Một trong những trăn trở của PGS.TS Đỗ Văn Dũng là câu chuyện về giáo dục sẻ chia.
'Chúng ta có hơn 300 trường ĐH, hơn 600 trường cao đẳng và tại thời điểm này, trong giây phút này, nhiều môn học chắc chắn đang có cả nghìn người dạy cùng 1 chủ đề. Mỗi một người thầy đều phải soạn bài trong đó có người dạy giỏi, có người dạy dở, có chuyên gia đầu ngành mà không biết sẻ chia lẫn nhau thì thật là phí..."
Phóng viên: Trước khi hết nhiệm kỳ hiệu trưởng và nghỉ hưu, ông đã để lại những gì?
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ở trường công, nhiều hiệu trưởng cuối nhiệm kỳ sẽ tìm cách chi hết tiền và để cho người mới bắt đầu từ đầu, thậm chí còn nợ nần. Với tôi, trường đại học giống như ngôi nhà thứ hai của mình, phải có nguồn tích lũy dự phòng trong mọi tình huống vì liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn cán bộ viên chức, giảng viên và 26.000 sinh viên. Hiện tại, chúng tôi đang còn gần 300 tỷ, là khoản để mọi người yên tâm công tác. Người kế nhiệm tôi cũng yên chí vì có vốn sẵn trong tay, để lo nồi cơm cho cả trường, còn các giảng viên yên tâm làm việc.
Tiền ai cũng cần nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là sự phát triển giáo dục. Với tôi, tiền tích lũy được là chuyện nhỏ, cái vô giá tôi để lại chính là thương hiệu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với chất lượng đào tạo vượt trội, được cả xã hội công nhận, thứ không thể nào mua được. Sức hút của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hiện rất lớn là nhờ bám vào triết lý giáo dục: nhân bản, sáng tạo, hội nhập, liên tục đổi mới sáng tạo, cải cách và phát triển bền vững trong suốt 10 năm qua.
Nhờ vậy, chất lượng đào tạo tăng từng năm. Hiện điểm chuẩn vào trường khối kỹ thuật chỉ xếp sau Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Từ chất lượng đầu vào tốt, phương pháp dạy học hiện đại, thầy giỏi, trang thiết bị tốt, chất lượng đầu ra ngày càng cao nên sinh viên ra trường rất dễ kiếm việc lương cao.
8 năm trước, khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ hiệu trưởng, trường vẫn còn một số nợ. Những năm đầu “sống” dựa vào ngân sách, chúng tôi chắt chiu tiết kiệm từng đồng. Nhờ tự chủ, trường tôi đã có những bước đột phá về nguồn lực. Lương cán bộ, giảng viên được cải thiện. Thu nhập của cán bộ, giảng viên cao nên giữ chân và thu hút được người giỏi. Sau khi lo được cho con người, chúng tôi tập trung đầu tư vào môi trường học tập với các phòng thí nghiệm, các xưởng thực hành hiện đại.
Dù vậy, tôi nghĩ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cần phải tiếp tục những cái cách để trở thành một trong những trường tốt nhất ở trong nước và khu vực.
Ông đóng góp thế nào vào những tài sản đó?
Đây là công sức của tập thể. Chúng tôi đã xác lập triết lý đúng nên mọi người đồng lòng thực hiện.
Ngoài ngân quỹ, cơ sở vật chất, cái quý nhất chúng tôi có hiện nay là văn hóa làm việc. Văn hóa này đã tạo ra sự thay đổi. Tôi cũng không phủ nhận mình có công sức trong đấy. Tôi là hiệu trưởng nhưng lang thang đi xin doanh nghiệp, mạnh thường quân hết cái này đến cái khác vì hiểu rằng việc đó sẽ giúp học phí ở mức thấp nhất, giúp sinh viên đỡ khổ. Năm 2020, dù có dịch Covid-19, chúng tôi vẫn được doanh nghiệp giúp 18 tỷ đồng trang thiết bị, trong tháng 3 năm nay chúng tôi xin được 9 tỷ từ doanh nghiệp.
Niềm vui lớn nhất của ông trong 8 năm làm Hiệu trưởng?
- Nếu cho bản thân, tôi không tiếc nuối điều gì mà hài lòng vì công sức mình bỏ ra đã có quả ngọt.
Điều mừng nhất là trong nhiệm kỳ của mình tôi đã lo được cơm, áo, gạo, tiền, nồi cơm cho cán bộ giảng viên để họ yên tâm làm việc.
Thứ hai là giúp sinh viên ra trường có công ăn việc làm với thu nhập cao. Chính ngôi trường này đã tạo ra sự thay đổi về chất trong cuộc sống các em. Trong hơn 25.000 sinh viên của trường, nhiều sinh viên đến từ Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai… có cuộc sống rất khó khăn nhưng học xong ra trường có công ăn việc làm và có thu nhập tốt. Là hiệu trưởng tôi được mời dự ngày các em lập gia đình và thấy cha mẹ các em hạnh phúc trào nước mắt khi chứng kiến con mình thành công. Mặt khác, số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng đóng góp lớn vào nền kinh tế nước nhà và địa phương. Mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, giúp xã hội phát triển chính là niềm vui lớn nhất của người thầy.
Vậy ông có tiếc nuối hay lo lắng điều gì?
- Có lẽ điều tôi nuối tiếc lớn nhất là tôi là người vận động cho giáo dục sẻ chia. Mấy năm qua kinh tế thế giới đã đi theo hướng sẻ chia để tiết kiệm. Các dịch vụ như như xe ôm công nghệ cũng từ một ý tưởng sẻ chia. Ở ta, những trường đại học vẫn đang là những lâu đài cô lập, mạnh ai nấy sống.
Chúng ta có hơn 300 trường ĐH, hơn 600 trường cao đẳng và tại thời điểm này, trong giây phút này, nhiều môn học chắc chắn đang có cả nghìn người dạy cùng 1 chủ đề. Mỗi một người thầy đều phải soạn bài trong đó có người dạy giỏi, có người dạy dở, có chuyên gia đầu ngành mà không biết sẻ chia lẫn nhau thì thật là phí.
Tôi từng hỏi tại sao chúng ta không tạo thành nhóm những thầy cô giỏi nhất nước từ các trường ĐH lớn, mỗi người phụ trách 1 chương để làm ra bài giảng online chung có chất lượng và sẻ chia cho nhau. Hiện nay nền tảng công nghệ số đã có và rất phát triển. Sinh viên dù ở đâu, chỉ cần bật máy lên là có thể học chung lý thuyết. Đó chính là sẻ chia học liệu, sẻ chia người thầy. Tôi từng nghĩ tại sao sinh viên của mình phải đi 20 km từ Quận 5 xuống Thủ Đức học Anh văn mà không phải vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ở ngay quận 5 để học. Hay phải đi từ Quận 1 xuống Thủ Đức mà không vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để học các môn Kinh tế. Nếu các trường đồng lòng, công nhận tín chỉ lẫn nhau, mỗi em một ngày sẽ tiết kiệm được 2 giờ đồng hồ đi lại và tiết kiệm được bao nhiêu thứ, công sức, tiền bạc cho chính mình và cho xã hội.
Thứ hai, tôi lo là triết lý nhân bản, thương yêu sinh viên như con mình liệu có được triển khai tiếp và lan tỏa tiếp không. Nhiều sinh viên của tôi còn rất khổ và trong những năm qua chúng tôi có góc sẻ chia cho sinh viên nghèo. Có phòng ngủ máy lạnh cho sinh viên không có chỗ ngủ. Có truyền thống giúp đỡ của cựu sinh viên cho các em. Còn tôi thì nổi tiếng là một hiệu trưởng đi xin, không phải là nhục mà là cho sinh viên bớt khổ, đó là điều hạnh phúc.
Nói về ông, người khen cũng có nhiều nhưng người không ưa cũng không ít, đặc biệt là với những phát biểu khá 'đụng chạm' trên trang cá nhân, các diễn đàn. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ làm giáo dục là phải thật thà và thẳng thắn, miễn sao tâm mình sáng và không vụ lợi. Sự thẳng thắn của tôi đã đóng góp cho giáo dục và nhiều vấn đề đã được sửa chữa.
Tôi nhớ khi lên làm hiệu trưởng, trường chúng tôi thừa hưởng 1 dự án ODA có giá 2,5 triệu USD. Đích thân tôi là người viết dự án về trang thiết bị để đào tạo giáo viên phổ thông, trong đó các thiết bị tôi nêu sẽ nhập của Đức và Nhật. Thế nhưng, khi dự án triển khai họ lấy phần đầu của tôi còn phần thiết bị thì “nhét” của người khác vào và toàn đồ không tốt. Trong hội nghị hiệu trưởng do nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ trì, tôi đã nói: “Dự án ODA là con cháu của mình phải trả nợ nước ngoài nên chúng tôi không muốn nhận đống sắt vụn về”. Một nhà báo đã viết bài rằng “hiệu trưởng nói dự án ODA nhận sắt vụn”. Sau đó tôi được giám đốc dự án mời ra Hà Nội. Thấy việc tôi nói không vì lợi ích cá nhân, giám đốc dự án đã yêu cầu các công ty trúng thầu thay toàn bộ thiết bị.
Tính thẳng thắn của tôi cũng có lúc khiến cán bộ cấp cao bực mình. Ngay cả kỳ thi THPT quốc gia, từ năm 2015, khi đi coi thi thực tế ở địa phương, vùng sâu, vùng xa tôi đã cảnh báo sẽ có nhiều tiêu cực. Và hậu quả là chuyện ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cách đây vài năm...
Thẳng thắn nên tôi bị ghét. Nhiều người nói tôi “nói phét” nhưng kết quả và KPI chính là minh chứng.
Nhiệm kỳ hiệu trưởng của ông tuy có nhiều kết quả nổi bật nhưng vẫn còn một số việc chưa nhận được sự đồng thuận trong nội bộ?
- Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường và phải chấp nhận. Một hiệu trưởng nếu không có kiện cáo có nghĩa là chẳng làm gì để đổi mới.
Cựu Thủ tướng Anh từng nói: “Anh thay đổi và chấp nhận sự thay đổi thì phải chấp nhận sự phản kháng”. Tôi nghĩ một bộ phận nào đấy sống không kịp và sống theo lối mòn, giờ đổi mới thì phản kháng cũng không vấn đề gì.
Nhiều người nói rằng tôi có tinh thần thép vì bị kiện cáo suốt ngày vẫn cố làm cho bằng được. Đúng là tôi cũng mất khá nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này nhưng không thể không làm. Với trách nhiệm hiệu trưởng một trường tự chủ, tôi gánh trên vai nồi cơm của bao nhiêu người. Nếu dừng lại là chúng tôi đói.
Vậy theo ông, vai trò của hiệu trưởng như thế nào trong việc phát triển một trường đại học?
- Đầu tiên, hiệu trưởng phải có một chiến lược rõ ràng, bài bản. Ngay từ đầu nhiệm kỳ tôi vạch ra những việc mình phải làm và hằng ngày, hằng tháng, hằng năm tôi bám vào điều đó để thực hiện. Lúc này, trường tôi còn nhỏ và nghèo nên phải chọn định hướng từ từ và mỗi năm chúng tôi chọn một chủ đề và để thực hiện nó thì phải có sự đồng thuận.
Tôi sẵn sàng chi mỗi năm 1 tỷ đồng để đưa các giảng viên, cán bộ chủ chốt đi ra khỏi trường với yêu cầu trong quá trình đi họ phải vắt óc ra nghĩ sẽ làm gì cho trường và làm như thế nào. Từ đó, chúng tôi đưa ra kế hoạch cả năm và đẩy xuống các đơn vị thực hiện.
Thứ hai là hiệu trưởng thì phải quyết liệt. Năm đầu tiên đánh giá chương trình theo chuẩn AUN, tôi giao cho 3 khoa thực hiện. Nhiều người lo sợ và đề xuất chỉ làm 1 khoa. Tôi vẫn quyết 3 khoa phải làm, nếu ai có ý định không làm thì từ chức. Các trưởng khoa đã làm và khi 3 chương trình đánh giá thành công đã tạo ra sự tự tin cho những khoa khác.
Lê Huyền
Ảnh: Lê Anh Dũng - Thiết kế: Phương Thu