Ai cũng nghĩ, giám đốc từng giàu có như tôi chẳng lẽ không lo được tiền ăn Tết nhưng nói thật, cái mác đã gắn rồi, giờ buông rất khó.
4 năm nay, lần nào tôi về quê, họ hàng, bà con lối xóm cũng sang đầy nhà chờ sẵn. Chẳng là, từ ngày tôi lên làm giám đốc, có công ty riêng, làm ăn phát đạt, bố mẹ tôi vui lắm. Đi đâu ông bà cũng khoe con trai làm giám đốc, công ty “to tướng”. Dù tôi đã nhiều lần dặn mẹ phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói, đừng khoe khoang nhưng mẹ tôi cũng chỉ giữ bí mật được vài ngày.
Giận thật nhưng cũng mủi lòng khi mẹ nói: “Mẹ có nhõn đứa con trai, phải tự hào chứ. Con làm giám đốc, mẹ không khoe thì khoe ai. Khoe cho hàng xóm người ta mừng lây, với lại để mấy kẻ hay chê bai con phải lép vế một tí. Con mẹ, mẹ tự hào, sai chỗ nào đâu!”.
Cứ như vậy, sau này mỗi lần tôi về quê chơi dịp lễ, Tết, hàng xóm lại sang hỏi han câu chuyện. Có người còn nhờ tôi xin cho con họ vào làm. Sau này, thi thoảng về quê, tôi lại mua ít quà biếu các bác hàng xóm, như thông lệ. Hoặc tôi lại mua vài món ngon, đặc sản thành phố mời mọi người uống nước chè, tâm sự với mẹ tôi.
Lạ thật, sau mỗi lần tôi về, mẹ lại gọi lên bảo: “Hàng xóm sang vay tiền con ạ. Có thể họ biết con về, nghĩ con biếu tiền bố mẹ nên sang hỏi vay nóng vài hôm”. Tôi chỉ biết cười bảo: “Tùy ý mẹ nhưng mà trước khi cho vay, mẹ phải hỏi rõ mục đích vay và hẹn ngày trả, không sau này lại mất tình cảm xóm giềng”. Mẹ tôi thoáng tính nên hay cho vay lắm. Có quà gì con trai mang về cũng sang biếu hàng xóm sạch. Vì nghĩ rằng, bao giờ tôi về, quà cáp lại đầy nhà…
Cũng vì cái mác giám đốc về quê ấy mà 3 năm nay, tôi gần như biệt tích. Mỗi lần về, tôi không dám gọi cho mẹ trước nữa. Tôi thường bất thình lình về lúc chiều tối, sáng hôm sau đi luôn. Có khi tôi về trong ngày, ăn vội bữa cơm với bố mẹ rồi lại lên thành phố. Mẹ hỏi tại sao, thì tôi chỉ báo “bận”. Quà cáp cũng không có cho hàng xóm, cũng không còn biếu tiền bố mẹ như trước.
Mẹ hỏi tôi công ty khó khăn à, tôi chỉ cười mà không dám nói: “3 năm nay, con nợ nần chồng chất, vay ngân hàng từng nghìn, chạy từng đồng tiền trả lương nhân viên”. Kinh tế khó khăn kéo theo hàng loạt vấn đề, công ty không làm ăn được, tôi gầy trông thấy. Nhưng tôi nào dám hỏi bố mẹ tiền, cũng không dám kể khổ để bố mẹ lo lắng.
Hàng xóm vẫn nghĩ tôi là giám đốc giàu có lắm, thường xuyên hỏi mẹ tôi, sao dạo này con trai ít về quê.
Tết này, tôi đang nghĩ, liệu có về quê được hay không? Xe tôi cũng bán rồi, tiền cũng không có. Tôi còn phải lo khoản lương, thưởng cho nhân viên được về quê đón Tết. Tiền biếu bố mẹ sắm cái Tết hoành tráng như mấy năm trước, giờ tôi cũng không có. Tôi đã gồng quá sức rồi.
Chưa kể, đi đến đâu, họ hàng cũng nghĩ mình làm giám đốc, tiền mừng tuổi phải nhiều. Bây giờ, mừng ít, tôi cũng thấy ái ngại. Người hiểu không sao, người không hiểu lại nghĩ tôi làm giám đốc mà ki bo, tính toán. Các cụ già trong họ, năm nào tôi cũng biếu mỗi cụ 1 triệu, giờ biết làm sao?
Ai cũng nghĩ, giám đốc từng giàu có như tôi chẳng lẽ không lo được tiền ăn Tết nhưng nói thật, cái mác đã gắn rồi, giờ buông rất khó. Mình làm khác là bị chê bai rồi khiến bố mẹ xấu hổ ngay.
Có chăng phải chấp nhận mặc kệ tất cả, cười trừ với thiên hạ cho xong thì giám đốc như tôi mới dám… về quê ăn Tết.
Độc giả Thanh Tùng
LTS: Chi tiêu mua sắm chuẩn bị cho Tết như thế nào, tiêu bao nhiêu để vẫn đủ đầy mà không lãng phí... luôn là những câu hỏi khó trả lời của các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
VietNamNet mở diễn đàn "Tết này, tiêu gì?" để các độc giả chia sẻ cách mua sắm, chi tiêu ngày Tết. Những bài viết chất lượng, chia sẻ cách chi tiêu hữu ích sẽ được VietNamNet đăng tải.
Bài viết của độc giả xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn
Hai năm liên tiếp, ông xã không cho tôi về Tết bên ngoại mà chỉ vun vén lo tiền lì xì, quà cho nhà chồng. Không thể nín nhịn, tôi vùng lên đòi quyền lợi, yêu cầu chồng thưởng Tết.
Một người thợ đứng dưới sẽ cắt bánh thành từng đoạn dài chừng 8cm. Lý do gọi đó là bánh quy gai, vì nó có những chiếc gai ở hai bên cạnh như lưng con kỳ nhông.