Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab vừa công bố báo cáo xu hướng chi tiêu của nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau, được gọi là thế hệ Z.

Dù thu nhập khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào gia đình, nhưng mức chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của thế hệ Z lên đến 892.400 đồng/tháng. Tính bình quân số tiền nhóm đối tượng này dành ra cho ăn uống lên đến gần 13.000 tỉ đồng/tháng.

Một trong những nguyên dẫn đến mức chi tiêu lớn như vậy có lẽ ở việc giới trẻ Việt dễ dàng năm bắt xu hướng.

Bằng chứng là tại TP.HCM từ đầu năm tới nay, mỗi tháng có 8 quán trà sữa được khai trương và đã hình thành những “phố trà sữa” ở hầu khắp địa bàn.

Hay một thương hiệu bánh bông lan từ Đài Loan mới về đến TP.HCM từ tháng 7 với cửa hàng đầu tiên ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ khiến quán lúc nào cũng đông khách và liên tiếp mở thêm 3 chi nhánh khác.

Các cửa hàng tiện lợi cũng đồng loạt "lên ngôi", xuất hiện chi chít ở khắp các tuyến đường và khu vực ngồi ăn tại quầy gần như không lúc nào còn ghế trống.

Gần đây từng có ý kiến chỉ trích việc nhiều bạn trẻ tiêu hoang khi bỏ ra cả trăm ngàn để mua 1 ly trà sữa, thậm chí duy trì thói quen này mỗi ngày và đặt ra câu hỏi "tiền ở đâu mà chi mạnh thế?".

Việc dành quá nhiều tiền chi tiêu cho ăn vặt cũng là một trong những nguyên nhân khiến năm 2017 vừa qua, người Việt đã để “mất ngôi” tiết kiệm nhất thế giới. Nhưng danh hiệu đó có thật sự khiến người trong cuộc thật sự quan tâm? Hay nhu cầu hưởng thụ cuộc sống nếu như bản thân có điều kiện được coi là chính đáng với nhiều người thuộc thế hệ Z?

Ước tính Việt Nam có hơn 14,4 triệu người thuộc nhóm thế hệ Z và hơn 56% trong số đó không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Lối sống hiện đại cộng với thói quen ăn uống bất kể thời gian nào trong ngày tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ giữa thế này với các thế hệ trước.

Theo ANTV