Đó là dự án của 6 học sinh lớp 11AB2 và 11AB3 là Vũ Quốc Dũng, Phạm Thành Đạt, Trần Dương Lam, Nguyễn Minh Dũng, Nguyễn Tuấn Hưng và Đặng Quang Minh.
Sản phẩm của dự án là 1 website về Lịch sử Việt Nam, trong đó nội dung được chia thành nhiều giai đoạn: Cổ đại, Trung đại, Cận đại và Hiện đại. Mỗi giai đoạn ứng với các mốc lịch sử và sự kiện khác nhau, được thể hiện qua các mô hình 3D và kiến thức sẽ được hệ thống lại theo chuỗi. Đặc biệt, website còn có tính năng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, không chỉ giúp học sinh học tập môn lịch sử mà nhóm kì vọng còn giúp các du khách nước ngoài trải nghiệm online.
Các mô hình 3D được lập trình và thiết kế dựa trên một số nguyên liệu sẵn có, có khả năng xoay được 360 độ để nhìn toàn cảnh, có thể hóa thân thành du khách tham quan di tích. Các khung cảnh 3D tái hiện lại không gian của lịch sử cũng được vẽ khá chỉn chu, chi tiết.
Chia sẻ về ý tưởng của dự án, bạn Dương Lam cho biết đội thi cảm thấy rằng với môn học Lịch sử, cách học thuộc lòng sẽ gây sự nhàm chán, khiến học sinh khó tiếp thu. Vì vậy, nhóm đã làm ra sản phẩm 3D (thực tế ảo) về các trận đánh, các di tích lịch sử... để hấp dẫn người xem hơn.
Nhóm kể rằng đã bắt đầu thực hiện ý tưởng từ cuối năm ngoái và tốn rất nhiều thời gian để làm quen với các công nghệ mới và việc tự học về code và vật thể 3D rất khó nhằn.
“Bản thân chúng em là học sinh nên kĩ năng không được chuyên nghiệp và mảng kiến thức về code 3D rất mới mẻ.” Lam nói.
Vì vậy, các thành viên trong đội phải tự học lập trình và thiết kế mô hình 3D ảo trên Internet và có tham khảo 1 số sản phẩm trước đó.
Đội thi sử dụng nền tảng Wix để viết website, sử dụng phần mềm Autodesk 3Ds Max để xây dựng vật thể và dùng Unity để hoàn thiện sản phẩm, đưa các vật thể vào cùng một không gian 3 chiều tạo nên cấu trúc của di tích.
Đạt cho biết điểm mạnh của sản phẩm chính là các mô hình này được triển khai trên không gian mạng, khác so với mô hình của các bảo tàng tại Hà Nội. “Các du khách ở xa chỉ cần sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, laptop là có thể truy cập vào website để xem các sự kiện lịch sử dưới dạng 3D mà không cần phải đến tận nơi” - Đạt nói.
Thời điểm triển khai dự án cũng là lúc Hà Nội đang tiến hành giãn cách nên cả đội phải họp online. “Trong những tuần đầu tiên chúng em họp nhiều buổi để lên ý tưởng và chốt lại hướng đi của dự án. Nhiều đêm chúng em đi ngủ rất muộn vì vẫn cần phải ưu tiên việc học trên lớp trước” - Lam chia sẻ.
Tuy nhiều bất cập nhưng đội thi chia sẻ rằng chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Ngoài ra, năm ngoái nhóm đã từng tham gia cuộc thi nhưng chỉ đạt giải Ba nên năm nay quyết tâm làm lại để đạt giải Nhất.
Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục việc xây dựng website và hoàn thiện thêm nhiều mô hình 3D về các sự kiện lịch sử. Nhóm không chỉ muốn website trở thành nơi học tập mới lạ về môn Lịch sử cho học sinh mà còn tiến tới quảng bá lịch sử Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Doãn Hùng