Những năm qua, diện mạo Hà Nội có nhiều thay đổi. Hàng loạt công trình giao thông, đô thị văn minh, hiện đại ra đời từ những khu phố cũ, đồng ruộng sình lầy. Bộ mặt thủ đô ngày càng khác lạ khi nhìn từ trên cao.
Những năm qua, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi. Hàng loạt khu đô thị mới văn minh, hiện đại ra đời từ những khu phố cũ, đồng ruộng sình lầy; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối như cầu, đường vành đai đô thị, đường sắt đô thị, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý môi trường từng bước được triển khai xây dựng theo quy hoạch. Giao thông đô thị cũng được cải thiện từng bước.
Cầu Nhật Tân nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng, bắt đầu tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đến điểm cuối giao với quốc lộ 5 tại km 7+100, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Công trình kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Diện mạo Hà Nội thay đổi theo từng ngày kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), tổng số dân tăng từ 3,4 triệu lên 6,2 triệu người.
Cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Đến nay, sau 2 năm hoành hành khắp nơi, dịch bệnh khiến nền kinh tế cả thế giới chao đảo. Trước tình hình đó, khi hầu hết các nền kinh tế của thế giới tăng trưởng âm năm 2020, Việt Nam nằm trong tốp các nước tăng trưởng cao nhất châu Á, trong đó có đóng góp quan trọng của Hà Nội với mức tăng trưởng 3,98%, cao hơn mức bình quân cả nước.
Bãi giữa sông Hồng như "viên ngọc" của thủ đô, có hình hài như một con thuyền lớn, mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, lịch sử. Các nhà khoa học cho rằng, lâu nay mảnh đất này chưa được khai thác hết tiềm năng và giá trị. Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, phân khu quy hoạch này có diện tích gần 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%).
Trong số các dự án lớn nổi bật của thành phố, cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nằm trên quốc lộ 5 kéo dài, nối xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và phường Ngọc Thụy (quận Long Biên). Hà Nội được biết đến với vai trò là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có trách nhiệm đóng góp một phần cho việc phát triển kinh tế toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Sau khi mở rộng địa giới, tốc độ tăng dân số của Hà Nội rất nhanh. Nếu như trước đây dự kiến đến năm 2020 dân số thủ đô vào khoảng 7 triệu dân thì hiện nay đã là 8 triệu dân. Hiện nay còn 2 quy hoạch phân khu chưa được triển khai, đó là quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống. Tháng 4 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).
Hiện địa bàn thành phố có 63 công viên, vườn hoa. Sau khi các đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát, có 45 công viên, vườn hoa (khoảng 70%) cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cho phù hợp với thực tế, nhu cầu sử dụng của người dân.
Ngoài ra, Hà Nội còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật...
Phía Tây Hà Nội đang nổi lên trở thành một điểm đầy hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Đây sẽ là một cực phát triển mới của thủ đô bởi sự lột xác của hạ tầng, sự phát triển vượt bậc của kết nối giao thông và tiện ích hiện đại.
Sở hữu các tuyến đường huyết mạch hướng tâm như trục đại lộ Thăng Long, trục Lê Văn Lương - Tố Hữu, hệ thống đường kết nối như Lê Trọng Tấn, Trịnh Văn Bô…, hiếm có nơi nào tại Hà Nội lưu thông thuận lợi như khu vực phía Tây hiện nay. Bên cạnh các trục đường bộ hướng tâm, khu vực đô thị phía Tây còn kết nối với trung tâm thành phố bằng hệ thống xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô xứng tầm với vị thế và vai trò, đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế...
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.516 khu tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ dân cư hầu hết đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Trong ảnh, khu tập thể Thanh Xuân, quận Thanh Xuân.
Đường vành đai 2 chặng từ Ngã Tư Sở tới Ngã Tư Vọng đã được thông xe. Đây là một đoạn tuyến trong tổng thể dự án đường vành đai 2 - tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội (tổng chiều dài 43,6km), chạy qua địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Đông Anh.
Những năm gần đây, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. “Mạch máu” giao thông thủ đô từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Một trong số những công trình giao thông trọng điểm được đông đảo người dân Hà Nội kỳ vọng là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến đường sắt trên cao khác của Hà Nội là Nhổn - ga Hà Nội, có chiều dài 12,5km, sẽ vận chuyển 8.600 hành khách/giờ trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách/giờ.
Theo tính toán, khi đưa vào hoạt động, công trình này sẽ tiết giảm tương đương 20.000 tấn khí tải CO2 gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Hà Nội dự báo, quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người.
Cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, vấn đề nhà ở cho người dân được cải thiện tốt. Song, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng về tình hình phát triển đô thị hồi tháng 5, TP cũng nhìn nhận, việc phát triển nhanh và chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như: Phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải, không tập trung…
Sau khi quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, Hà Nội liên tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống đô thị. Tuy nhiên, do điều kiện sáp nhập ranh giới hành chính năm 2008 và định hướng quy hoạch thủ đô đòi hỏi cần có sự xác định lại ranh giới hành chính đô thị của một số địa phương, tạo điều kiện để có đơn vị hành chính quản lý các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo quy hoạch.
Việc hoàn thiện các tuyến đường vành đai hiện có đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống hạ tầng giao thông thủ đô theo quy hoạch và tầm nhìn tới năm 2030.