Jonny Kim sinh trưởng tại thành phố Los Angeles (tiểu bang California, Mỹ). Anh gia nhập lực lượng Hải quân Mỹ sau khi tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Santa Monica vào năm 2002.
Sau khi được huấn luyện sơ bộ tại Nhóm triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân, Kim được bổ nhiệm chỉ huy biệt đội SEAL (lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ) Team 3 của Hải quân Mỹ ở TP San Diego.
Anh từng giữ vai trò bác sĩ chiến trường, lính bắn tỉa, hoa tiêu trong hơn 100 chiến dịch trước khi nhận nhiệm vụ mới trong năm 2009.
Kim chuyển từ Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Hải quân dự bị (NROTC) sang Quân đoàn Y tế sau khi tốt nghiệp ngành Toán, ĐH San Diego vào năm 2012. Anh nhận bằng cử nhân Y khoa tại Trường Y Harvard vào năm 2016.
Bác sĩ Jonny Kim là một trong hai người gốc Á được NASA tuyển dụng đợt này.
Vào thời điểm trúng tuyển lớp phi hành gia của NASA tháng 6/2017, Kim là bác sĩ nội trú cấp cứu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Partners Healthcare tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.
Các giải thưởng cao quý mà bác sĩ Jonny Kim giành được là Huân chương Sao Bạc, Huân chương Sao Đồng trong chiến đấu và một số danh hiệu trong lĩnh vực Y tế.
"Chúng tôi rất hạnh phúc khi trúng tuyển vào lớp học này. Tôi háo hức khi nghĩ đến giây phút mình và đồng đội được bay trên tàu vũ trụ" Kim nói với Phys.org.
Đại tá Không quân Raja Chari phải vượt qua hơn 1.500 ứng viên khác trong cuộc đua vào lớp phi hành gia NASA 2017.
Theo NASA, Raja Chari (người Mỹ gốc Ấn Độ) lớn lên tại thành phố Cedar Falls (tiểu bang Iowa, Mỹ). Anh đã kết hôn và có 3 con. Chari tốt nghiệp ngành Kỹ thuật du hành vũ trụ và Khoa học kỹ thuật tại Học viện Không quân Mỹ vào năm 1999.
Sau đó, anh học lấy bằng thạc sĩ ngành Hàng không và Du hành vũ trụ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), tốt nghiệp Trường huấn luyện Phi công của Hải quân Mỹ (USNTPS) và Trường Sỹ quan Chỉ huy và Tổng tham mưu (CGSC).
Khi trúng tuyển lớp phi hành gia của NASA vào tháng 6/2017, Chari mang hàm đại tá trong Không quân Mỹ, phụ trách Lực lượng tham gia thử nghiệm siêu chiến đấu cơ F-35 và Tư lệnh Phi đội Bay thử số 461.
Anh tích lũy được hơn 2.000 giờ bay trong các chiến đấu cơ, bao gồm nhiệm vụ chiến đấu bằng tiêm kích F-15E trong Chiến dịch Iraq Tự do.
Đại tá Raja Chari được phong tặng rất nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương phục vụ quốc phòng, Huân chương Thành tựu trên không…
Sau khi hoàn thành 2 năm đào tạo kể từ tháng 8 tới, Raja Chari và Jonny Kim sẽ được phân công phụ trách mảng kỹ thuật trong Văn phòng Du hành vũ trụ trước khi nhận nhiệm vụ bay vào không gian.
12 ứng viên có mặt trong sự kiện công bố học viên khóa 2017 của NASA tại Trung tâm huấn luyện không gian Johnson (TP Houston, bang Texas, Mỹ).
Trong đợt tuyển sinh cho khóa 2017, hơn 18.300 thí sinh cạnh tranh để giành 12 suất học tại lớp phi hành gia của NASA. Điều này có nghĩa tỷ lệ trúng tuyển của năm nay là chỉ là 0,07%.
Trong khi đó, năm 2014, Harvard - một trong những trường cạnh tranh nhất thế giới - nhận 5,9% số thí sinh nộp đơn vào trường, theo Business Insider.
Theo thông tin chính thức từ NASA, 12 học viên mới sẽ bắt đầu khóa huấn luyện kéo dài 2 năm vào tháng 8 này. Sau khi trở thành phi hành gia chính thức, họ sẽ được tham gia các nhiệm vụ đặc biệt như tiến hành thí nghiệm trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS), tiến vào không gian trên các tàu vũ trụ đời mới mà NASA đang phát triển.
Với 12 thành viên mới của khóa 22, NASA nâng tổng số phi hành gia được tuyển dụng lên 350 người. Lứa học viên đầu tiên được NASA tuyển vào năm 1959, với tên Mercury 7.
Để trở thành học viên của NASA, thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu: Là công dân Mỹ; có bằng cử nhân từ một cơ sở học thuật được công nhận trong các lĩnh vực Kỹ thuật, Khoa học Sinh học, Khoa học Vật lý, Toán, Khoa học Máy tính; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm chuyên môn, làm công việc liên quan hoặc 1.000 giờ điều khiển máy bay phản lực.
Theo Zing
Ảnh, Clip: NASA