Đó là những lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi cảm ơn ông Nguyễn Bá, nguyên Tổng Giám đốc VNPT, người 70 năm qua chưa ngừng nghỉ tìm mọi cách để xác nhận liệt sĩ cho bạn mình là liệt sĩ Trang Hồng Vinh.
Theo ông Nguyễn Bá, năm 1950, khi tròn 17 tuổi, ông từ Bình Dương và đồng chí Trang Hồng Vinh từ Trà Vinh cùng tới rừng U Minh để nhập trường trung học kháng chiến. Tuy nhiên, nhập học chưa được vài tháng thì có lệnh từ Xứ uỷ Nam Kỳ, yêu cầu các lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng phản công.
Ông Nguyễn Bá cùng đồng chí Trang Hồng Vinh và các bạn học được huấn luyện một khoá quân sự cơ bản ngắn hạn về các kỹ năng dùng súng, chiến đấu trên chiến trường. Ngay sau đó, cả 2 ông cùng với hơn 50 người nữa được cử đi học vô tuyến điện. Đây là khoá 6 do Bộ Tư lệnh Khu 9 tổ chức đào tạo cấp tốc cho các chiến sĩ trẻ trong vòng 6 tháng.
Tại đây, tình bạn của các ông Nguyễn Bá và Trang Hồng Vinh ngày càng trở nên thân thiết, bởi cả hai rất hợp tính.
Sau khi hoàn thành khoá học, theo lời kêu gọi của Bộ Tư lệnh Khu 9, ông Nguyễn Bá nhận quyết định lên miền Đông Nam Bộ cùng 8 người khác để giúp Quân khu 7 về thông tin liên lạc, phục vụ kháng chiến.
Theo ông Nguyễn Bá, đoàn tình nguyện xung phong lên chiến trường miền Đông khi ấy có tất cả 9 người và không có đồng chí Trang Hồng Vinh. Nhưng ngay sau đó, một sự cố đã xảy ra đối với một thành viên trong đoàn. Đó là đồng chí Đặng Văn Thân (nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu Điện), trong lúc bổ củi bị thương ở chân nên không theo đoàn được. Lúc này, ông Nguyễn Bá đã giới thiệu bạn thân của mình cho các lãnh đạo và khi được gọi, đồng chí Trang Hồng Vinh ngay lập tức tình nguyện lên đường chiến đấu.
Trải qua hành trình dài đầy gian khổ từ miền Tây lên miền Đông, 9 chiến sĩ trẻ được giới thiệu đến phòng thông tin liên lạc Quân khu 7. Tại đây, tất cả được kiểm tra lại trình độ rồi phân công về các bộ phận. Ông Nguyễn Bá được phân công về Đài vô tuyến điện, Văn phòng đồng chí Lê Duẩn, lúc bấy giờ là Chính uỷ Bộ Tư lệnh Nam Bộ và là Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ. Còn đồng chí Trang Hồng Vinh được phân công về phụ trách Đài vô tuyến điện ở Hóc Môn thuộc tỉnh đội Gia Định Ninh (lúc bấy giờ nhập Gia Định và Tây Ninh lại với nhau).
Sau thời gian chiến đấu ác liệt, lãnh đạo Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định dời lực lượng về căn cứ Dương Minh Châu nằm trong rừng sâu tỉnh Tây Ninh. Tại đây, ông Nguyễn Bá và Trang Hồng Vinh vẫn thường liên lạc với nhau, bởi cả 2 cùng làm công tác thông tin.
Cho đến một ngày, ông Nguyễn Bá nhận được tin người bạn của mình không còn nữa. Đó là thời điểm năm 1953, đồng chí Trang Hồng Vinh đi công tác cùng 2 người nữa là đồng chí Lâm Hùng Vỹ và Nguyễn Ngọc Quý để đón một đoàn lãnh đạo quan trọng.
Khi đến ấp Lồ Ô, thuộc xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, họ gặp máy bay của Pháp quần thảo và bắn phá. Cả 3 tìm đến một căn hầm nhưng lúc này căn hầm quá nhỏ, không đủ cho 3 người. Mọi người cùng giục nhau xuống vì không ai chịu để lại đồng đội của mình nguy hiểm ở trên. Lúc này, đồng chí Trang Hồng Vinh là chỉ huy nên đã đẩy 2 đồng đội của mình xuống hầm, còn mình ở trên cùng với máy điện đài.
Những người đồng đội vừa xuống thì một loạt bom thả ngay trên miệng hầm. Khi bom dứt, hai đồng đội trở lên thì đồng chí Trang Hồng Vinh đã hy sinh với cơ thể không toàn vẹn, máy móc cũng hư hỏng hoàn toàn. Đồng chí Trang Hồng Vinh hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi.
Do bị máy bay tiếp tục quần thảo, nên đồng đội cùng người dân vội vàng chôn cất đồng chí Trang Hồng Vinh ngay tại ấp Lồ Ô, rồi phải rời đi.
Theo ông Nguyễn Bá, đồng chí Trang Hồng Vinh đã hy sinh anh dũng, và với hành động đẩy đồng đội xuống hầm còn mình ở lại, đồng chí xứng đáng là một anh hùng trong kháng chiến.
Ông Nguyễn Bá cho biết, phải đến năm 1975, người mẹ của đồng chí Trang Hồng Vinh là bà Hồ Thị Thảo đi tìm, mới biết con mình đã hy sinh, bởi trước đó cứ nghĩ là mất tích. Khi tìm đến nơi đồng đội chôn cất con mình ngày xưa, nơi đó sau này bị bỏ bom nhiều lần nên cũng không còn tìm thấy mộ, mẹ đồng chí Trang Hồng Vinh đã lấy nắm đất tại nơi con mình ngã xuống về chôn sau nhà.
Thời điểm đó, người mẹ già muốn làm chứng nhận liệt sĩ cho con trai mình, nhưng làm như thế nào, gõ cửa ở đâu không ai biết. Bởi đồng chí Trang Hồng Vinh hoạt động bí mật nên không có thông tin.
Năm 1977, mẹ đồng chí Trang Hồng Vinh qua đời mà vẫn không tìm được người biết về con mình để làm xác nhận liệt sĩ. Trước khi mất, bà trăng trối với con gái bà là Trang Thị Thuỷ Châu (chị gái của liệt sĩ Trang Hồng Vinh), hãy ráng làm mọi cách để xin xác nhận liệt sĩ cho em trai.
Người chị đồng chí Trang Hồng Vinh hứa với mẹ. Nhưng trải qua bao năm tìm kiếm vẫn không có ai biết về sự hy sinh của em trai mình. Năm 2012, bà Trang Thị Thuỷ Châu qua đời. Trước khi mất, bà Châu nhắn nhủ người con gái là Huỳnh Thị Thuỷ Tiên (gọi đồng chí Trang Hồng Vinh bằng cậu) cố gắng thực hiện lời bà dặn.
Người cháu Huỳnh Thị Thuỷ Tiên cùng người bạn thân là cô Phan Thu Nguyệt với sự hỗ trợ của ông Nguyễn Mộng Hùng, chủ tịch Hội cựu chiến binh vô tuyến điện miền Đông Nam bộ cũng bắt đầu hành trình tìm kiếm của mình và mãi cho đến khi tóc bạc vẫn không có kết quả, bởi thông tin cũng chỉ có cậu mình công tác bí mật ở miền Đông, thuộc tỉnh đội Gia Định Ninh khi xưa.
Về phần mình, ông Nguyễn Bá cho biết, sau khi cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đơn vị nơi ông công tác đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giải thể để thi hành Hiệp định Geneve. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông cùng một số anh em vô tuyến điện đi tập kết ra Bắc. Ông được phân về làm công tác ở Việt Nam Thông Tấn Xã, sau đó tham gia cải cách ruộng đất, học bổ túc văn hoá công nông rồi sang Liên Xô học 8 năm.
Ngày đất nước giải phóng, ông vẫn phải ở lại Hà Nội để học lớp lý luận cao cấp trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1975, được nghỉ hè 1 tháng, ông trở về thăm quê tại miền Nam. Lúc này, ông đi tìm lại gia đình người bạn Trang Hồng Vinh để thăm người mẹ già và thắp nén nhang cho người đồng đội. Tuy nhiên, lúc đó, ông chỉ biết đồng chí Trang Hồng Vinh quê ở Cầu Ngang, Trà Vinh chứ không biết cụ thể xã nào (sau này mới biết là Mỹ Long). Không tìm được nên ông trở lại Hà Nội tiếp tục việc học tập của mình.
Sau khi trở về miền Nam và làm Giám đốc Bưu điện TP.HCM, ông Nguyễn Bá tiếp tục đi tìm thông tin về gia đình người bạn thân thiết của mình. Ông hỏi nhiều người làm về ngành Bưu điện, cả những người đang công tác tại Bưu điện tỉnh Trà Vinh, nhưng không ai biết và vẫn không thể tìm được gia đình đồng chí Trang Hồng Vinh.
Trải qua rất nhiều năm, ông Nguyễn Bá vẫn mang trong mình nỗi niềm canh cánh đi tìm gia đình đồng chí Trang Hồng Vinh. Thế rồi, khoảng 10 giờ đêm một ngày vào năm 2015, ông nhận được cuộc gọi từ người bạn cùng ngành của mình là Lê Văn Hoanh (tự Sáu Kèn), hỏi có biết Trang Hồng Vinh là ai không, có người nhà muốn tìm.
Ông Nguyễn Bá vui mừng khôn tả, vì cuối cùng cũng tìm được gia đình người bạn thân. Thế rồi, ông được gặp người cháu của đồng chí Trang Hồng Vinh, vẫn đang trong quá trình đi xin xác nhận liệt sĩ cho cậu mình.
Sau khi nắm rõ sự việc, ngay lập tức, ông làm một giấy xác nhận kể về quá trình công tác và sự hy sinh của người bạn Trang Hồng Vinh và đóng dấu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Bởi lúc này ông là người duy nhất biết quá trình học tập, chiến đấu và sự hy sinh của người bạn thân. Ông làm giấy xác nhận để bà Huỳnh Thị Thuỷ Tiên mang đến các cơ quan liên quan để làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh.
Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa qua. Bởi dù có giấy xác nhận của VNPT, nhưng để xác minh những lời ông nói là sự thật thì lại không có ai làm chứng. Thời điểm đó chỉ có 2 hệ thống điện đài, một là của quân sự và một là của hành chính nằm ở miền Tây. Tuy nhiên, những người phụ trách thời đó bên điện đài quân sự đều đã mất. Con đường đi xin chứng nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh vẫn chưa có được kết quả.
Sau đó, ông Nguyễn Bá nhờ tới bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM, hỗ trợ và được nhiệt tình giúp đỡ. Đồng thời, ông cũng nhờ thêm ông Võ Hoà Bình, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM giúp sức.
Bà Võ Thị Dung đã trực tiếp đi cùng ông Võ Hoà Bình đến gặp Bộ Tư lệnh TP.HCM để trình bày về trường hợp đồng chí Trang Hồng Vinh. Bộ Tư lệnh TP.HCM sau đó cũng đi xác nhận nhưng những người mà Bộ Tư lệnh TP.HCM gặp được không nắm được thông tin về ngành thông tin liên lạc trong thời chiến, thành ra việc xác nhận vẫn khó khăn.
Ông tự hứa sẽ tiếp tục tìm mọi cách để xin được xác nhận liệt sĩ cho người bạn của mình và sẽ làm cho tới lúc chết, bởi ông tâm niệm nếu không làm xong việc này, ông chết cũng không thể nhắm mắt được.
Đang trong lúc khó khăn, ông Nguyễn Bá đã gặp được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Đó là vào tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng có buổi gặp mặt cán bộ hưu trí ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ tại TP.HCM.
Dù mới phải phẫu thuật ở Singapore được một tuần, nhưng ông Nguyễn Bá thấy đây là một cơ hội quan trọng để tiếp tục hành trình xin xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh. Ông quyết định ngồi xe lăn và được ông Võ Hoà Bình đưa đến tham dự buổi gặp mặt với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại đây, ông Nguyễn Bá trình bày với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về những khó khăn trong quá trình xin xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh. Nghe xong câu chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất xúc động và nhắc đến 10 chữ vàng đầy tự hào của Ngành TT&TT đó là “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy - Sáng tạo – Nghĩa tình". Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn trân trọng quá khứ và ghi nhận công lao của lớp cha, anh đi trước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa sẽ cố gắng làm mọi cách để chứng nhận liệt sĩ cho những người chiến sĩ ngành TT&TT đã hi sinh mà chưa được xác nhận và khẳng định đây là trách nhiệm của Bộ TT&TT.
Hồ sơ, các loại giấy tờ xác nhận về sự hy sinh của đồng chí Trang Hồng Vinh đã được gia đình và đồng đội tập hợp, chuẩn bị, đó là các đồng chí Nguyễn Ngọc Quý, nguyên cán bộ Ban Tổ chức thành uỷ TP.HCM cùng trong tổ công tác đặc biệt với đồng chí Trang Hồng Vinh, người chứng kiến đồng chí hy sinh trên miệng hầm; Đồng chí Nguyễn Bá, nguyên Tổng Giám đốc VNPT, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, là người bạn thân chứng kiến quá trình đi học, công tác và chiến đấu của đồng chí; Đồng chí Trương Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai là bạn cùng học lớp vô tuyến điện do Bộ Tư lệnh Quân Khu 9 tổ chức - chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận. Thời gian này với sự đồng ý của Câu lạc bộ Tuyền thống kháng chiến khối Thông tin - Giao bưu miền Nam mà ông Trần Thắng Công (nguyên Giám đốc Bưu điện TP.HCM) đã ký xác nhận ông Trang Hồng Vinh đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong suốt một thời gian rất dài, việc xin xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh không thể thực hiện được vì sự việc xảy ra đã quá lâu (gần 70 năm), đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử, các quy định về thủ tục chính sách có nhiều thay đổi. Giai đoạn đồng chí hy sinh là giai đoạn đặc biệt của Cách mạng Việt Nam (trước ngày đình chiến). Sau đó, Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Đơn vị đồng chí công tác đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giải thể để thi hành Hiệp định Geneve nên thủ tục xác nhận liệt sĩ cho đồng chí gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng vô vọng.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tìm cách thu thập đầy đủ những sở cứ để trình cấp có thẩm quyền công nhận sự hy sinh của người chiến sĩ anh hùng Ngành TT&TT.
Dựa trên đầy đủ các thông tin thu thập và đã xác thực, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban cán sự Đảng Bộ TT&TT, ngày 5/7/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT ký Giấy chứng nhận hy sinh cho đồng chí Trang Hồng Vinh. Đây là sở cứ quan trọng để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ.
Căn cứ đề nghị của Bộ TT&TT, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 869/QĐ-TTg ngày 19/7/2023 cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Trang Hồng Vinh.
Và ngày 21/7, tròn 70 năm kể từ thời điểm đồng chí Trang Hồng Vinh hy sinh, Bộ TT&TT cùng UBND TP.HCM và gia đình đã tổ chức đón nhận bằng “Tổ quốc ghi công” cho đồng chí Trang Hồng Vinh. Một hoạt động vô cùng ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, 78 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện - nay là ngành Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Bá cho biết, đã rất xúc động khi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến 10 chữ vàng của Ngành TT&TT, trong đó có từ “Nghĩa tình”, đây chính là từ do ông xin Chính phủ thêm vào lúc đang còn làm lãnh đạo VNPT.
Ông cho biết, việc làm của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong quá trình xin xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Trang Hồng Vinh là một minh chứng, là một ví dụ thực chất về ý nghĩa của "Nghĩa tình" ngành TT&TT.
“Nói nghĩa tình thì dễ nhưng làm mới khó, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã làm được việc khó nhất của sự thể hiện nghĩa tình”, ông Nguyễn Bá xúc động nói.
Hành trình xin xác nhận liệt sĩ cho bạn mình đã được ông Nguyễn Bá viết thành bài thơ "Bằng liệt sĩ cho bạn Trang Hồng Vinh", báo VietNamNet xin chuyển đến độc giả bài thơ này qua giọng đọc của ông.