Hà Nội từng yêu cầu ưu tiên quỹ đất sau khi di dời nhà máy, bệnh viện, trường đại học trong nội thành làm không gian xanh. Nhưng khi các nhà máy được di dời, công viên chưa thấy hình hài thì ‘rừng" cao ốc đã mọc lên như nấm sau mưa.
LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng.
Ngộp thở với "rừng" cao ốc
Từ năm 2014, TP Hà Nội đã đặt ra yêu cầu khi di dời các cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện ở quận Đống Đa, Thanh Xuân, ưu tiên hàng đầu trong việc chuyển đổi công năng quỹ đất là để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có công viên, vườn hoa, sau đó mới đến các dự án phát triển đô thị.
“Trong các quận có chỉ tiêu cây xanh thấp như Thanh Xuân, Đống Đa, được ưu tiên chức năng cây xanh khi chuyển đổi sử dụng đất”, quyết định 1495 về quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa Hà Nội đến năm 2030 được ban hành từ tháng 3/2014 nêu rõ.
Nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô, lại có nhiều nhà xưởng, những năm gần đây Thanh Xuân, Đống Đa là những quận có tốc độ đô thị hoá cao nhất TP Hà Nội. Trong khi đó, diện tích dành cho cây xanh, công viên, vườn hoa chưa được đầu tư tương xứng. Điều đó dẫn đến sự ngột ngạt cho khoảng 700.000 dân sống ở 2 quận này.
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, trong những năm qua, hàng loạt nhà máy được di dời ra khỏi hai quận Đống Đa, Thanh Xuân để giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy, các toà nhà, khu đô thị luôn được "ưu ái" hơn dành quỹ đất cho cây xanh, công viên, vườn hoa. Chính vì vậy, nhiều tuyến đường ở các quận của TP Hà Nội được mệnh danh là ‘rừng" cao ốc.
Hai bên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trước đây là các nhà xưởng cũ rộng vài chục ha. Sau khi các nhà máy cũ được di dời ra ngoại thành, tuyến đường dài chỉ 720m được xây hơn 20 toà nhà cao tầng. Cụ thể là các khu chung cư như Imperia Garden, TNR Goldseason, 90 Nguyễn Tuân, Việt Đức Complex, Thống Nhất Complex, The Legend… Với 6.000-7.000 căn hộ đã được bán, các khu chung cư trên đường Nguyễn Tuân có khoảng 25.000 người đang sinh sống.
"Nổi tiếng" không kém tuyến đường Nguyễn Tuân về tốc độ xây dựng nhà cao tầng và mật độ dân cư là trục đường Lê Văn Lương. Tuyến đường này dài khoảng 2km nhưng ‘cõng’ tới 40 cao ốc. Một số dự án nổi bật trên đường Lê Văn Lương như Golden Palm, Golden Palace, 18T1 và 18T2 Trung Hòa Nhân Chính, Star City, Hanoi Center Point, Oriental Lê Văn Lương… với khoảng 3.500 căn hộ.
Điều đáng nói, dù các tòa nhà cao tầng đã ken đặc tuyến đường Lê Văn Lương nhưng cơ quan chức năng của TP Hà Nội vẫn điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chiều cao công trình. Điều này đã được Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ tại kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022.
Cụ thể, dự án trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê ở số 19 Lê Văn Lương được điều chỉnh từ 12 tầng lên 16 tầng; tòa nhà Hà Nội Center Point (ô đất có ký hiệu 4.1-CC, 3.7-CC) được nâng cả chục tầng, tăng mật độ xây dựng từ 26 - 52%; tòa nhà Diamond Flower được tăng từ 6 lên 39 tầng (ô đất 9.1-CC)…
Gần 30 vạn dân chung 1 công viên
Quỹ đất dành cho công trình công cộng còn hạn chế, trong khi nhà cao tầng đua nhau mọc lên, khiến quận Thanh Xuân luôn trong tình trạng quá tải hạ tầng xã hội. Các tuyến đường ở quận Thanh Xuân như Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Vũ Trọng Phụng… luôn trong tình trạng ùn tắc vào các khung giờ trong ngày.
Quận Thanh Xuân có dân số lên đến gần 30 vạn người, nhưng cả quận hiện nay chỉ trông chờ vào sự giải nhiệt của duy nhất Công viên Thanh Xuân, rộng hơn 13ha (8ha diện tích mặt nước, 5ha vườn hoa, cây xanh). Công viên này được khởi công từ năm 2016, đến năm 2018 chính thức mở cửa với kỳ vọng đáp ứng một phần nhu cầu của người dân về một không gian xanh rộng lớn, giảm tải áp lực của nội đô.
Mật độ dân số lớn, trong khi diện tích cây xanh hạn chế, nên vào dịp cuối tuần, Công viên Thanh Xuân luôn đông như trẩy hội. Tuyến đường ven hồ luôn đông người chạy bộ, đi dạo. Khu vực có diện tích rộng ven hồ thường được trẻ nhỏ và các tốp học sinh tận dụng làm nơi tập nhảy, múa, nô đùa.
Ngoài chịu cảnh ùn tắc giao thông, người dân trên địa bàn quận Thanh Xuân còn thiếu công viên, vườn hoa vui chơi, giải trí. Anh Phạm Văn Cường, nhà ở khu chung cư 90 Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) trần tình, bài toán nan giải nhất của gia đình anh mỗi dịp cuối tuần là cho con đi đâu chơi.
“Thỉnh thoảng cả gia đình đi bộ ra Công viên Thanh Xuân, nhưng ở đó lúc nào cũng đông đặc người. Ra công viên chơi, nhưng mắt lúc nào cũng phải căng ra nhìn con và tránh người chạy bộ”, anh Cường nói và cho biết, Công viên Thanh Xuân cũng thiếu khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ.
Trước thực trạng thiếu công viên, vườn hoa có quy mô lớn, hiện trong một số khu chung cư, tập thể cũ ở quận Thanh Xuân đã tận dụng những khoảng không gian nhỏ làm xây dựng sân chơi, đường đi nội bộ dành cho người dân. Tuy nhiên, do không được lực lượng chức năng quan tâm nên các khu vực này cũng bị lấn chiếm, biến thành nơi buôn bán, chỗ để xe ô tô.
Cụ thể, tại chung cư 90 Nguyễn Tuân, khu này rộng khoảng 3ha với hàng nghìn cư dân đang sinh sống nhưng tuyến đường nội bộ luôn bị ô tô đỗ kín, vườn hoa nhỏ bên trong khu đô thị luôn ngập rác, không ai dám vào.
Còn tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nơi từng có nhiều sân chơi, nhưng hiện nay đã bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
Quận Thanh Xuân hiện nay vẫn là một trong những quận còn nhiều nhà xưởng trong nội thành Hà Nội. Đáng nói, vẫn còn những khu đất nhà máy có diện tích từ vài ha lên đến hàng chục ha nằm hai bên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Nguỵ Như Kon Tum, Lê Văn Lương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin nào về việc ưu tiên những quỹ đất này cho xây dựng công viên, và không loại trừ, những quỹ đất đó lại hình thành cao ốc.
Kỳ tiếp: Dù ngộp thở giữa "rừng" bê tông nhưng nhiều người Hà Nội lại có tâm lý ngại vào công viên, nguyên nhân là do cách quản lý công viên mỗi nơi một kiểu. Có công viên kín cổng cao tường để thu phí, nhưng có nơi mở toang thì lại để nhếch nhác. Mời quý độc giả đón đọc bài 5...