Bị động trong hành trình về quê
Chiều 5/2 (26 tháng Chạp), vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Lan (40 tuổi, quê Phú Thọ) cùng 3 con nhỏ xách hành lý đến sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục bay của hãng VietJet Air.
Chuyến bay về sân bay Nội Bài sẽ khởi hành lúc 15h20 nhưng vì lo sợ kẹt đường, quá tải khâu làm thủ tục nên gia đình chị Lan phải đến sớm hơn 2 giờ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Đến quầy check-in, chị Lan ngớ người khi nhận được thông báo chuyến bay sẽ khởi hành muộn, giờ bay mới vào 21h25 cùng ngày với "lý do khai thác". Không còn cách nào khác, cả gia đình chị Lan phải ngồi bệt xuống sàn chờ tới giờ lên máy bay.
“Chuyến bay trễ hơn 6 giờ so với dự kiến nên ảnh hưởng rất nhiều đến lịch trình của cả gia đình. Nhà đông trẻ con nên chờ đợi rất mệt mỏi”, chị Lan nói và lo lắng không biết đây có phải lần cuối chuyến bị đổi giờ khởi hành hay không.
Cũng rơi vào thế khó, vợ chồng anh Trương Quang Sơn đặt chuyến bay của Pacific Airlines về Quảng Ngãi vào 17h30 chiều 25 tháng Chạp, nhưng khi ra đến sân bay Tân Sơn Nhất thì được nhân viên hãng thông báo chuyến bay đã cất cánh vào buổi sáng.
“Thường thì hãng sẽ thông báo việc thay đổi lịch bay về số điện thoại. Tôi ít dùng email nên không biết thông báo dời chuyến bay của hãng lại gửi vào đó, vậy nên bị lỡ giờ bay. Bây giờ, gia đình tôi buộc phải mua vé mới để chờ chuyến bay kế tiếp nếu trống ghế”, anh Sơn chia sẻ.
Thời tiết xấu có thể kéo dài tới 29 Tết
Ngoài các lý do về yếu tố kỹ thuật, cập nhật thông tin thì những ngày gần đây thời tiết xấu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không. Hàng loạt chuyến bay phải dời lịch, thậm chí huỷ chuyến.
Cụ thể, trong các ngày 1 và 2/2 (ngày 22 và 23 tháng Chạp), tại các sân bay khu vực phía Bắc xảy ra hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay. Hàng loạt chuyến bay đã phải chuyển hướng hạ cánh hoặc bị hoãn, chậm giờ.
Tình hình thời tiết xấu gây tác động lớn đến hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, đầu mối hàng không lớn nhất nước khi đang bước vào giai đoạn cao điểm.
Tình trạng chuyến bay bị delay gây ảnh hưởng dây chuyền đến thời gian khởi hành giữa các sân bay; hành khách bị dồn ứ, gây quá tải tại khu vực phòng chờ lên tàu bay.
Theo thống kê của Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng của thời tiết trong 3 ngày từ ngày 1 - 3/2, có 659/1.103 lượt chuyến bay cất cánh bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ gần 60% so với tổng số chuyến bay khai thác.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, hiện tượng thời tiết sương mù dày đặc, mây thấp, tầm nhìn hạn chế gây ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác tàu bay có thể xuất hiện đến ngày 8/2 (ngày 29 Tết), đặc biệt vào đêm đến đầu giờ sáng.
Mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng ký ban hành Chỉ thị tăng cường đảm bảo an toàn khai thác bay trong điều kiện thời tiết bất lợi; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Lãnh đạo Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có kế hoạch, phương án khai thác các chuyến bay phù hợp; thông báo kịp thời, sẵn sàng các phương án phục vụ hành khách trong trường hợp thay đổi kế hoạch khai thác.
Các đơn vị cần rà soát, tăng cường công tác chuẩn bị, điều chỉnh kế hoạch bay phù hợp, bổ sung nhiên liệu bay vòng chờ, bay chuyển hướng cần thiết đảm bảo an toàn khai thác bay. Đồng thời hỗ trợ tối đa hành khách theo quy định của pháp luật trong trường hợp chậm, hủy, chuyển hướng bay.
Tổng Công ty Cảng Hàng không - CTCP và các cảng hàng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết cần tăng cường bố trí lực lượng phục vụ, điều hành tại cảng, kịp thời giải phóng tàu bay, phối hợp với các hãng hàng không triển khai các phương án xử lý trong trường hợp hoạt động khai thác bị ảnh hưởng do tác động bất lợi của thời tiết; giám sát và cung cấp kịp thời thông tin tình trạng đường cất, hạ cánh có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động cất, hạ cánh của tàu bay cho cơ sở không lưu liên quan.