Clip: Giếng cổ không bao giờ cạn nước trước miếu Ngũ Hành
Trăm năm giếng cổ
Sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của phường 1 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có ngôi miếu Ngũ Hành thuộc sở hữu, quản lý của gia đình ông Võ Văn Nở (56 tuổi). Tuy nhiên, ông Nở và các thành viên trong gia đình đều không nhớ rõ miếu được xây dựng từ năm nào.
Ông Nở cho biết, miếu có từ thời ông nội của mình. Ngoài thông tin miếu được sửa chữa lần đầu tiên vào năm 1949, ông không còn lưu giữ bất kỳ ghi chép, tài liệu nào. Dẫu vậy, ông và người dân địa phương vẫn nhớ như in những ký ức đẹp về ngôi miếu nhỏ cùng cái giếng nằm ở phía trước.
Theo ông Nở, khởi đầu miếu thờ Ngũ Hành nương nương hay còn gọi là 5 mẹ Ngũ Hành. Về sau, miếu thờ thêm Phật Bà Quan Âm, Bà Chúa Xứ…
Vào ngày vía Ngũ Hành nương nương, những người nằm trong ban quản lý miếu tổ chức lễ cúng rất lớn để cầu cho cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc, công việc làm ăn phát đạt. Mỗi khi tổ chức lễ cúng, miếu có hát bóng rỗi, diễn hát bội... thu hút người dân đến xem rất đông.
Ông Nở kể: “Xưa kia, miếu có ban, hội là những người cao tuổi, có uy tín trong làng trông giữ, lo việc cúng bái. Sau này, ban, hội tan rã. Bây giờ, tôi là người tiếp quản, nhận nhiệm vụ trông giữ miếu".
"Xưa kia, không riêng gì ngày lễ, miếu luôn có đông người đến hương khói, lấy nước từ giếng cổ. Tôi được người xưa kể lại rằng, giếng này còn có trước cả miếu Ngũ Hành. Thế nên tôi đoán giếng đã hơn 100 tuổi và là nguồn cấp nước cho những hộ dân sinh sống xung quanh", ông Nở nói thêm.
Các bậc cao niên sinh sống xung quanh ngôi miếu nhỏ nói rằng, trước đây, khu vực này có nhiều giếng đào. Mỗi giếng phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 4 dãy nhà. Tuy vậy, giếng trước miếu Ngũ Hành lớn và có nhiều nước hơn cả.
Đặc biệt, bất kể các giếng nhỏ xung quanh thường xuyên cạn trơ đáy vào mùa khô, giếng trước miếu Ngũ Hành mùa nào cũng đầy ắp nước và luôn trong mát. Khi các giếng nhỏ dần cạn nước hoặc nhiễm phèn, giếng cổ càng trở nên quan trọng.
Chị Võ Thị Cẩm Nhung (SN 1973) là người sinh ra và lớn lên gần giếng cổ. Chị cho biết: “Lúc trước, khi chưa có nước máy, hầu hết dân xung quanh hẻm đều phụ thuộc vào giếng này để có nước sinh hoạt, tưới tiêu hoa màu.
Cũng nhờ giếng này mà người lao động nghèo ở đây có thêm nghề gánh nước thuê. Vào mùa khô, không trữ được nước mưa, những gia đình khá giả thường thuê người dân xung quanh giếng kéo nước lên, gánh đến nhà cho họ.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì ngày ấy, các bà, các cô thường gánh nước thuê từ giếng đến tận đường Cô Bắc, Cô Giang cho người ta. Đặc biệt, vào dịp Tết, việc gánh nước thuê càng náo nhiệt”.
Tập tục đóng nắp giếng kỳ lạ
Chị Nhung nhớ như in, từ lúc lên 10 đã được mẹ giao nhiệm vụ kéo nước từ giếng cổ lên đổ vào thùng trữ trong nhà. Ngày trước, miệng giếng còn thấp, nước bên trong không sâu mà chỉ cách miệng 1-2m.
Chị chỉ cần thả dây có cột chiếc thùng nhựa xuống giếng rồi kéo nước lên. Lúc ấy, nước sinh hoạt trong gia đình đều được lấy từ giếng cổ.
Thời điểm ấy, mỗi ngày vào đầu giờ sáng hoặc chiều tối, quanh miệng giếng lại tấp nập người đến lấy nước về nhà, hoặc gánh thuê cho người khác. Thời gian khác trong ngày, giếng được nghỉ ngơi.
Vào dịp Tết, khu vực giếng cổ đông vui, náo nhiệt hơn cả. Dịp này, người dân xung quanh thường cùng nhau đến quanh miệng giếng lấy nước rửa lạt, lá gói bánh tét, nguyên liệu làm mứt…
Đặc biệt, những ngày 28, 29 tháng Chạp, quanh miệng giếng bỗng nhiên đông đúc, náo nhiệt gấp nhiều lần ngày thường. Người người đem theo thùng, vật dụng đến giếng kéo nước, gánh về dự trữ trong nhà.
Mọi người xếp hàng, đứng quanh miệng giếng chờ đến lượt lấy nước rồi hối hả gánh về để kịp quay lại lấy chuyến sau. Nếu không, rất có thể họ sẽ không có nước dùng trong 3 ngày Tết. Bởi, đúng đêm 30, giếng sẽ đóng miệng, không phục vụ nhu cầu lấy nước của người dân nữa.
Ông Nở lý giải: “Ngày còn nhỏ, tôi đã biết đến lễ đậy nắp giếng cổ trước miếu Ngũ Hành vào đêm 30 Tết. Vào đêm giao thừa, ông từ của miếu Ngũ Hành cũng là ông nội tôi sẽ soạn lễ, thắp nhang rồi dùng vỉ sắt đặt lên miệng giếng.
Từ lúc đậy miệng giếng, không ai được mở ra, lấy nước. Đến sáng mùng 3 Tết, ông nội tôi lại soạn lễ, thắp nhang để xin mở nắp giếng. Lúc này, mọi người mới được phép đến giếng lấy nước về dùng.
Tôi không rõ lễ đậy nắp giếng ấy có từ bao giờ, cũng như nguyên nhân như thế nào. Tuy nhiên, khi tôi hỏi, ông nội nói rằng bà Thủy (vị thần cai quản vùng sông nước - PV) đã làm việc cả năm nên ba ngày Tết phải để bà nghỉ ngơi”.
Hiện nay, các hộ dân sinh sống xung quanh giếng cổ đã có nước máy sạch mát, tiện lợi. Tuy nhiên, gia đình ông Nở, gia đình chị Nhung vẫn tiếp tục gìn giữ, bảo quản giếng cổ.
Hàng ngày, những gia đình này và một số hộ dân xung quanh vẫn đến giếng lấy nước về sinh hoạt.
Chị Nhung tâm sự: “Để an toàn, bây giờ miệng giếng được nâng cao, có nắp đậy kiên cố. Hàng ngày, tôi vẫn thả gàu xuống giếng, kéo nước lên sinh hoạt vừa để tiết kiệm vừa như một cách ôn lại kí ức tuổi thơ.
Nhất là những ngày cận Tết, hình ảnh mọi người nô nức đến bên giếng thả gàu kéo nước, gánh về nhà trong không khí tươi vui, đầm ấm trong tôi lại hiện về”.