Trao đổi với PV VietNamNet, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2022, mặc dù rất khó khăn, nhưng thành phố đạt được kết quả toàn diện. Các chỉ số đều cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc.
Ông có thể cho biết thành phố đã chuẩn bị gì cho kế hoạch năm 2023 để tiếp đà phát triển của năm qua?
Năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới.
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, chủ động dự báo để có đối sách phù hợp, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa.
Hà Nội cũng tiếp tục chọn chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trên cơ sở đó, phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%.
Thành phố cũng sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, Hà Nội sẽ quy hoạch hai thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai. Đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh.
Chúng tôi cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Đặc biệt phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Việc thành phố xác định cực tăng trưởng mới cũng xuất phát từ những vấn đề đã đặt ra từ nhiều năm qua cần phải giải quyết một cách triệt để, thưa ông?
Năm 2004, khi mới làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tôi được cử lên Hòa Lạc dự khởi công Đại học Quốc gia Hà Nội. Gần 20 năm qua, dù đã đảm nhận nhiều vị trí, tôi thấy Đại học Quốc gia xây dựng không được bao nhiêu. Nhưng tôi tin, nếu được giao, Hà Nội sẽ giải phóng được mặt bằng, hỗ trợ kinh phí xây trường. Nhưng để làm được điều này, trường cũng phải trả lại cơ sở cũ cho thành phố.
Nêu ví dụ đó để thấy thực tiễn những năm qua, việc di dời các trường học, bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó thành phố tập trung phát triển hướng vào trung tâm, dẫn đến còn nhiều bất cập, như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, trường học quá tải…
Ngoài ra, Luật Thủ đô quy định việc di dời trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, đất đai ở nơi này được ưu tiên làm công trình công cộng. Nhưng thực thế thực hiện rất khó khăn, kết quả chưa đạt yêu cầu.
Vì vậy, nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc để tạo ra cực tăng trưởng mới của thành phố. Trong đó, thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội cũng sẽ dựa vào hạ tầng của khu Hòa Lạc - Xuân Mai để phát triển thành phố phía Tây, mạnh về khoa học công nghệ và giáo dục.
Dự án tâm điểm của Hà Nội lúc này chính là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án đã được ông cùng lãnh đạo thành phố dành tâm huyết, trí tuệ và ý chí quyết tâm rất lớn. Tình hình triển khai dự án này đến nay ra sao, thưa ông?
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 15, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027.
Có thể thấy, đây là nhiệm vụ chính trị được trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng chúng ta quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn.
Nhận thức thống nhất, nên ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, 3 tỉnh, thành có dự án đi qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và ý chí quyết tâm cao.
Đặc biệt, nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay tình hình, tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc di chuyển mộ phần thuộc diện giải phóng mặt bằng ngay trước Tết Nguyên đán…
Ông có nói năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhưng thực tế cũng chứng minh, ở nhiều thời điểm rất khó khăn, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm là động lực giúp vượt qua thách thức. Bước vào năm mới 2023, ông nhắn gửi điều gì với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô?
Như trên tôi đã nói, nhiệm vụ đặt ra cho năm tới có thể nói là khá nhiều, lại đều có ý nghĩa quan trọng, khó khăn, thử thách. Nên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân.
Tôi tin tưởng và đề nghị các cấp, ngành, địa phương, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vào cuộc thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động. Mỗi cán bộ chủ chốt các cấp thành phố phải gương mẫu, đi đầu bắt tay vào hành động một cách tâm huyết, trách nhiệm, đam mê với công việc và thể hiện một tình yêu dành cho Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc “dân là gốc”, có sự đồng hành của dân thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Điều quan trọng là chúng ta phải tin dân thì dân mới tin chúng ta. Tin dân là phải thẳng thắn, chân thành gặp gỡ, trao đổi với dân, trước việc khó phải cùng dân bàn bạc giải quyết.
Bản thân tôi luôn đặt trọn niềm tin ở người dân Thủ đô và sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trước hết là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Với sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp và nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, chúng ta vững tin Hà Nội thân yêu sẽ tiếp tục đạt được những thành tích to lớn hơn nữa trong năm mới như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò.