17 ngày khám phá Ladakh, Ấn Độ, chị Điệp không chỉ được cưỡi ngựa ở Sonamarg, băng qua sa mạc lạnh ở thung lũng Nubra mà còn hiện thực hóa giấc mơ bay dù lượn ở độ cao hơn 4.000m trên dãy Himalaya hùng vĩ.
Trở về nhà sau hành trình khám phá Ấn Độ kéo dài 17 ngày, từ 28/9 -15/10/2022, chị Vũ Minh Điệp (30 tuổi, sống ở TP.HCM) vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng, vui sướng khó tả. Chị không thể quên được giây phút lần đầu cưỡi ngựa, cưỡi lạc đà, chinh phục sa mạc lạnh,… hay bay dù lượn, ngắm dãy Himalaya từ trên cao.
Trước đó, cô gái 30 tuổi từng chinh phục 30 quốc gia, đi qua 4 châu lục trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Sri-lanka, Maldives, Pháp, Hà Lan…
Năm 2019, trong chuyến du lịch New Zealand, chị cũng từng chơi nhảy dù từ máy bay ở độ cao 3.600m.
Cô gái Việt cưỡi ngựa ở Sonamarg.
Song, chị Điệp thừa nhận, chuyến đi trở lại Ấn Độ lần này thú vị vượt mong đợi, với những trải nghiệm “ngỡ như mơ”. Ấn Độ cũng là quốc gia thứ 24 mà chị đặt chân tới.
“Những ngày khám phá Ấn Độ, mình được tham gia cưỡi ngựa ở Sonamarg - nơi được mệnh danh là "Thuỵ Sĩ trong lòng Ấn Độ" và băng qua sa mạc lạnh ở thung lũng Nubra.
Mình thấy bất ngờ vì chi phí cho những trải nghiệm hoà mình với thiên nhiên ở nơi đây rất rẻ, chỉ hơn 300.000 đồng/lần thuê cưỡi ngựa và lạc đà. Chưa kể cảnh quan cũng đẹp và hùng vĩ không kém gì những vùng đất xa xôi, đắt đỏ ở châu Âu hay New Zealand mà mình từng đặt chân tới”, chị Điệp kể.
Bay dù lượn trên độ cao hơn 4.000m
Chuyến đi này, cô gái đến từ TP.HCM ấn tượng nhất là trải nghiệm bay dù lượn tại Ladakh, thả mình ở độ cao hơn 4.000m, ngắm cảnh dãy Himalaya từ trên không trung.
"Người ta nói có hai thứ nên thử ở Ladakh, ngoài kiến trúc và trekking, đó là bay dù lượn ngang qua những dãy núi Himalaya”, chị Điệp nói.
Để được bay trên Himalaya, chị Điệp và nhóm bạn 5 người phải thức dậy từ 5h sáng, tranh thủ thực hiện các hoạt động cá nhân đến khoảng 7h30, xe của đơn vị bay dù tới đón ở khách sạn.
Cô gái trẻ cho biết, vị trí khởi động bay là một ngọn đồi, nơi từng được đánh giá là một trong những điểm bay dù lượn cao nhất thế giới, thuộc Ladakh. Ở đây, khí hậu ôn hoà, cảnh đẹp, đi vào giữa tháng 10 lại có mùa cây thay lá lãng mạn nhất trong năm, thời tiết chưa quá lạnh nên thích hợp để du khách trải nghiệm nhảy dù, ngắm nhìn hai dãy núi song song và chiêm ngưỡng mặt trời tuyệt đẹp.
Đầu tiên, họ trải dù trên sườn đồi, sau đó thắt dây an toàn để cột du khách vào với người điều khiển dù. Chỉ sau vài thao tác, chị Điệp đã “treo mình” ở trên không, ngồi ghế riêng với dây đai bảo vệ xung quanh rất chắc chắn.
"Mình như biến thành một chú chim đại bàng chao lượn giữa bầu trời khi bay dù lượn ở độ cao trên 4.000m. Khung cảnh xung quanh tuyệt đẹp, có lúc mình bay xung quanh những đám mây, có khi chạm cả tay vào mây. Lúc đó mình chỉ biết im lặng, tận hưởng trọn vẹn mọi thứ bằng các giác quan", cô gái trẻ nhớ lại.
Vì chỉ có duy nhất 1 người lái dù lượn nên nhóm chị Điệp 6 người tốn khoảng 9 tiếng mới xong, mất gần một ngày để trải nghiệm và chờ đợi các thành viên trong nhóm.
Chị cũng thừa nhận, đây là lần bay dù cao nhất nên bản thân cảm thấy rất phấn khích xen lẫn hồi hộp.
“Mình còn cảm nhận rõ luồng không khí lạnh xông lên não, tác động đến mọi giác quan nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp từ không trung”, chị nói thêm.
Điểm hạ cánh của chuyến bay dù lượn là một bãi đất trống phía dưới chân núi. Nữ travel blogger cùng người hướng dẫn mất khoảng 10 phút trước khi chạm đất thành công.
Khu tiếp đất thực chất là một điểm cắm trại khá rộng, dành riêng cho du khách chơi dù nghỉ ngơi hay đợi đến lượt. Ở đây đã được chuẩn bị sẵn lều, bếp và đồ uống khá đầy đủ tiện nghi.
Chị Điệp cho biết, chi phí cho một lần trải nghiệm bay dù lượn ở Ladakh là 4.500 rupees (khoảng 1,3 triệu đồng), thêm 3.000 rupees tiền di chuyển từ khách sạn đến điểm bay cho 6 người.
Tổng cộng, chị tốn gần 1,5 triệu đồng cho trải nghiệm này. Đây là mức giá mà chị đánh giá là hợp lý, thậm chí rẻ hơn cả trải nghiệm bay dù ở Việt Nam.
Chị Điệp lưu ý, bay dù ở Ladakh khá khắc nghiệt do độ cao, thời tiết dễ khiến người chơi mất sức. Trải nghiệm này không phù hợp những người có vấn đề về tim mạch, hô hấp,… và du khách phải chuẩn bị quần áo ấm khi bay cũng như nên mang theo đồ ăn nhẹ.
Bay dù ở Ladakh diễn ra quanh năm, chỉ tránh những ngày mưa nhưng lý tưởng nhất vẫn là từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
Những trải nghiệm thú vị
Không chỉ có những trải nghiệm thú vị, chị Điệp còn dành thời gian khám phá nhiều nơi ở vùng Bắc Ấn. Điểm đến chị ấn tượng nhất là vùng Zanskar - nơi được cho là một trong những vùng đất xa xôi hẻo lánh nhất tại Bắc Ấn, thành lũy cuối cùng của nền văn hoá Phật Giáo Tây Tạng cổ còn sót lại.
Đến đây vào mùa thu, chị cảm nhận khung cảnh nơi đây hiện lên rất đẹp, với những ngôi làng nhỏ mang vẻ yên bình nằm san sát nhau và chưa có nhiều hoạt động du lịch được khai thác.
Chị cũng thích vừa đi vừa ngắm cảnh và tìm hiểu về đời sống, văn hóa tôn giáo của người dân nơi đây.
“Chuyến đi này rất đặc biệt, bạn sẽ được thử thách giới hạn của bản thân khi khám phá vùng đất của những ngọn núi hùng vĩ, nơi lạnh giá, không có wifi, điện nước bật theo giờ hay người dân ăn chay, hiếm khi sử dụng thịt. Với mình, hành trình này giúp bản thân có thêm sự dũng cảm và lắng nghe cơ thể nhiều hơn”, nữ travel blogger bày tỏ.
Về lưu trú, chị cho biết, phòng nghỉ ở những vùng Bắc Ấn khá khó đặt, vì nhiều nơi xa xôi họ không rành công nghệ và tiếng Anh. Những thị trấn lớn như Leh, Kargil hay hồ Pangong thì chị đặt qua ứng dụng trực tuyến.
Một vài địa điểm khó tìm phòng quá như ở hồ Tso Moriri, Padum thì chị nhờ bên đơn vị cho thuê xe ô tô hỗ trợ, chi phí dao động từ 300.000 – 700.000 đồng/phòng đôi/đêm.
Về ăn uống, nữ du khách Việt thừa nhận bản thân khó thích nghi vì người dân vùng Bắc Ấn chủ yếu ăn chay, không ăn thịt lợn và thịt bò. Chỉ khi tới các thị trấn lớn, chị mới có thể ăn các món giàu chất đạm tại các nhà hàng, chợ địa phương.
“Còn tới những nơi xa xôi như hồ Tso Moriri, hồ Pangong thì đồ ăn chủ yếu là đồ chay như bánh mì Naan, súp cà chua, đậu lăng sốt và mì nấu, cơm trắng,... Nếu đến đây, bạn nhớ mang theo nhiều đồ ăn khô, nước mắm, nước tương để dễ ăn hơn”, chị cho hay.
Chuyến đi này, khó khăn lớn nhất với chị Điệp là địa hình hiểm trở. Chị cảm thấy mệt sau khi di chuyển dài ngày trên xe ô tô, trung bình mỗi ngày đều vượt quãng đường 200 – 300km.
Chị tiết lộ, một số du khách cùng chuyến đi còn bị sốc độ cao vì chưa thích nghi được địa hình đặc trưng nơi đây nên nôn mửa và đau đầu, tiêu chảy. May mắn, tình trạng này biến mất sau vài ngày.
Chị Điệp thừa nhận, những trải nghiệm có được ở vùng Bắc Ấn khiến bản thân như xua tan mọi mệt mỏi, khó khăn.
Sắp tới, chị Điệp mong muốn được đến Nhật Bản vào mùa hoa anh đào và khám phá vùng đất Nam Mỹ xa xôi. Đây là những nơi chị thấy có sức hấp dẫn mạnh mẽ vì cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và nền văn hóa đa dạng bản sắc.
“Mình thích sự tinh tế của người Nhật và sự mới mẻ khi đặt chân tới châu Mỹ. Hy vọng mình sẽ thu hoạch được nhiều kiến thức và mở mang tầm mắt hơn về thiên nhiên, con người nơi đây”, chị Điệp bày tỏ.
Ảnh: Vũ Minh Điệp