Thiếu trường học - câu chuyện vô cùng cấp bách tại Thủ đô

Những ngày cuối tháng 6, dư luận lại xôn xao trước câu chuyện phụ huynh Hà Nội thức trắng đêm tranh suất vào lớp 10 cho con.

Sự xót xa, bức xúc không thể che giấu khi nhìn cảnh những người làm cha, làm mẹ vây kín cổng Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, Trường THPT Hoàng Cầu... chỉ mong tìm một cánh cửa để con được đi học. 

Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10.

Câu chuyện này không lạ ở Hà Nội. Bởi trước đó, tháng 6/2023, hàng trăm phụ huynh Hà Nội cũng đã phải xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 một trường tiểu học ở quận Hà Đông. Tháng 3/2022, hàng loạt phụ huynh khác cũng trắng đêm, ăn chực nằm chờ tranh suất mua hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1, lần này là trường tư thục ở quận Mỹ Đình

"Sự khổ" này của phụ huynh Hà Nội bắt đầu từ khi con vào... mầm non khi việc thiếu trường lớp diễn ra nhiều nơi tại Thủ đô. Cụ thể, tháng 8/2022, phụ huynh phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã phải bốc thăm may rủi để có chỗ cho con học trường mầm non công lập. 

Sáng 1/7, phát biểu tiếp thu giải trình tại buổi tiếp xúc với cử tri, sau kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XV, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết Hà Nội là điển hình thiếu trường, lớp công.

Ông nói: “Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, phần lớn là gia tăng dân số cơ học, nên lúc nào chúng ta cũng trong tình trạng thiếu trường, thiếu lớp”.

Giải quyết khó khăn này không thể một sớm một chiều, nhưng chậm ngày nào, đồng nghĩa với con em chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Không ai có thể phủ nhận học tập tử tế hôm nay là cơ sở cho trẻ, ngày mai có việc làm, sống trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. 

Hôm 10/6, hơn 105.000 thí sinh Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024. Kỳ thi vốn căng thẳng, với Hà Nội, có thể nói “cực kỳ căng thẳng”. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập Hà Nội khoảng 72.000 thí sinh, tức xấp xỉ 68.57% trong số thí sinh dự thi được tiếp tục theo học lớp 10 (công lập). Ai cũng có thể thấy rõ bài toán thiếu trường học đã vô cùng cấp bách tại Thủ đô.

Chiều 5/7, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, lại khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học! Theo ông Cương: “Một số trường uy tín, được phụ huynh tin tưởng nên bằng mọi giá gửi con em mình vào học, vì vậy họ xếp hàng từ sáng sớm với mong muốn con có suất vào trường”.

Hẳn là không thiếu trường nếu một cháu sống tại quận Hoàn Kiếm có thể hàng ngày đi hàng chục km tới một ngôi trường ở Ba Vì để học lớp 10. Hẳn là không thiếu trường nếu bố mẹ nào cũng có thể chi hàng chục, hàng trăm triệu mỗi năm để cho con vào trường tư thục.

Nếu không thiếu trường là như thế, con một người bốc vác tại các chợ Hà Nội phải làm sao? 

Biết bao gia đình công nhân tại Thủ đô có những bữa cơm “dưới cả đạm bạc”. Nhiều nghịch cảnh và những chuyện kiếp nghèo không khó tìm ở quanh ta. Thấm thía cái nghèo khổ đó, họ mong con em mình có cái chữ sau này kiếm cơm không quá vất vả như ba mẹ, anh chị. Với họ, con theo học công lập mới có thể gom đủ tiền học phí và vì vậy họ vây kín cánh cửa trường công bất chấp đêm hè nóng nực.

Cuộc sống thiên hình vạn trạng, sự giàu nghèo luôn tạo phân hóa, gây tương phản, ở đâu cũng khó tránh khỏi. Nhưng chăm lo cho nhóm người yếu thế là lẽ sống, trách nhiệm, hạnh phúc của những người mang trọng trách “công bộc của dân”. Bằng những quyết sách mạnh mẽ, thấu lý, đạt tình nói chung và nói riêng với giáo dục để như Bác Hồ từng nói "ai cũng được học hành".

Hà Nội nhiều năm qua phát triển, xây thêm lớp, trường công có tốc độ nhỏ hơn, trong bối cảnh dân số tăng nhanh, trường, lớp công chưa đáp ứng nhu cầu học hành là tất yếu! Hà Nội mạnh giáo dục phổ thông ngoài công lập, tuy nhiên với mức học phí từ cao đến rất cao, cũng chỉ giải quyết được cho “công dân hạng một”.

Với bộ phận người dân có thu nhập thấp, học phí từ vài triệu đến vài chục triệu mỗi tháng, họ bị bỏ lại phía sau!

Giải bài toán thiếu lớp, thiếu trường công

Muốn tăng lớp, trường công phải có quỹ đất - điều kiện ắt có - đây là bài toán khó cho Hà Nội cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đột phá, công tâm, kiên trì của hệ thống chính trị. Trong đó, sự tham mưu của ngành giáo dục Thủ đô, vai trò của người đứng đầu Sở GD-ĐT Hà Nội hết sức quan trọng.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở đây là nhìn thẳng vào sự thật, thấu cảm với người dân, nói thật - đúng - trúng, để góp năng lượng tăng tốc cho sự vận hành từ phường (xã), quận (huyện) đến thành phố.

Cứ như thế, bàn toán khó mới được gỡ bỏ, Hà Nội thật sự là thành phố của giáo dục, vì giáo dục. Đất “vàng”, đất “bạc” được bàn giao cho giáo dục. Có đất thì tiền xây trường, mua sắm trang thiết bị để mở trường hoàn toàn có thể huy động từ nhiều nguồn, ngân sách các cấp, xã hội hóa… Sự minh bạch, công khai sẽ thu hút nhiều kênh đầu tư. 10 đến 15 năm nữa, chúng ta mới cơ bản giải quyết tình trạng thiếu lớp, trường công.

Trước mắt, theo tôi nên chăng chúng ta tổ chức học ca ba (buổi sáng cho một số khối lớp, tương tự cho buổi trưa, buổi chiều). Giáo viên sẽ vất vả, Hà Nội tính toán tăng phụ cấp, tuyển thêm giáo viên đứng lớp. Mượn tạm phòng của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp trên địa bàn làm phòng học cũng là một giải pháp. Tất nhiên điều kiện học tập có thiếu thốn, nhưng dạy học từ bao đời nay, thầy tận tụy, trò miệt mài, khó mấy cũng dạy tốt, học tốt.

Thêm vào đó, các trường có thể kết hợp dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến, phát triển hình thức vừa tự học tại nhà, vừa theo học tại trường. Được vậy phụ huynh yên tâm, chăm lo việc làm, gắn kết với nhà trường, lợi cho gia đình, ích cho giáo dục.

Áp lực thiếu lớp, trường công tại Hà Nội cũng là cơ hội để giáo dục tại đây trui rèn mọi mặt. Mong rằng ngành giáo dục Thủ đô đừng quay lưng trước cảnh hàng trăm phụ huynh thức trắng đêm tìm chỗ để con em được đi học.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả nghĩ gì về vấn đề này có thể gửi ý kiến về phần phản hồi của bài viết hoặc email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

                                                             

Lê Na và nhóm PV, BTV