Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS theo quy định của Luật Giáo dục, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát ý kiến thi 3 hay 4 môn vào lớp 10.
Cụ thể, thầy cô giáo lựa chọn 2 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 sau:
1. Thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ
2. Thi 4 môn gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (bốc thăm)
Ngoài ra, thầy cô có thể đưa ra kiến khác (nếu có).
Văn phòng UBND TP.Hà Nội đề nghị các thầy cô giáo cho ý kiến vào nội dung phiếu khảo sát và nhận lại kết quả trước 16h ngày 16/2 (thứ Năm) để tổng hợp báo cáo.
Trao đổi với VietNamNet, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hà Nội, cho rằng các em thi vào lớp 10 chỉ có 4 lựa chọn: vào hệ công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phần lớn là học sinh mong muốn công lập. Ở các thành phố lớn như Hà Nội thì chỉ tiêu cho công lập khoảng 60% mỗi năm nên áp lực kỳ thi này là rất lớn.
“Áp lực chủ quan của kỳ thi vào lớp 10 hiện nay, nhất là tại Hà Nội, phần lớn lại đến từ kì vọng của chính phụ huynh, kể cả có thi môn thứ 4 hay không, vì còn thời gian trống là nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con học thêm đủ các lớp.
Tôi biết những phụ huynh cho con đi luyện thi một môn có khi mấy thầy. Từ đó có thể thấy rất nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội vất vả thực sự, học đến 12 giờ đêm là chuyện bình thường.
Dẫu biết phụ huynh ai cũng muốn làm tất cả vì tương lai con mình, áp lực là cần thiết, nhưng xin hãy đồng hành, hiểu con và tôn trọng nhiều hơn, đồng thời giảm gây áp lực lên hệ thống giáo dục”, thầy Đinh Đức Hiền nói.
Thi 3 môn không phù hợp với chương trình cũ?
Thầy Đinh Đức Hiền cũng thừa nhận kì thi vào lớp 10 hiện nay ở hầu hết các tỉnh thành đang diễn ra với 3 môn Toán, Văn, Anh, nhưng hiện nay đã có sự bất cập nhất định:
Thứ nhất: Học sinh đang học thuộc chương trình cũ, ngay từ lớp 8 đã ôn thi 3 môn và hầu hết bỏ qua những môn học khác, trong khi lên lớp 10 các em phải chọn môn. Nhưng có biết gì đâu để mà chọn khi lớp 8-9 là giai đoạn cực kì quan trọng trong việc trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tiền đề cho cấp 3 thì các em lại gần như dành thời gian cho luyện thi, các môn học khác biến thành 'môn phụ'.
Phải nói thật, rất nhiều học sinh hiện nay lên cấp 3 đã 'mất gốc' các môn tự nhiên, xã hội ngay từ khi còn ở cấp 2, không được trải nghiệm nghiêm túc, thực sự, đầy đủ thì đâu biết mình thực sự phù hợp cái gì để chọn ở cấp 3?.
Thứ 2: Việc nhân đôi điểm môn Toán, Văn vô hình trung đẩy áp lực cho học sinh, phụ huynh lên cao, thậm chí cho chính giáo viên 2 môn này về mặt gánh thành tích, dẫn đến tình trạng môn chính môn phụ rõ nét.
Thứ 3: Theo định hướng chương trình GDPT mới phải đảm bảo trang bị toàn bộ tri thức nền tảng cho học sinh khi kết thúc lớp 9, từ đó học sinh có cái nhìn toàn diện, hiểu rõ bản thân, phục vụ phân luồng học sinh sau THCS.
Hơn nữa ở chương trình mới đã đổi mới phương pháp dạy và học, học sinh tự học nhiều hơn, giáo viên định hướng, ấy vậy mà học sinh ở cấp dưới chỉ tập trung 3 môn, mất nền tảng nhiều môn thì lên cấp 3 lại dạy từ đầu. Vậy thì đổi mới làm sao?
Mục tiêu giờ đây không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là năng lực, phẩm chất, làm sao đánh giá học sinh một cách toàn diện.
“Tôi cho rằng việc thi vào lớp 10 cũng cần có bước chuyển mình phù hợp khi chỉ còn hai lứa học sinh cấp 2 theo chương trình cũ nữa thôi là bắt đầu một thế hệ học sinh của chương trình mới tuyển sinh vào lớp 10.
Tôi xin nói lại rằng áp lực không phải ở số môn thi bao nhiêu, quan trọng là cách kiểm tra đánh giá phù hợp và thái độ của người học”, thầy Đinh Đức Hiền khẳng định.