Đúng 11h trưa mùng 8 tháng Giêng, tại sân đình làng Thị Cấm, xã Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra lễ hội kéo lửa thổi cơm làng Thị Cấm. Khởi đầu hội thi là phần thi chạy lấy nước. Phần thi chạy diễn ra giữa 4 đội thi, mỗi đội cử ra một thiếu niên và chạy đến bờ sông Nhuệ lấy nước nấu cơm. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng nguồn nước, ban tổ chức thường lấy nước đã được đun sôi để nấu cơm.
Ngay sau đó, các đội thi bắt đầu thực hiện các công đoạn của việc thổi cơm như giã gạo.
Sàng thóc.
Nhặt những hạt sạt.
Để có lửa thổi cơm, thành viên của các đội phải mài ống tre khô tạo ra ma sát để bắt lửa vào mùn cưa và rơm. Theo các bô lão của làng, mỗi đội sẽ cử ra hai người đi kéo lửa. Việc này đòi hỏi phải có sự mưu trí và nhanh nhẹn. Họ mang theo một nắm rơm vò nát làm bùi nhùi mồi lửa rồi lấy hai thanh dang kẹp vào bùi nhùi và dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật dang cọ sát vào cật tre nhiều lần đến khi nào thấy có khói bén lên thì dừng lại và thổi. Lửa bùng lên, người ta dùng mồi lửa này để thổi cơm.
Những người phụ nữ khéo tay nhất được lựa chọn cho phần thi thổi cơm này.
Các đội thi bắt buộc phải nấu cơm bằng rơm.
Để các "quan" khó phát hiện ra các nồi cơm, các đội dùng tro rơm vùi kín nồi để cơm chín.
Mỗi đội cũng phải tạo nhiều đống rơm khác để đánh lừa các quan đi dò nồi, mất công tìm kiếm, tạo điều kiện có thời gian để cho cơm chín thêm.
Tiếng chiêng ngân vang suốt cả cuộc thi.
Hội thổi cơm của làng thu hút đông đảo người dân tham dự.
Sân đình bốc khói nghi ngút bởi rơm rạ của các đội thi.
Đến 12h trưa, các "quan" đi tìm cơm và chọn ra đội nào thổi cơm ngon nhất. Tương truyền, lễ hội thổi cơm thi bắt nguồn từ việc tưởng nhớ công của tướng quân Phan Tây Nhạc. Đây là tướng quân của vua Hùng thứ 18, từng đóng quân ở làng Thị Cấm. Ông thường tổ chức cho quân lính thi thổi cơm, sau khi ông mất dân làng đã tôn ông làm thành hoàng làng và hàng năm vào mùng 8 Tết, làng thường mở hội thổi cơm thi để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ đến công ơn xưa.
Nhưng cũng có người kể lại khi tướng Phan Tây Nhạc và vợ là Hoa Dung trẩy quân qua làng để đi dẹp giặc, dân làng xin đi theo. Tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người nuôi quân giỏi. Khi ông mất được thờ làm thành hoàng làng và mỗi năm làng lại mở hội thi thổi cơm để tưởng nhớ tới ông.
Chính vì vậy mà vào mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, mọi người trong làng đi đâu cũng đều nhớ về ngày này. Ngay từ sáng, mọi thứ dường như đã được sẵn sàng... Các đội thi đều chuẩn bị sẵn các vật dụng để chuẩn bị thổi cơm như chày, cối, rơm... để trổ tài nấu cơm nhanh và thơm dẻo nhất.
Theo Dân Việt