Hoàng Anh Tú là tác giả của hàng chục cuốn sách như: Mắc kẹt ở thiên đường, Yêu là yêu thế thôi, Con cái chúng ta khổ thật và chúng ta cũng thế!, Dám sống một cuộc đời rực rỡ, Em muốn có một cuộc tình già với anh, Thành phố của những linh hồn lạc…
- Hành trình bước ra từ anh Chánh Văn của báo Hoa Học trò để trở thành một nhà văn như bây giờ đã diễn ra như thế nào, thưa anh?
Tôi thích đọc sách từ hồi bé. Có lẽ thế hệ của tôi, đứa trẻ nào cũng vậy, mê sách nhiều khi còn hơn cả đá bóng. Hồi đó, bố là người truyền cho tôi cảm hứng đọc khi mà ông có cả một tủ đầy sách, dù chỉ học hết lớp 7. Bố gieo cho tôi tình yêu với sách bằng việc hứa thưởng 1-2 cuốn mỗi khi đạt điểm cao.
Tiếc rằng con trai ông học khá lẹt đẹt, kiếm con 7 đã khó chứ đừng nói là 9 hay 10. Bố hạ dần chỉ tiêu xuống 7 điểm đã được mua sách. Và rồi, khi thấy điểm 7 cũng hiếm hoi thì tôi chỉ cần không bị cô giáo nhắc nhở nói chuyện riêng trong lớp hay làm đầy đủ bài tập về nhà là được thưởng. Chính điều đó giúp tôi đọc nhiều sách như vậy.
Tôi thích đọc sách về tâm lý từ bé, thấy rất thú vị và vỡ ra được nhiều điều. Đầu tiên là do ước mong nắm bắt được tâm lý mọi người, đặc biệt là mấy cô bạn học cùng lớp. Trẻ con mà, luôn muốn có bạn gái nên phải chịu khó đầu tư. Nhưng sau này, nhờ những cuốn sách đó, tôi trở thành quân sư quạt mo cho lũ bạn, trong khi bản thân lại chẳng có ma nào yêu (cười).
Khi được tòa soạn và đích thân “anh Chánh Văn đời đầu” giao nhiệm vụ kế nghiệp, tôi rất hào hứng. Tôi nhớ đã khuân về hàng trăm cuốn sách tâm lý tuổi mới lớn, tâm sự bạn trẻ, đọc ngày đọc đêm để làm giàu kiến thức cho mình. Tôi thực sự không muốn làm hỏng hình tượng “anh Chánh Văn” mà mọi người dày công gây dựng.
Với mỗi thắc mắc của bạn đọc, tôi đều nghiền ngẫm rất lâu, tham khảo đủ loại sách để chắt chiu câu trả lời. May mà hồi đó mỗi tuần mới có 1 số báo và mỗi số chỉ có 2 trang cho anh Chánh Văn giải đáp chừng 8-10 câu hỏi. Cứ thế, 12 năm đảm nhiệm vai trò này giúp tôi không chỉ được đọc sách (lý thuyết) mà còn được 'đọc vị' tâm lý tuổi mới lớn. 12 năm là cả gần ngàn số báo, chục ngàn câu trả lời, tôi biết ơn những cuốn sách một thì biết ơn chính những cô bé, cậu bé học trò thời đó mười lần, trăm lần. Bởi họ cũng chính là "những cuốn sách" của tôi.
Nhưng điều giá trị nhất có được chính là TÔI của ngày hôm nay. Là một phần trong thanh xuân của rất nhiều người. Điều đó thực sự đáng giá và thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa. Nó càng ý nghĩa hơn khi mỗi ngày tôi được đọc hàng trăm trang bản thảo từ bạn đọc, từ những người trẻ thiết tha với cuộc đời.
Họ cũng như tôi, đều dốc ruột viết ra từng câu chữ gửi đến báo. Ngày đó, 99% bài đều được viết tay nên yêu vô cùng nét chữ học trò. Đó là cả một "thư viện sống" khổng lồ về ty tỷ chuyện trong đời sống học đường, mối quan hệ cha mẹ - con cái và cả chuyện tình yêu châu chấu bọ xít. Không có một cuốn sách nào chi tiết hơn, chân thật hơn và nhiều màu sắc cảm xúc hơn "cuốn sách" đó.
- Độc giả ảnh hưởng đến những sáng tác của anh như thế nào và ngược lại?
Tôi viết từ năm 1992. Ban đầu đúng là những câu chuyện vụng về, non nớt của một cậu bé mới học lớp 9. Tôi gửi đi khắp nơi, tất nhiên có cả Hoa Học Trò. Nhưng số phận những trang viết đó đều hẩm hiu. Mãi đến năm 1993 mới có truyện ngắn đầu tiên Huế Mơ đăng tạp chí Áo Trắng. Tôi viết khi chưa từng đến Huế. Đúng nghĩa là Huế… trong mơ. Rồi sau đó là những truyện ngắn đăng rải rác trên tập san Mực Tím, Nữ Sinh, Bạn Ngọc, Tuổi Xanh… Tình yêu thời kẹo lạc là truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Hoa Học Trò vào năm 1994. Từ đó, bạn bè gọi là Tú Kẹo Lạc. Tôi bắt đầu nghiệp viết lách của mình như thế.
Truyện ngắn của tôi bắt đầu xuất hiện nhiều trên những tờ báo lớn hơn và được chọn in sách tinh tuyển. Để được bạn đọc đón nhận và có thể đứng tên riêng trên nhiều tác phẩm, tôi nghĩ độc giả chính là những người thầy đặc biệt. Họ giúp tôi vượt lên chính mình, đòi hỏi ngòi bút phải sắc hơn nữa. Đó cũng là lý do mà sau này, tôi ra sách ít hơn, rèn giũa lại mỗi câu chữ của mình vì sự kỳ vọng của người đọc.
- Anh yêu thích nhà văn nào của Việt Nam và học được gì từ họ?
Tôi có nhiều nhà văn yêu thích lắm. Thời Tự Lực Văn Đoàn hay thời của những nhà văn sau đổi mới và cả một số tác giả trẻ hiện nay. Mỗi người - tôi đều yêu thích một cách riêng. Tôi mê mẩn giọng của Nguyễn Huy Thiệp; nhâm nhi từng câu chữ của nhà văn Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Nguyễn Công Hoan.
Lại có những tác giả mà nhờ họ, tôi học được cách viết như Phan Hồn Nhiên, một đồng nghiệp cùng cơ quan. May mắn là tôi được mời làm Ban giám khảo cho khá nhiều cuộc thi viết nên cơ hội đọc các tác phẩm chưa xuất bản giúp tôi rất nhiều. Kịch bản văn học cũng là một thứ tôi thích nghiền ngẫm. 2 năm gần đây, tôi được mời chấm, thẩm định kịch bản văn học cho phim hoạt hình của Cục Điện ảnh nên thu nạp rất nhiều thứ hay ho.
- Là một nhà văn, anh dành sự quan tâm đến văn hoá đọc đối với giới trẻ hiện nay như thế nào?
Ngày còn làm báo Hoa Học Trò, tôi bảo vệ đến cùng một tủ sách mà tôi gọi là tủ sách thúc đẩy văn hóa đọc cho giới trẻ. Giữa thời vật giá leo thang, tôi kiên quyết giữ giá cho từng cuốn sách xuất bản ra. Đến cả tạp chí Hoa Học Trò 2! vẫn duy trì giá 10.000 đồng suốt 13 năm trời, một tờ họa báo 100% in couche mà chỉ bán giá đó trong những năm 2012, 2013 là cực khó - khi hầu hết họa báo đều có giá 30.000 - 40.000 đồng. Sách của chúng tôi cũng vậy, chỉ bán 25.000 đồng để mọi đứa trẻ nông thôn đủ tiền mua, đó là những năm 2015 - 2016.
Tôi cũng tham gia rất nhiều chương trình thúc đẩy văn hóa đọc cho người trẻ và truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ con; những chuyến đi xuyên Việt đến từng ngôi trường, nói với học sinh về giá trị của việc đọc sách, bày cho các em tuổi mới lớn cách trưởng thành và khôn lớn nhờ sách. Nhẩm tính tôi cũng đi được hơn 100 ngôi trường rồi.
- Trong những ‘đứa con tinh thần’ của mình, hiện tại anh tâm đắc với tác phẩm nào?
Đó là cuốn: Dám sống một cuộc đời rực rỡ - NXB Văn học. Đây là một tác phẩm dành cho phái đẹp. Tôi chia theo hành trình thời gian từ thủa còn là những cô gái nhỏ, đến khi thành phụ nữ, làm vợ rồi làm mẹ. Cả khi họ đau khổ với những người đàn ông không ra gì, cho đến lúc phải đối diện với nỗi đau của ly hôn và năm tháng làm mẹ đơn thân. Tôi đã viết bằng sự thấu cảm, yêu quý và trân trọng mỗi người phụ nữ trong cuộc đời này. Tôi muốn họ nhớ lại rằng mình đã từng rực rỡ ra sao và hãy trở lại sự rực rỡ vốn có.
Cuốn sách này tôi không hề "dạy dỗ" phụ nữ, mà chỉ giúp họ hiểu rằng hãy yêu lấy bản thân nhiều hơn, hãy rực rỡ và “DÁM” rực rỡ - chữ “DÁM” của lòng can đảm. Tôi không có tham vọng làm ra 1 cuốn sách cho 50 triệu phụ nữ Việt nhưng tôi tin rằng mỗi người phụ nữ khi đọc cuốn sách này sẽ tìm thấy chính mình trong đó và tin vào bản thân, thêm một lần nữa!
Thiết kế: Hồng Anh