Theo GS, TS. Nguyễn Mạnh Toàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) để phát triển các ngành có lợi thế, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội của các FTA thế hệ mới mang đến, cần xem xét 8 nhóm vấn đề sau:
1. Quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chương trình hành động của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng; trong đó, chú trọng đánh giá thực trạng trong và ngoài nước, xây dựng định hướng đúng đắn, hướng dẫn và thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp thực hiện công tác hội nhập toàn diện.
2. Thực thi các cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở nâng cao năng lực của toàn nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ gia công sang sản xuất, thay đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ động nghiên cứu và tiến đến hoàn thiện đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới với hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.
3. Hoàn thiện cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó phương thức phân bổ nguồn lực công có tính chiến lược và tính khuyến khích, tính lan tỏa dựa trên các ưu tiên phát triển trong từng giai đoạn phát triển. Nguồn vốn phải bảo đảm tương xứng với khả năng tích lũy, kích thích tiêu dùng và tập trung nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và hiệu quả vốn đầu tư để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế….
4. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở cải cách toàn diện giáo dục nhằm tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao có thể đáp ứng các yêu cầu của một nền kinh tế tri thức. Hoàn thiện hệ thống chính sách về thị trường lao động; đồng thời, có chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ với các chuyên gia, trí thức và lao động lành nghề là người Việt Nam ở trong và ngoài nước hay người nước ngoài gia nhập thị trường lao động Việt Nam, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập…
5. Định hướng hoạt động khoa học - công nghệ vào tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới công nghệ và công nghệ kỹ thuật số để phát triển sản phẩm và tăng hiệu suất. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học - công nghệ. Bảo đảm thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các sáng chế. Tăng cường hợp tác quốc tế thực hiện đi tắt, đón đầu để nâng cao năng lực khoa học - công nghệ của Việt Nam….
6. Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đầu tư có trọng điểm và có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng các hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, sân bay và cảng biển, các trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết vấn đề giao thông, giao thương giữa các vùng, các địa phương được nhanh hơn, thuận tiện hơn và tiết kiệm chi phí lưu thông. Xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là tại các đô thị hạt nhân, các thành phố lớn để tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại điện tử dựa trên các nền tảng số.
7. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, quy định và quy trình các tiêu chuẩn, kiểm định và chứng nhận sản phẩm - dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Hình thành các hiệp hội, các tổ chức về khuyến công, xúc tiến thương mại, tư vấn khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý, quản lý môi trường và truyền thông chính sách.
8. Xác định danh mục ưu tiên; xác định các ngành ưu tiên, có lợi thế phải mang tính động và linh hoạt, cần thực hiện đánh giá hiệu quả theo các tiêu chí định kỳ để điều chỉnh khi cần thiết; đồng thời, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngành ưu tiên phải theo cơ chế thị trường, tuân thủ các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Các FTA đang tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Văn Minh, Quốc Tiến, Văn Điệp