năm tù. Đến tháng 7/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố 7 bị can tại các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn với Bùi Thị Hạnh. Việc xử lý triệt để đã giúp cơ quan điều tra thu hồi và nộp lại ngân sách nhà nước gần 14 tỷ đồng.

Theo Đại tá Vũ Hồng Quang, những vụ án kể trên khi điều tra gặp rất nhiều áp lực buộc lực lượng phải triển khai thận trọng, bài bản theo quy trình chặt chẽ.

“Những người vi phạm đều là cán bộ, đều biết nhau qua công tác hoặc các hội nghị, các cuộc họp. Thậm chí có đơn vị còn ký quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Áp lực về tình cảm, những tác động bên ngoài là rất lớn.

Chúng tôi báo cáo, phân tích với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Sau khi phương án xử lý được thống nhất - đây là ý chí của tập thể. Việc này nhằm làm giảm bớt những áp lực trong quá trình phá án”, Đại tá Quang nói.

Đặc biệt, người đứng đầu Công an tỉnh Cao Bằng nhìn nhận: Khi điều tra phải mang tính xây dựng, giáo dục và răn đe. Khi đã xử lý thì không có ngoại lệ, có sự tham gia của liên ngành. Tài liệu rõ đến đâu, xử lý đến đấy, đánh giá mức độ phạm tội để xử lý sao cho thấu tình đạt lý, có tính nhân văn.

Khung nội dung

Theo Đại tá Vũ Hồng Quang, xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà lực lượng công an hướng đến. Để làm được điều đó, lực lượng công an luôn chủ động bằng nhiều hình thức để gần gũi, lắng nghe dân nhiều hơn.

“Chúng tôi mở nhiều diễn đàn để lắng nghe đóng góp thẳng thắn của bà con nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức 88 diễn đàn công an lắng nghe ý kiến nhân dân và nhiều cuộc đối thoại, qua đó đã tiếp nhận hơn 2.500 ý kiến góp ý.

Trên những ý kiến góp ý, những gì đơn vị đã làm tốt thì tiếp tục phát huy, nếu có sai phạm của cán bộ chiến sỹ thì kiên quyết xử lý làm gương. Tôi cũng công khai số điện thoại cá nhân, thành thập nhóm Zalo Công an tỉnh Cao Bằng để cung cấp thông tin đến người dân và ngược lại”, Đại tá Vũ Hồng Quang nói.

Từ việc củng cố niềm tin trong nhân dân, theo Đại tá Vũ Hồng Quang là nền tảng để các lực lượng chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ trước các thế lực chống phá.

Khung nội dung

Đại tá Vũ Hồng Quang trong một buổi thăm, tuyên truyền động viên bà con dân tộc Mông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Khung nội dung

Nổi bật nhất là dấu mốc ngày 19/5/2023 Công an tỉnh Cao Bằng chính thức xoá bỏ hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (về đích trước 7 tháng so với mục tiêu đề ra).

“Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo âm mưu tiến hành ‘xưng Vua’, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc. Để xoá bỏ tổ chức bất hợp pháp trên là hành trình bền bỉ vận động người dân, kết hợp đồng bộ các biện pháp khác”, đại tá Quang chia sẻ.

Với sức mạnh của nhân dân, ông Quang cho biết đơn vị nhận được rất nhiều tin báo tố giác tội phạm. Đây là kênh thông tin quan trọng để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Để không phụ sự tin tưởng của nhân dân, ông Quang cho rằng cách duy nhất là vào cuộc công tâm, quyết liệt.

Theo ông Quang, các vụ việc dù nhỏ nhất cũng cần được xử lý để mang tính răn đe. Ông dẫn chứng về vụ sập kè ở TP Cao Bằng hồi cuối tháng 4 năm nay khiến 3 mẹ con tử vong.

“Tôi rất đau lòng và bức xúc khi biết rằng, gia đình từng viết đơn lên phường phản ánh về chất lượng công trình. Nhưng kết quả kiểm tra lại không thỏa đáng. Một tháng sau vụ việc, có 3 đối tượng là cán bộ TP, phường và chủ đầu tư bị khởi tố”, ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, việc cấp phép xây kè sai và tắc trách của cán bộ phường đã cướp đi sinh mạng của người dân vô tội. Quá trình điều tra, có đơn vị còn né tránh, chưa tích cực phối hợp. Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm làm điểm để đích đến là bảo đảm cho người dân có cuộc sống bình yên.

Khung nội dung
Khung nội dung

Nói về kỉ niệm sau 3 năm ở Cao Bằng, ông Quang nhớ mãi chuyến thăm huyện Hà Quảng của Bộ trưởng Công an – Đại tướng Tô Lâm vào tháng 11/2020 nhân dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Trên chuyến xe đến Hà Quảng, Bộ trưởng xót xa khi chứng kiến nhiều nhà dân còn dột nát, chưa đủ che nắng che mưa. Trở về làm việc với lãnh đạo tỉnh, Đại tướng đã quyết định huy động nguồn lực xã hội hóa tặng Hà Quảng 35 tỷ đồng và giao cho lực lượng Công an là nòng cốt giúp dân làm nhà. Kết quả là trong dịp tết năm đó đã có trên 800 hộ dân có tổ ấm đón tết, vui xuân”, ông Quang chia sẻ.

Khung nội dung

Đại tướng Tô Lâm,Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cùng các đại biểu động viên, thăm hỏi bà con nhân dân xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tháng 11/2020. Ảnh: Bộ Công an

Khung nội dung

Từ tấm lòng của Bộ trưởng Tô Lâm, Đại tá Vũ Hồng Quang nhận ra, lực lượng công an cần chủ động trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy hỗ trợ nhà ở cho bà con.

Nhận thấy hiệu quả thực tiễn khi giúp đỡ bà con nhân dân xoá nhà dột nát, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2021 - 2023 cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh bằng nguồn xã hội hóa và các chương trình mục tiêu quốc gia, lực lượng Công an lại xung phong đi đầu, nòng cốt. Đến nay đã xây dựng xong gần 5000 nhà trên tổng số 6.602 nhà đạt tỷ lệ 74% khối lượng công việc.

“Chúng tôi rất vui khi là một trong những đơn vị chủ lực tham gia triển khai đề án rất nhân văn này”, Đại tá Quang nói.

Khung nội dung
Khung nội dung

Đại tá Vũ Hồng Quang trong cuộc trả lời phóng viên báo VietNamNet.

Khung nội dung

Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho bà con trong tỉnh là một trong nhiều hoạt động thiết thực được Công an Cao Bằng triển khai trong thời gian qua. Bằng uy tín của lực lượng, công an tỉnh Cao Bằng đã tham gia hỗ trợ an sinh cho bà con, các quỹ tình nghĩa được thành lập nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

“Công an tỉnh có đầu mối đứng ra hướng dẫn, làm cầu nối giữa nhà hảo tâm trên cả nước đến các gia đình gặp khó khăn. Với việc gần dân, hiểu dân, lực lượng công an đã kết nối hỗ trợ đến hàng nghìn hộ dân”, lời Đại tá Quang.

Với những kết quả trên mọi mặt công tác, Đại tá Vũ Hồng Quang cho rằng, niềm vui lớn nhất của lực lượng là nhận được sự tin yêu của nhân dân. “Anh em đi ra ngoài được nhân dân quý mến, cấp ủy, chính quyền tin tưởng”, Đại tá Quang chia sẻ.


Văn Điệp và nhóm PV, BTV