Cuối tháng 10 năm ngoái, Phạm Xuân Hùng, học sinh lớp 9 tại Cầu Giấy quyết định ôn thi IELTS khi biết một số trường tư ở Hà Nội ưu tiên cộng điểm hoặc tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ này. Thời điểm ấy, khi làm bài thi thử, Hùng đạt khoảng 5.0.
“Hầu hết các trường đều ưu tiên thí sinh có điểm IELTS từ 5.5. Ban đầu, em dự định sẽ tìm tài liệu trên mạng và mua sách về tự học. Tuy nhiên, để nâng “band” điểm trong thời gian ngắn rất khó, vì thế em quyết định đăng ký một khóa học bài bản”.
Hùng cho biết không chỉ riêng em, một số bạn trong lớp cũng đã thi hoặc đang ôn luyện để chuẩn bị đăng ký lấy chứng chỉ này. Nam sinh nhận định, nếu chỉ đạt 5.5 vẫn sẽ thấy thấp thỏm vì không có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đặt mục tiêu đỗ vào Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hùng kỳ vọng sẽ đạt mức 6.5 – mức điểm được ưu tiên cộng 1,5 theo như đề án năm ngoái.
Để đạt mục tiêu này, hiện tại ngoài việc tự học, nam sinh còn tham gia một khóa học kéo dài 14 tuần do giáo viên Philippines đứng lớp. Mỗi tuần, nam sinh học 2 buổi, mỗi buổi 1,5 tiếng với mức giá toàn khóa là 15 triệu đồng.
Theo Hùng, chỉ khi có IELTS mới là công thức đảm bảo nếu muốn cạnh tranh được vào các trường chất lượng cao. “Em sẽ cố gắng ôn tập để kịp thi ngay sau khi ra Tết. Sau đó, thời gian còn lại em sẽ dồn toàn lực tập trung ôn các môn thi theo yêu cầu”, nam sinh nói.
Trong mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều trường THPT vẫn ưu tiên cộng điểm hoặc tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ IELTS. Tùy theo từng trường, mức điểm IELTS cần đạt để được ưu tiên sẽ khác nhau.
Chẳng hạn, Trường THPT Archimedes Academy sẽ tuyển thẳng học sinh có IELTS từ 5.5 trở lên. Nếu đạt 6.5, các em sẽ nhận được học bổng 40 triệu đồng/năm và đạt 7.0 sẽ được học bổng 50 triệu đồng. Điều kiện chung cho cả ba mức điểm IELTS này là điểm trung bình môn Toán năm lớp 9 không được dưới 8.
Tương tự, các trường THCS và THPT Lê Quý Đôn hay Trường THCS và THPT Newton cũng sẽ tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên. Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh lại xét tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.5 và đạt học sinh giỏi trong 4 năm THCS. Trong khi đó, Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ từ 6.0 trở lên.
Nhận thấy lợi thế nếu có chứng chỉ IELTS, ngay khi con trai vừa thi xong học kỳ 1 năm lớp 8, chị Nguyễn Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu đưa con đi tìm hiểu một số trung tâm luyện thi IELTS. Theo chị Hà, hiện tại nhà nhà đều có chứng chỉ IELTS, vì thế nếu chỉ dựa vào điểm thi sẽ rất rủi ro.
Tuy nhiên, khi đưa con tới một số trung tâm và được kiểm tra trình độ đầu vào để xếp lớp, chị Hà cảm thấy việc xếp lớp của trung tâm “chưa thực sự phù hợp với sức học của con”. Vì thế, sau một thời gian, bà mẹ này quyết định chuyển hướng, đứng ra gom nhóm và tự mời giáo viên về dạy.
“Những lớp học như vậy sẽ không quá đông. Mình chỉ cần tìm thêm khoảng 3-4 học sinh có chung mức điểm với con để cùng học. Với hình thức này, các phụ huynh cũng có thể tương tác với nhau để thiết kế lộ trình hoặc điều chỉnh nhịp học cho phù hợp với sức của các con”.
Mặc dù chi phí khi thuê riêng giáo viên như vậy sẽ cao hơn so với mức trung bình của các khóa học 4 kỹ năng tại trung tâm, nhưng chị Hà cảm thấy hình thức này hiệu quả hơn rất nhiều vì giáo viên có thể sâu sát, dừng lại lâu hơn để lấp những lỗ hổng trong các kỹ năng của học sinh.
“Riêng phần IELTS Speaking, trước khi thi khoảng 1 tháng, con cần rèn luyện chuyên sâu 1 – 1 với giáo viên bản ngữ để đạt hiệu quả cao hơn”, chị Hà nói.
Khi ngày càng nhiều trường học từ cấp THCS, THPT dành chỉ tiêu tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển cho những học sinh có chứng chỉ IELTS, thậm chí có trường ưu đãi học phí hay cấp hàng chục triệu đồng học bổng, theo chuyên gia, việc phụ huynh đổ xô cho con đi luyện IELTS từ sớm là điều tất yếu.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ở độ tuổi còn nhỏ như tiểu học hay THCS, bài thi này không phù hợp do trẻ vẫn chưa có đủ trải nghiệm, kiến thức, khả năng tư duy để lập luận, phản biện các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, kỹ thuật… Việc tập trung ôn luyện và thi một loại chứng chỉ có thời hạn 2 năm như vậy sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc đối với gia đình.
Ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên ở Hà Nội đánh giá, phong trào học chứng chỉ IELTS đang đi sâu vào rất nhiều gia đình, vùng miền vì hầu hết cho rằng IELTS sẽ trở thành “tấm hộ chiếu” hay “tấm vé thông hành”. Vì thế, không ít phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho loại chứng chỉ này.
“Việc ưu tiên xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế có thể làm thiên lệch sự định hướng giáo dục. Hơn nữa, khi đứa trẻ dồn sức vào luyện thi chứng chỉ cũng sẽ gây mất cơ hội, thời gian để trau dồi và phát triển các nền tảng khác”, ông Tuấn nói.