Hoa hậu Trần Bảo Ngọc phát hiện ung thư vú vào tháng 4/2022, thời điểm dịch Covid-19 vừa được kiểm soát. Trong hơn 2 năm đại dịch, việc kiểm tra chăm sóc sức khoẻ của người dân cũng ít đi và hoa hậu cũng không ngoại lệ. “Một buổi tối khi đang nằm đọc sách, tôi vô tình sờ thấy bên ngực trái có một khối bất thường, không giống một nang di động mà cảm giác như một vết sẹo cố định. Sáng hôm sau tôi đến một viện tư siêu âm và tiến hành sinh thiết. 3 ngày sau, tôi nhận kết quả dương tính. Lúc đó tôi rất sốc bởi từ trẻ, tôi đã luôn ý thức giữ gìn sức khoẻ, ăn uống healthy, tập luyện điều độ, không sử dụng chất kích thích nên không nghĩ rằng mình lại bị bệnh.
Nhà báo Hà Sơn: Nhiều người khi phát hiện ung thư họ sẽ đau khổ và suy sụp lắm. Với chị thì sao?
Hoa hậu Trần Bảo Ngọc: Tôi đến gặp bác sĩ và nhận được một bức tranh toàn cảnh từ nhẹ nhất cho đến nặng nhất của căn bệnh. Sau đó, tôi tiếp tục làm những việc cần thiết để biết được thể ung thư gì, giai đoạn bao nhiêu, từ đó có được phác đồ điều trị phù hợp. Và cũng như mọi người, tôi sẽ đi tìm những nguồn tài liệu để đọc. Cũng là một sự may mắn khi tôi vô tình đọc được quyển sách của TS.BS Phạm Nguyên Quý hiện đang công tác tại Bệnh viện Kyoto, Nhật Bản.
BS. Quý có một trang về y học cộng đồng, ở đó chia sẻ những thông tin chính thống, hữu ích. Tôi có tìm mua hai quyển sách của ông là Cẩm nang cho bệnh nhân ung thư và Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nhưng lại thiếu mất một quyển. Lúc này tôi mới chủ động nhắn tin cho BS. Quý và nhận được sự giúp đỡ rất tận tình. Với một người đang có bệnh như tôi thì nguồn thông tin nào cũng như phao cứu sinh vậy.
- Người ta hay nói rằng có bệnh thì vái tứ phương và tâm lý của những người có bệnh là sẽ tìm đọc nhiều tài liệu. Tuy nhiên, việc chắt lọc thông tin để đưa ra những quyết định đúng thời điểm không phải ai cũng đủ tỉnh táo để làm. Với chị thì sao?
Khi biết mình có bệnh tôi thường sẽ trao đổi với các bác sĩ. Sau đó trong thời gian chờ đợi tôi đọc sách, tài liệu và khi có kết quả phác đồ điều trị mới lựa chọn bác sĩ, bệnh viện…
Quá trình chữa bệnh rất gian khổ tuỳ từng thể trạng, mình phải theo bác sĩ và luôn sẵn sàng với tình trạng sức khoẻ của mình. Tôi nghĩ khoa học ngày nay đã rất tiến bộ, các thông tin giúp mình có được lựa chọn tối ưu nhất. Thế nhưng nếu không tỉnh táo người bệnh sẽ gặp tình trạng như nhịn ăn hay uống thuốc không đúng.
Nếu thông tin không đến được với người bệnh thì rất nguy hiểm, mất đi cơ hội vàng. Cũng may hợp thầy hợp thuốc nên tôi nghĩ mình đã bước qua giai đoạn chữa bệnh đầu tiên một cách thuận lợi. Tuy nhiên vì căn bệnh không phải một sớm một chiều nên cần chung sống với nó và nhận thức một cách cụ thể để sống tốt hơn về sau.
- Khi nhận kết quả sinh thiết ác tính, chị chia sẻ với người thân thế nào? Họ có bản lĩnh như chị không?
Trong cuộc chiến với bệnh tật, đặc biệt với trọng bệnh sẽ có 2 đối tượng, một là người bệnh, hai là người nhà. 2 đối tượng này đều bị ảnh hưởng như nhau. Bởi tôi thì đối diện với sức khoẻ nhưng người thân cũng phải chuẩn bị tài chính và tâm lý. Tôi cũng trải qua nhiều lần đi bệnh viện để nhận kết quả, lần này mặc dù có sốc nhưng đủ bản lĩnh để đối diện. Đôi khi chỉ là sự xác định “cùng lắm…” thì tôi đã thấy nhẹ lòng đi rồi.
Đầu tiên tôi tự nhận kết quả và giữ trong lòng, sau đó khi đã nắm được phác đồ điều trị tôi mới thông báo cho người thân. Cách lựa chọn của tôi là không chia sẻ khi chưa biết rõ, nhưng khi có bức tranh toàn cảnh về sức khoẻ và tài chính cần chuẩn bị thì sẽ giảm nhẹ câu chuyện khi nói với gia đình. Vì bố mẹ tôi đã ngoài 70, một người con của tôi đang đi du học châu Âu. Tôi cũng bảo với cháu rằng mùa hè này hãy ở lại châu Âu vì tôi đang trong quá trình điều trị bệnh. Rất may thời điểm đó tôi có ông xã. Mặc dù không cần nhiều sự an ủi, động viên nhưng một người bệnh lại cần có người thay mình quyết định nhiều việc.
Khi biết bị bệnh, tôi đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khoẻ. Tôi đã đi khám nha khoa để ngăn ngừa sự ảnh hưởng của hoá chất lên răng miệng, rồi đến siêu âm nội soi… Tôi cũng luôn chuẩn bị cho những kế hoạch tương lai, bởi khi lập gia đình luôn phải có khoản bảo vệ về mặt sức khoẻ, tài chính. Rất may, tôi nhận được khoản bảo hiểm về bệnh lý nghiêm trọng. Khi đã đủ tài chính cũng như các mối quan hệ tình cảm thuận lợi người phụ nữ có thể yên tâm điều trị bệnh. Tôi nghĩ đó là may mắn của mình và nếu ai bị bệnh người nhà nên cố gắng tạo điều kiện cho những điều đó.
- Những ngày ở viện điều trị với chị ra sao?
Những ngày ở bệnh viện, nơi mà mọi người đều có sức khoẻ và hình thức ốm yếu giống nhau, tôi lại luôn là người khiến cho không khí trở nên vui vẻ, tích cực. Trong một ngày khi đang ngồi truyền hoá trị, tôi bắt gặp giường đối diện một bạn gái để đầu trọc. Bỗng nhiên tôi nghĩ, nếu rụng tóc mình cũng sẽ cạo đầu như vậy. Tôi cũng nói với bạn ấy rằng rất thích việc bạn để đầu trọc, nhưng một lúc sau phát hiện đó là sư cô, tôi nhanh chóng gửi lời xin lỗi.
Sư cô chia sẻ rằng ở chùa, việc mang bệnh tật cũng bị tránh né. Tôi cũng giải thích rằng dù bạn đi tu hay ăn chay từ nhỏ thì việc ung thư không phải bắt nguồn từ thói quen ăn uống mà là ảnh hưởng của nhiều yếu tố như môi trường, bức xạ… Tôi cũng khuyên sư cô nên xin ra khỏi chùa để điều trị, đồng thời ăn đạm động vật để có sức khoẻ chống chọi với những lần hoá trị.
Giống như tôi, nếu ngày hôm đó xét nghiệm mà cơ thể bị thiếu các chỉ số cần thiết, vợ chồng tôi sẽ đi thẳng xuống Quảng Ninh ăn uống, nghỉ ngơi. Sau đó, tôi mới quay về làm xét nghiệm để cơ thể sẵn sàng cho việc hoá trị. Nghe lời khuyên của tôi, sư cô cũng xin ra khỏi chùa để chữa trị. Tuy nhiên sau đó sư cô lại mắc Covid khiến bệnh tình trở nặng hơn.
- Thường sau khi điều trị hóa chất, tóc sẽ rụng, người sẽ yếu khủng khiếp. Là một hoa hậu, sắc đẹp luôn là điều được quan tâm hàng đầu, vậy chị làm quen với chiếc đầu trọc một thời gian có khó khăn lắm không?
Điều trị hoá chất là một giai đoạn dội bom, khiến cho những niêm mạc da, tóc, dạ dày… cũng sẽ bị tiêu diệt. Việc rụng tóc cũng khiến tôi tự kỷ luôn. Mặc dù có thể dùng tóc giả nhưng sẽ rất bất tiện và không thay thế được tóc thật. Ngoài ra việc phẫu thuật ngực cũng là một điều nhạy cảm, vì đây là bộ phận đề cao sự nữ tính.
Trong lĩnh vực nghề mẫu trước đây, tôi rất chú trọng về vóc dáng, biểu cảm… nên tôi luôn để tâm đến để giữ lại tối đa được những gì tốt nhất, giữ tâm lý tốt nhất. Việc phẫu thuật của tôi cũng được các bác sĩ đánh giá hiệu quả, vì vậy các mối quan hệ cũng như sự tự tin không bị giảm sút.
Tôi muốn lưu lại khoảnh khắc của giai đoạn mình đối diện với ung thư nên đã trao đổi với anh Duzng Yoko - Giám đốc sáng tạo của một số tạp chí thời trang. Sau 2 tuần chia sẻ quá trình trải qua bệnh tật của mình, anh đã gọi và trao đổi với tôi về concept cho bộ ảnh nghệ thuật “Hồi sinh”.
Trong ảnh, ở phía ngực trái của tôi sẽ hiện lên những bông hoa hoặc có những bộ giáp đã được tạo hình để bỏ qua những định kiến là phụ nữ phải có cái này cái kia mới đẹp. Lúc này tôi cũng đã đủ khoẻ để thực hiện bộ ảnh đấy. Tôi nghĩ những người ốm cần động lực sống để tinh thần phấn chấn và sự vận động phù hợp.
- Con gái lớn của chị ở xa, việc cháu đón nhận thông tin mẹ bị bệnh thế nào?
Khi báo với con gái, tôi đã khá ổn định về tâm lý rồi. Tôi chỉ nói đơn giản rằng mẹ phát hiện ra bệnh và cần thời gian điều trị, mùa hè này con hãy ở lại châu Âu đi học hoặc đi chơi thêm. Tôi cũng dặn cháu học hành chủ động hơn trong mọi việc vì tôi không thể sẵn sàng giúp con mọi thứ được. Gần đây khi trở về Việt Nam, bạn ấy cũng khóc và chia sẻ rằng đã chủ quan không tìm hiểu kỹ về căn bệnh này để chia sẻ với mẹ lúc khó khăn.
Con gái nói rằng rất may tôi đã mạnh mẽ vượt qua, nếu không giả dụ điều gì đó xảy ra bạn ấy sẽ vô cùng ân hận. Tôi thấy con đã dần trưởng thành và động viên cháu thời điểm mẹ phát hiện bệnh lựa chọn là chưa cần đến sự chăm sóc của con, nên con không cần quan tâm xã hội hay mọi người nói gì. Sau này khi mọi thứ đã ổn, mẹ con cùng đồng hành thì không có gì khiến con phải áy náy.
Cuộc sống tất bật khiến cho chúng ta cứ bận rộn vào các guồng quay để bản thân đôi khi không được nghỉ ngơi và nhiều người khi có bệnh họ dường như mới bắt đầu sống 'chậm lại'. Chị rút ra được những điều gì khi đi qua trải qua những 'biến cố'?
Thực ra việc bị bệnh của tôi là một lời cảnh báo, rằng mình phải quay về bản thân. Bởi có những khi tôi áp lực đến nỗi ăn mà không biết mình ăn gì, hoặc bỏ bữa và không để tâm khi có dấu hiệu gì trong cơ thể. Việc phát hiện bệnh sớm khiến tôi được hướng vào bên trong, sống chậm lại, lắng nghe những vấn đề của cơ thể để kịp thay đổi cách sống và thích nghi với thể trạng mới này.
Mặc dù đại vận đến với mình nhưng may mắn sao tôi vẫn còn sức khoẻ, tài chính để đối mặt với nó. Tôi nghĩ mình đang đi vào hành trình hồi phục sức khoẻ, bởi cứ 3 tháng một lần tôi lại đi kiểm tra. Mọi thứ đang trở lại một cách từ từ chậm chạp. Tôi nghĩ nếu mình càng mong mỏi cũng như tập trung vào sự hồi phục thì sẽ càng thấy lâu, khoảng 1-2 tháng tôi đã thấy tóc mình dài mà có thể cắt được rồi.
- Tình hình sức khoẻ của chị giờ ra sao? Mọi sinh hoạt của đã quay lại trạng thái bình thường hay có phải kiêng khem nhiều?
Tôi xem nó như căn bệnh mãn tính, cứ 3 tháng kiểm tra một lần. Thể của tôi là thể nội tiết, để khống chế estrogen sản sinh cần uống thuốc trong vòng 10 năm. Khi điều trị bệnh phải luôn giữ được trọng lượng cơ thể, dù bệnh tật có làm mình chán ăn và gầy đi. Ngoài ra cũng luôn chuẩn bị về mặt tài chính để chữa trị lâu dài.
Tôi không kiêng khem gì. Tôi có thể quên đi những khó khăn, đau đớn của những lúc điều trị để nhớ rằng mình đang sống chung với bệnh. Từ đó sinh hoạt điều độ, uống thuốc thường xuyên và giảm bớt áp lực trong cuộc sống. Tôi vốn là người mạnh mẽ, độc lập, không cần ai giúp nhưng có lẽ đến giờ tôi cũng cần yếu đuối một chút. Cũng phải có gì đó trong tôi không ổn và tôi phải thay đổi.
- Tiếp xúc với chị tôi thấy chị là một người mạnh mẽ và luôn chủ động trong mọi việc. Thường những người cầu toàn thì vất vả và người khác sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ở họ sự yếu đuối?
Theo cá tính của mình, tôi luôn nhìn thấy động lực trong những tình huống khó khăn nhất. Nếu hỏi có lúc nào yếu đuối không thì câu trả lời là có. Đó là khi nhận kết quả ung thư mà tôi chỉ có một mình và ra về cũng một mình, ngồi trên xe taxi về nhà tự nhiên nước mắt tôi rơi. Thế nhưng cảm giác yếu đuối ấy không ở lâu trong tôi, khi sau đó tôi lại có gia đình và người thân bên cạnh.
Tôi cũng không quá đòi hỏi, kỳ vọng nên cuộc sống lúc này lúc khác nó không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của mình. Về cơ bản, tôi có sức khoẻ, cốt cách vừa đủ nên cảm thấy không quá thiếu thốn. Nếu đã xác định mục tiêu tôi sẽ mạnh mẽ, kiên cường đi đến cùng để chinh phục điều ấy. Tôi không thể yếu đuối mãi. Nếu xem mọi chuyện đơn giản, gần như không để mình phụ thuộc vào vấn đề gì mình sẽ có bản lĩnh để vượt qua.
Thiết kế: Hồng Anh
Concept &Photo: Dzung Yoko
Makeup: Tùng Châu Trần
Fashion: Lê Thanh Hòa