Cách đây hơn 15 năm, khi được giao đất để làm vườn ao chuồng, nhiều gia đình đã trót xây nhà lớn và kiên cố để ở vì theo họ, quyết định số 03/2002 của UBND tỉnh Hưng Yên về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hoàn toàn không giới hạn về diện tích xây dựng nhà tạm để trông coi, bảo vệ khu sản xuất. Thế nhưng, theo nhiều văn bản của UBND huyện Phù Cừ, người dân lại chỉ được phép làm nhà tạm và kho chứa với tổng diện tích dưới 20m2.
Biết sai nhưng nhiều người dân không đồng thuận do chính quyền địa phương suốt 10 năm nay không đoái hoài gì. Đến nay, khi cơ ngơi đã được đầu tư xong và yên ổn làm ăn mới nhận lệnh phải phá dỡ. Nhà đang ở phải trở thành chuồng lợn, chuồng gà. Còn chuồng lợn, chuồng gà cũ giờ lại đươc cải tạo thành nhà tạm vì chí ít nó đảm bảo đúng quy định cho phép để ở tạm.
Một điều khác khiến nhiều hộ gia đình phản ứng là trong biên bản xử phạt của xã lại ghi xây dựng trái phép trên đất trồng lúa chứ không phải xây quá diện tích để ở trên đất vườn ao chuồng, nghĩa là toàn bộ diện tích để ở sẽ phải phá dỡ, kể cả phần diện tích nhà tạm dưới 20m2 theo đúng quy định giao đất vườn ao chuồng.
Lãnh đạo xã sau đó cũng đã thừa nhận trong biên bản này chưa đúng quy định của pháp luật, không áp dụng để xử lý, thế nhưng trên loa phóng thanh hàng ngày, không hiểu sao vẫn phát đi thông điệp yêu cầu giải tỏa hoàn toàn các công trình vi phạm.
Xã Quang Hưng hiện có hơn 100 hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa vì có công trình xây dựng trái phép. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Phù Cừ. Mong mỏi lớn nhất của người nông dân lúc này là chính quyền địa phương có một giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật để người dân ổn định sản xuất.
Theo VTV