Lúc 17h hôm nay, hàng nghìn người bắt đầu rời TPHCM sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm Giáp Thìn. Cửa ngõ phía Tây thành phố đông nghẹt người và xe.
Vừa tan làm, chị Quỳnh Mai (công nhân quận 7) ngay lập tức cùng gia đình về Sóc Trăng bằng xe máy.
“Chúng tôi chọn đi buổi chiều tối cho mát mẻ. Cả đoạn đường đi hết gần 8 tiếng, tôi phải cột hành lý cho chắc chắn" - chị Mai chia sẻ.
Lượng phương tiện đông dần ở khu vực cầu Bình Điền. Xe máy đi trên đường đều chở lỉnh kỉnh đồ đạc.
Lực lượng CSGT Tân Túc (huyện Bình Chánh) phát nước cho người dân.
Các tuyến đường dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Phan Thúc Duyện… trong buổi chiều 24/1 khá đông xe cộ.
Ở sân bay, các gia đình đẩy vali vào nhà ga để làm thủ tục. Kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày (từ 25/1-2/2).
Ở khu vực quầy check-in, hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay và ký gửi hành lý. Hôm nay, lịch bay và lượng khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng cao, đạt mức kỷ lục kể từ khi bước vào cao điểm phục vụ Tết.
Đường Đinh Bộ Lĩnh dẫn vào bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ùn ứ trong giờ tan tầm.
Rất nhiều tài xế xe công nghệ chở khách ra bến xe, sân bay để về quê ăn Tết.
Từ trong bến xe cho đến ngoài đường, nườm nượp người “tay xách nách mang”, chuẩn bị rời thành phố.
Rất đông hành khách ngồi chờ xe xuất bến. Từ đây có các chuyến xe đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum...
Tới 19h, dòng người chờ qua cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) ngày càng đông.
Một số em nhỏ mệt mỏi gục đầu tạm nghỉ ngơi ngay trên xe máy.
Thanh Mai cùng bạn cầm theo vali quần áo, túi quà từ công ty và một cây mai kẽm nhung do cô tự làm để về Vũng Tàu.
"Tan làm là chúng tôi lên xe về quê luôn, may là đường không quá kẹt nên đi lại cũng thuận tiện" - Mai chia sẻ.