Năm nay, toàn TP có 108.290 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ có 94.076 thí sinh dự thi vào lớp 10. Con số này tăng hơn 11.000 thí sinh so với năm 2021.
Đây là lứa học sinh khá đặc biệt. Các em bước vào kỳ thi quan trọng sau 3 năm học liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt năm học lớp 9 thời gian học trực tuyến còn nhiều hơn học trực tiếp…
Tại điểm thi Trường THCS Hà Huy Tập (Quận 12) có 18 phòng với gần 450 thí sinh dự thi. Đưa con đi thi tại điểm này, nhiều phụ huynh cho biết rất lo lắng.
""Dịch bệnh kéo dài, việc các con chỉ học trực tiếp được 1 học kỳ, học kỳ còn lại phải học online và ảnh hưởng của dịch Covid-19 bị phong tỏa, cách ly là một thiệt thòi vô cùng lớn. Chưa kể nhiều bé lại nhiễm bệnh là F0, F1... nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu kiến thức” - Chị Mai Hương, một phụ huynh đưa con đến điểm thi này chia sẻ và cho biết suốt cả đêm qua chị không ngủ, phần vì thương con trải qua một năm học với nhiều thiệt thòi do dịch bệnh, phần thì lo lắng con có làm được bài không.
Cũng tại điểm thi này, một cô giáo đang tham gia hỗ trợ kiểm tra học sinh dự thi thì ngất xỉu. Ngay lập tức, các đồng nghiệp đã đưa cô vào phòng y tế của trường...
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay năm 2022 này, toàn thành phố có 150 điểm thi, gồm 139 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên với 3.953 phòng thi trong đó 3.642 phòng thi lớp 10 thường – 24 thí sinh/phòng, ở mỗi điểm thi sẽ có thêm 3 phòng thi dự phòng. Mỗi quận, huyện có từ 1 đến 3 điểm thi dự phòng.
Sở GD-ĐT huy động 11.859 giáo viên làm cán bộ coi thi và 1.800 nhân viên, bảo vệ, công an… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.
Bộ phận ra đề, in sao đề thi đã được cách ly từ 15h ngày 5/6 đến ngày 12/6. Sở GD-ĐT đã thực hiện kiểm tra cơ sở vật chất tại 150 điểm thi các điểm điều đủ điều kiện tổ chức thi.
Ngày thi đầu tiên có 1 học sinh thuộc diện F0 thi ở phòng thi riêng, và 8 trường hợp học sinh bị tai nạn không thể viết được bố trí ở 8 phòng thi dự phòng.
Đối với 8 thí sinh bị tai nạn không thể viết được, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn lãnh đạo các điểm thi thực hiện nghiệp vụ coi thi đúng theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tham gia dự thi: bố trí cho thí sinh thi phòng thi dự phòng, có 2 cán bộ coi thi. Trong đó một cán bộ coi thi hỗ trợ thí sinh ghi bài, cán bộ coi thi còn lại thực hiện nhiệm vụ giám sát. Trong phòng thi có lắp đặt máy ghi âm, ghi hình.
Năm nay, với tổng chỉ tiêu cho các trường THPT công lập là hơn 72.000, sẽ có hơn 20.000 học sinh phải tìm cơ hội học lên cao ở các hệ đào tạo khác.
Mặc dù không thiếu chỗ học ngoài công lập, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vật giá leo thang, chi phí học tập sẽ là gánh nặng cho nhiều phụ huynh. Do đó, mức độ cạnh tranh của kỳ thi này vẫn rất cao, đặc biệt đối với một số trường có truyền thống như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Gia Định, THPT Lương Thế Vinh, THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Gia Định...
Trong đó, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân có tỉ lệ chọi là 1/3,21 – cao nhất trong số các trường tuyển sinh. Xếp sau đó là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền với tỉ lệ chọi 2,99….
Tuy nhiên, trong số 108 trường vẫn có 38 trường số nguyện vọng đăng ký ít hơn cả chỉ tiêu.
Một số hình ảnh trong buổi thi đầu tiên:
Lịch thi lớp 10 của TP.HCM năm 2022
>>>Chi tiết lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố
Lê Huyền - Thanh Tùng - Phương Chi - Như Sỹ