“Cuộc đời là chuỗi tập hợp những điều như ý và bất như ý.
Hãy trân trọng những giây phút tĩnh lặng trong lòng, vì trong đó chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn.
Hãy nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất trong mọi thứ xung quanh bạn và để niềm vui lan tỏa đến mọi người”.
Bởi vậy, đôi khi, những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng có thể truyền cảm hứng, đem lại động lực thúc đẩy tinh thần cho những người đang rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.
Tết Giáp Thìn vừa “gõ cửa”, VietNamNet xin đăng tải loạt bài “Điều giản dị”: Từ việc đi tìm và khai thác câu chuyện bên lề ở các bệnh viện khi tìm cách nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân, tuyến bài mong muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của liệu pháp tinh thần trong điều trị. Đầu năm mới, đây sẽ là những câu chuyện dung dị nhưng tích cực gửi đến độc giả.
“Mong bạn hãy trân trọng quyển sách này vì đó là tình cảm của các nhà hảo tâm dành cho người bệnh. Nếu bạn thấy quyển sách không được nâng niu ở đâu đó, hãy gửi về nơi nó thuộc về - Tủ sách sốt ruột, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”, ông Nguyễn Văn Hà chậm rãi đọc lời nhắn được dán cẩn thận trên bìa cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” ông vừa lấy từ “Tủ sách sốt ruột”.
Đây là lần thứ 4 trong vòng hơn một năm nay ông Hà (55 tuổi, ở Nam Định) đưa người nhà tới bệnh viện này khám. Mỗi lần như thế, ông ngại nhất cảnh phải chờ đợi.
Ông kể người ở quê ông tâm lý sợ đến muộn nên thường phải dậy từ 3 giờ sáng để 5-6 giờ có mặt ở khu khám bệnh chờ xếp hàng. Lấy được số, chờ cả tiếng đồng hồ để được gọi tên vào khám, họ lại chờ đợi đi làm các xét nghiệm, chụp chiếu.
“Đây mới là lúc mệt mỏi nhất”, ông Hà nói. Để có được kết quả chụp chiếu, bệnh nhân, người nhà phải trải qua 3 quãng chờ: Chờ được gọi tên vào chụp, chờ bệnh nhân chụp và chờ kết quả chụp. Rất sốt ruột.
“Với chụp X-quang hay siêu âm, thời gian thực hiện nhanh, người nhà đỡ phải chờ, nhưng nếu chụp cộng hưởng từ (MRI) thì lâu lắm. Trong lúc chờ đợi, nếu đi ra ngoài uống nước hay dạo quanh viện thì sợ bị qua số, lỡ tên, ngồi một chỗ thì sốt ruột vô cùng. Cả bệnh nhân và người nhà không biết làm gì ngoài xem điện thoại, trông ngóng, có khi xem cạn cả pin điện thoại vẫn chưa được trả kết quả”, ông chia sẻ.
Theo ông, chuyện đến viện từ 6 giờ sáng nhưng tới 11 giờ trưa chưa có kết quả cận lâm sàng là… rất bình thường. “Đi viện, ai cũng mệt mỏi, lo lắng. Chờ đợi lâu càng khiến họ dễ bức xúc, dễ va chạm, to tiếng”, người đàn ông trung niên cho hay.
Cận Tết Giáp Thìn, ông Hà lại đưa bệnh nhân trong gia đình đến viện. Nhưng khác với 3 lần trước, thời gian chờ đợi kết quả chụp MRI lần này của ông và người nhà như trôi nhanh hơn, bởi có sự xuất hiện của “Góc sốt ruột”.
Ông cho biết công việc ngày thường bận rộn khiến thói quen đọc sách dường như đã bị lãng quên, thay bằng cầm điện thoại. Ông không ngờ được gặp lại “người bạn cũ” này tại đây. “Tận dụng thời gian chờ đợi kết quả, chờ đợi chụp chiếu để đọc sách vừa giúp thư giãn vừa bổ sung kiến thức, vừa tạo được tinh thần lạc quan, phấn chấn”, ông Hà chia sẻ.
Mỗi ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận khám khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám và thường xuyên có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú tại viện. Mỗi người bệnh có ít nhất một người nhà đi cùng, điều đó có nghĩa là trừ cán bộ, nhân viên y tế, trong viện luôn có khoảng 8.000 người.
Hơn một nửa số bệnh nhân đến khám đều có chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng. Vì thế, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân (nằm ở tầng 1 nhà D), hay khu xét nghiệm luôn trong cảnh tấp nập người ra vào. Đặc biệt là khung giờ cao điểm từ 9 giờ sáng.
“Đơn vị đã tăng số lượng máy móc, trang thiết bị, nhân viên y tế thực hiện chụp chiếu đến khi hết bệnh nhân mới thôi, nhưng một số bệnh nhân và người nhà vẫn phải chờ đợi lâu hơn thời gian hẹn trả kết quả vì một số nguyên nhân. Thấy bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sốt ruột vì chờ đợi trước cửa phòng chụp MRI, X-quang hay siêu âm, rồi trước sảnh khu vực chờ kết quả, chúng tôi cũng sốt ruột theo”, PGS.TS Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân, chia sẻ.
Theo PGS Dũng, mỗi ca chụp X-quang hay siêu âm chỉ mất 2-4 phút, nhưng với chụp MRI những ca bệnh khó phải dùng nhiều chuỗi xung để bộc lộ tổn thương rõ hơn hay bệnh nhân tiêm thuốc xong phải chờ, thời gian tiến hành có thể phải mất tới 30 phút mỗi bệnh nhân. Chưa kể, với những ca bệnh phức tạp, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải hội chẩn với các bác sĩ trong khoa, ngoài khoa, để đưa ra chẩn đoán cuối cùng chính xác nhất.
“Những khâu đó sẽ khiến quá trình thăm khám, chụp chiếu của bệnh nhân kéo dài, người nhà lại phải chờ đợi”, bác sĩ Dũng cho hay. Vì thế, những thủ tục cận lâm sàng như xét nghiệm, hay chụp chiếu được xem là một trong những phần gây bức xúc nhất của quá trình khám chữa bệnh.
Để giúp bệnh nhân giảm lo âu, sốt ruột trong lúc chờ đợi lấy kết quả, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân đã sáng tạo nên “góc sốt ruột”, “góc bận rộn” và “phòng chụp X-quang” độc đáo.
Bác sĩ trẻ Đinh Thu Hằng của trung tâm cho hay dự án “Góc sốt ruột” ra đời nhân sự kiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát động cuộc thi sáng tạo từ các sản phẩm tái chế hồi tháng 10/2023.
“Chúng tôi nghĩ ngay đến việc sáng tạo một sản phẩm thiết thực phục vụ bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Hằng kể lại. Những gợi ý tên gọi lần lượt được đưa ra: Góc giải trí, góc đọc sách… Rồi một bác sĩ trẻ nảy ra suy nghĩ: Bệnh nhân khổ nhất là phải chờ đợi vì rất sốt ruột. Vậy thì đặt luôn tên gọi “Góc sốt ruột” đi. Tên gọi “thật như đùa” bắt đầu từ đó, không ngờ lại nhận được sự hưởng ứng của nhiều người vì sự độc đáo, ấn tượng.
Được đặt ở khu vực gần dãy ghế chờ lấy kết quả chụp chiếu, Góc sốt ruột được nhiều người đánh giá là sở hữu vị trí “đắc địa” bởi đây là nơi rộng rãi, thoáng và đông người qua lại nhất của Trung tâm chẩn đoán hình ảnh.
“Góc sốt ruột” gồm “Tủ sách sốt ruột” nhiều tầng, “Góc bận rộn” với bảng sáng tạo và Phòng chụp X-quang độc đáo để chụp ảnh cùng bộ xương thú vị.
Nhiệt tình giới thiệu từng góc tại khu vực này, bác sĩ Hằng cho hay tất cả vật liệu làm nên Góc sốt ruột đều được làm từ đồ tái chế, như cánh chong chóng trang trí cho giá sách được làm từ những tấm phim X-quang không còn sử dụng. Khay đựng phim chụp cộng hưởng từ cũng được trưng dụng làm nơi đặt sách trên kệ… Góc bận rộn kích thích sự sáng tạo, ưa khám phá của các bệnh nhi, giúp các bé giảm bớt thời gian xem điện thoại trong lúc chờ đợi.
“Nhiều bệnh nhân, người nhà khi thấy Góc sốt ruột rất đáng yêu lại thiết thực, đã chia sẻ rằng ‘tưởng bác sĩ chỉ mải mê chuyên môn, rất nghiêm túc thậm chí lạnh lùng, không ngờ còn chăm lo, quan tâm cả đời sống tinh thần bằng cách rất đáng yêu, nhẹ nhàng cho người bệnh. Đó là niềm động viên lớn với chúng tôi”, bác sĩ Hằng chia sẻ.
Giá sách của Góc sốt ruột có nhiều loại, gồm sách cho người trưởng thành, đặc biệt nhiều sách cho trẻ em. Kể về quá trình thu thập sách, bác sĩ Hằng cho hay giai đoạn đầu, các thầy thuốc tập trung kêu gọi nhân viên trong trung tâm, thu gom sách từ nhà. Một lượng sách cũng được ủng hộ thông qua việc thông báo trên Fanpage của Trung tâm chẩn đoán hình ảnh.
“Góc sốt ruột hóa ra là góc bình yên nhất trong Trung tâm. Nhiều lần tôi chứng kiến và rất cảm động với ý thức của người bệnh, người nhà khi nâng niu những cuốn sách. Nhiều người chia sẻ, đây là góc nhân văn, vì thế họ đối xử với sách cũng rất nhân văn. Sách đọc xong được đặt lại đúng vị trí, ngay ngắn, trân trọng. Chúng tôi cũng mong tủ sách sẽ nhận thêm nhiều sách hơn nữa, vừa muốn nhân rộng ra nhiều địa điểm phù hợp khác trong Trung tâm, đặc biệt ở nơi đông người chờ đợi”, bác sĩ Hằng cho hay.